Ông Lê Doãn Hợp - Ảnh: Quỳnh Trung |
Gần đây, trên tin nhắn và mạng xã hội xuất hiện một số thông tin bịa đặt về tình hình nội bộ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ứng phó như thế nào trước những loại thông tin kiểu này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Doãn Hợp - nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, phân tích:
Vấn đề đơn thư tố cáo, khiếu nại các cán bộ, lãnh đạo cấp cao trước đại hội Đảng nêu ra sát nút quá nên việc thẩm tra, kết luận không phải dễ, có khi phải mất vài tháng.
Sau đại hội thì những nội dung đó phải được xem xét kết luận, nếu mà đúng phải xử lý cán bộ theo quy định, nếu sai thì phải bảo vệ cán bộ.
Nếu cơ quan nhà nước tiếp nhận những thông tin, những đơn thư tố cáo trên mạng xã hội dành cho người dân thì anh phải có nghĩa vụ trả lời cho người dân, hay nói nôm na là lấy của ai thì trả lời cho người đó.
Cơ quan nhà nước có thể đăng kết luận, xác minh điều tra trên website của Đảng Cộng sản, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan báo chí...
Đã là lãnh đạo thì không anh nào không bị khiếu nại hay tố cáo cả, chỉ có ít hay nhiều, đúng hay sai mà thôi. Vì đã làm lãnh đạo là phải có đụng chạm. Một người lãnh đạo là một người vì số đông chứ không phải vì tất cả bởi anh phải bảo vệ người tốt và nghiêm khắc với người xấu.
Có ba loại thông tin: 1. Đúng, 2. Sai và 3. Có đúng, có sai. Nếu đúng thì tiếp thu, sai thì phải phản bác, đấu tranh lại để tự bảo vệ mình. Khi tôi nhận đơn thư liên quan đến mình, tôi tận dụng các diễn đàn để tiếp thu ý kiến đúng và phản bác lại những thông tin sai.
Các tổ chức quản lý cán bộ cũng phải có nghĩa vụ trả lời đơn thư tố cáo, khiếu nại. Cá nhân bị tố cáo ở cấp nào thì cán bộ quản lý cấp đó trả lời.
Cách đây gần 30 năm, tại Đại hội Đảng bộ TP Vinh (Nghệ An), một đồng chí thường vụ thành ủy bị tố là có biểu hiện đa nguyên, đa đảng. Sau đó, tổ chức quản lý cán bộ soạn một một văn bản nhận xét cán bộ nói rõ ưu điểm, hạn chế và phát đến tận tay cho tất cả đại biểu. Cuối cùng đồng chí thường vụ này vẫn trúng cử với tín nhiệm rất cao.
Ngay cả Bộ Thông tin - truyền thông hồi tôi còn làm lãnh đạo có một bộ phận bám mạng xã hội mỗi ngày.
Giao ban báo chí hằng tuần, chúng tôi cũng bàn về dư luận trên mạng xã hội. Đối với những thông tin đăng sai sự thật, mang tính vu khống, bôi nhọ cá nhân thì nhất quyết phải xử lý theo pháp luật.
Có bốn cách quản lý thông tin trên mạng xã hội. Một là, luật pháp phải chặt để bảo vệ người tốt và ngăn chặn người xấu. Hai là, phải cải thiện thể chế sao cho người tốt luôn có chỗ dựa và người xấu không dám lộng hành.
Thứ ba là phải nâng dân trí, làm sao để người dân có thể tự phòng vệ trước luồng thông tin tiếp nhận, biết đâu là thông tin độc hại và thông tin hữu ích. Thứ tư, phải đấu tranh, phản bác trước những thông tin sai. Cái gì không đúng phải nói lại một cách có lý, có tình, chặt chẽ và thuyết phục.
Tuy nhiên, một xã hội minh bạch là một xã hội mà ai làm gì thì người đó phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Văn phòng Chính phủ bị mạo danh Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 10-1, vừa qua trên mạng Internet có lan truyền về lá đơn tố cáo được cho là của một cán bộ Văn phòng Chính phủ đối với một vị lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khẳng định đây là việc mạo danh, hoàn toàn bịa đặt, tại Văn phòng Chính phủ không có cán bộ nào có tên như thế và cán bộ Văn phòng Chính phủ không làm những việc như vậy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận