07/02/2012 09:40 GMT+7

Phận Caddy ở sân golf

VŨ THỦY - TÂM LỤA
VŨ THỦY - TÂM LỤA

TT - Sau khi lọt qua vòng thi tuyển và học nghề ở các sân golf, hai nữ phóng viên Tuổi Trẻ đã trở thành caddy (nhân viên kéo bao gậy cho khách chơi golf trên sân). Hai tháng làm caddy, sổ tay của họ đã ghi lại những câu chuyện đầy nhọc nhằn, gian truân, nhiều nụ cười nhưng cũng đầy nước mắt của những cô gái làm phục vụ tại những nơi giải trí sang trọng và thời thượng này.

Tại các sân golf, hầu hết những người đảm nhận công việc này là phụ nữ. Nếu như golfer (khách chơi golf) phải tập luyện vài tháng mới cầm gậy ổn thì caddy cũng mất cả tháng học việc. Với caddy, đường vào sân golf hành nghề và lập nghiệp đầy nhọc nhằn, cũng dài và xa như những đường golf trên sân cỏ.

Read this on Tuoitrenews.vn

LnxB7Noz.jpgPhóng to
5 giờ sáng, caddy học việc ở sân golf BS (Bình Dương) chuẩn bị cho lần ra sân đầu tiên - Ảnh: Vũ Thủy

Mòn mỏi học việc

Vào một buổi sáng cuối tháng 11-2011, tôi có mặt tại cổng sân golf HP (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) để tham gia buổi tuyển chọn caddy. Hơn 20 cô gái từ khắp nơi như Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), xã Sơn Đông, Cổ Đông -Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội)... đổ về thi tuyển.

Cô gái đứng cạnh nhìn tôi từ đầu tới chân bảo: “Chị cao thế này là được rồi, nhưng sao không trang điểm và ăn mặc bốc lửa một chút. Các chị từng đi tuyển trong này bảo đi xin việc phải trang điểm thật đậm, ăn mặc sexy và đi giày cao gót mới dễ được nhận vào”.

Nhiều cô gái đi dự tuyển cùng với tôi trong buổi sáng hôm ấy cũng ăn mặc khá “mát mẻ” giữa cái lạnh đầu đông của vùng núi Hòa Bình. Kết quả, bảy cô gái trong đó có tôi được thông báo đã lọt qua vòng sơ tuyển đầu tiên gồm các khâu: đi lại vài vòng, đăng ký tờ khai và giới thiệu về bản thân, quê quán... Hơn chục cô gái bị loại, đa số do quá thấp hoặc kém sắc.

Hơn 5g sáng, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, chúng tôi phải xếp hàng đợi nhận việc. Những học viên mới cùng với các caddy cũ tập thể dục, nghe phổ biến nội quy xong thì trời vừa mờ sáng. Người quản lý phát dụng cụ để đi nhổ cỏ sân golf. Bài học đầu tiên mà những caddy mới phải học là phân biệt được cỏ nhân tạo để giữ lại, cỏ tự nhiên để nhổ đi.

Còn xin việc ở sân golf BS (Thuận An, Bình Dương) lại khó khăn hơn khi các cô gái phải trải qua một cuộc phỏng vấn tiếng Anh. Giao tiếp vài câu, thấy tôi nói cũng khá và cam kết: “Nắng mưa gì em cũng không sợ. Em con nhà nông quen lao động chân tay rồi”, người quản lý gật đầu và còn động viên thêm: “Công ty đang thiếu người. Chắc chỉ vài tuần các em được ra sân thôi”.

Thế nhưng đợt học việc cấp tốc của tôi cũng mất gần một tháng rưỡi. Suốt những ngày đầu, buổi sáng chúng tôi học lý thuyết, chiều được ra sân để học địa hình sân. Công việc của caddy không chỉ là mang túi gậy đi theo các đại gia chơi golf như nhiều người vẫn tưởng. Caddy mới vào nghề phải học thuộc địa hình sân, đoán hướng gió, nhìn hướng bóng để chỉ cho khách và học đủ thứ luật rắc rối. Với nhiều khách không biết đánh golf, caddy đương nhiên trở thành người hướng dẫn cho khách.

Ở sân golf BS, mỗi ngày caddy phải đi vòng quanh 27 lỗ golf, có khi vào giữa 12 giờ trưa nắng như đổ lửa. Tôi bắt đầu thấy ngợp với viễn cảnh về quãng đường dài đằng đẵng mười mấy cây số phải đi bộ mỗi ngày. “Đi cho quen dần đi. Tập thể lực đi là vừa”, người quản lý tên L. bảo. Tại sân golf HP cũng không khá hơn, chúng tôi đi thăm sân giữa cái lạnh buốt da thịt. Buổi đầu tiên đi được năm lỗ golf thì bàn chân tôi bắt đầu mỏi rũ rượi. Bước đi không vững nhưng tôi vẫn cố bám theo sau lưng người quản lý và các caddy cũ để học việc. Chỉ cần chậm chân rớt lại phía sau sẽ bị nhắc nhở ngay: “Khẩn trương lên, bước nhanh lên”, “Chậm như thế sao mà phục vụ được khách”... Các quản lý và caddy cũ đã quen với việc đi bộ, còn hầu hết caddy mới vừa đi vừa chạy, thở hổn hển mà vẫn không theo kịp. Giữa trời lạnh mà tôi thấy người nóng phừng phừng...

Để gây áp lực phải “thuộc bài” cho caddy, tuần nào các quản lý cũng tổ chức kiểm tra bất chợt. Sân golf BS có khách chơi golf khá đông là người nước ngoài nên caddy bắt buộc phải biết những câu tiếng Anh thông dụng. Lớp chúng tôi hơn chục người, chủ yếu là các cô gái quê, hơn phân nửa đã có gia đình nên việc học tiếng Anh theo kiểu “học vẹt” cũng là điều hết sức khó khăn. Thời điểm trước mỗi buổi kiểm tra là căng thẳng nhất với các caddy mới: người cầm vở, người nhắm mắt đọc thuộc các từ: one, two, three, what your name...vì sợ không qua bài kiểm tra sẽ bị loại.

b471stTy.jpgPhóng to

Ca làm 5g sáng

Học lý thuyết và địa hình sân vài ngày, chúng tôi được ra sân thực hành kéo bao gậy cho người huấn luyện. Gần 5g sáng, tôi cùng chín caddy khác tập trung ở sân. Lúc tới sân golf bóng đêm vẫn còn dày, trăng vẫn còn lơ lửng phía trời tây, chúng tôi im lặng đi sang khu sân tập để nhận bao gậy. Lụi hụi kéo xe đẩy và vác bao gậy đặt lên xe, mọi người đều cảm thấy hồi hộp.

“Trời tối thui sao thấy banh mà đánh?”, tôi thắc mắc. “Chị yên tâm, lát ra sân là sáng trời rồi. Ngoài sân sáng lắm không như trong này đâu”, một người động viên. Không quen việc, tôi quýnh quáng lấy gậy, kéo gậy, lau banh, đánh dấu banh... tay chân như quíu lại. Ngắm banh cũng lúc được lúc không.

Một lỗ, hai lỗ...Những đường golf dài ướt át lùi dần về phía sau. Lúc mới tới sân đứa nào đứa nấy co rúm lại vì lạnh thì chỉ một lúc sau thi nhau thở dốc, mồ hôi chảy ướt lưng áo. Nắng bắt đầu chiếu xuống sân nhưng chẳng đứa nào bịt nổi khẩu trang vì còn đang bận thở, bao tay cũng không đeo vào được vì đeo vào đôi tay cứ luống cuống. Và không ngừng nghe hàng loạt dặn dò của người nữ huấn luyện: “Em phải đứng trước mặt chị khi chị đánh, đừng đứng sau lưng”. “Khi khách đánh, em phải vừa nhìn theo banh vừa bước lại phía khách để nhận gậy và tranh thủ lau gậy! Đừng để khách chờ họ sẽ bực mình”... Lúc lên green (khu lỗ golf) cả đám luýnh quýnh, di chuyển loạn xạ và nghe người quản lý trách mắng ầm ĩ.

Sau hơn bốn giờ đi bộ gần chục cây số, chúng tôi kéo xe về lại sân tập. Chân ai cũng mỏi nhừ, đầu nặng trịch, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Một caddy mới lên tiếng: “Sáng sớm trời mát mà còn mệt thế này, những ngày nắng gắt sắp tới không biết phải xoay xở ra sao?”. Cả đám lặng thinh.

Hơn một tháng kéo gậy học việc trong đồng phục áo trắng, quần tây xanh đen, tôi đã quen nghe khách và caddy cũ gọi mình là “áo trắng”: “Áo trắng lấy nước”, “Áo trắng lấy thuốc lá...”. Những “thượng đế” đầu tiên của tôi là những ông “cồ” (khách Hàn Quốc) lành tính không rành tiếng Việt lắm nên cũng không nói gì nhiều giữa những trưa nắng thiêu đốt.

Thường khi hết vòng sân khách vào nhà hàng, còn caddy kéo xe sang trạm chờ sân kế tiếp đợi sẵn, tranh thủ lấy mì ly pha ăn ngay tại chỗ. “Vậy mới có sức mà kéo em ạ! Lỡ khách không đi 18 lỗ mà nổi hứng đi hết bốn vòng 36 lỗ, không ăn sức đâu mà theo”. Tôi nhẩm tính: bình thường một vòng golf 18 lỗ hơn chục cây số, đi khoảng 4-5 tiếng, chậm thì 6 tiếng, 36 lỗ thì mất nguyên ngày. Nhìn bao gậy nặng trịch phía sau caddy, tôi không khỏi ái ngại.

Ở sân golf BS, sau gần hai tháng học việc, nếu kiểm tra được đánh giá tốt, chúng tôi mới được phát đồng phục để ra sân “đi chen” và học lái xe buggy (xe điện) chứ chưa được ra sân chính thức. “Đi chen” là được phân đi kéo xe với một nhóm caddy cũ và chỉ nhận lương học việc chứ chưa có tiền vòng (tiền công ty trả cho một vòng golf). Không ít caddy đã rơi rụng dần, không trụ nổi đến ngày được ra sân chính thức. Đợt tuyển trước tôi, học viên mới vào gần 40, sau khi học xong chỉ còn lại vài ba người.

______________________

Đường vào sân golf chở nặng nhiều ước mơ của những cô gái quê, cả những mong đợi của người thân của họ về một cuộc sống sẽ đổi khác trong nay mai. Nhưng để lấy được đồng tiền của khách, caddy phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, có khi còn phải đổ máu trên sân golf...

Kỳ tới: Trăm dâu đổ đầu tằm

VŨ THỦY - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên