Phạm Tiến Sản và chiến thắng lịch sử ở 2 môn phối hợp (duathlon) - Ảnh: KHOA TRẦN
Đáng nói, đây là nội dung thi đấu nằm trong chương trình Olympic mà thể thao Việt Nam chưa bao giờ dám mơ có thể lấy HCV.
Ba môn phối hợp (triathlon) ở SEA Games 31 diễn ra tại bãi biển Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, các VĐV sẽ tham dự hai nội dung: triathlon (3 môn: bơi 1,5km, đạp xe 40km, chạy bộ 10km), duathlon (2 môn: chạy 10km, đạp xe 40km, chạy 5km).
Mượn xe đạp để tham dự SEA Games
Trong 3 kỳ SEA Games 2013, 2015, 2017, Tiến Sản được mệnh danh là "vua về nhì" vì chỉ giành HCB nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật. Sau SEA Games 2017, Tiến Sản rời đội tuyển quốc gia. Chỉ còn là VĐV điền kinh của Bắc Giang, với mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, Tiến Sản gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hằng ngày, ngoài việc tập luyện, anh phụ vợ kinh doanh quần áo thể thao. Dù chuyển sang tập triathlon vào tháng 4-2021 nhưng Tiến Sản không có xe đạp để tập bởi xe đạp tập luyện và thi đấu có giá lên tới vài trăm triệu. Trong khi đó, anh đến dinh dưỡng còn không đủ để tập luyện thì không dám mơ đến việc mua xe.
Rất may, ông Nguyễn Anh Tuấn - lãnh đội đội tuyển triathlon Việt Nam - đã cho Sản mượn chiếc xe đạp có giá gần 200 triệu đồng để tập luyện. Ngày 15-5, chính chiếc xe này đã giúp Tiến Sản bám đuổi các đối thủ trên đường đua và băng về đích để giành HCV với tổng thời gian 1 giờ 55 phút.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Phạm Tiến Sản xúc động nói: "Lúc này tôi vẫn lâng lâng vì không thể tin mình đã giành HCV. Từng tham dự 2 giải triathlon nhưng thành tích thi đấu không tốt lắm nên tại SEA Games 31, tôi quyết tâm sẽ thi đấu hết sức mình. Với sự hỗ trợ của ban huấn luyện về mọi mặt, tôi đã có chiến thuật hợp lý và giành được HCV".
Huy chương vàng quý hơn... kim cương
Ông Dương Đức Thủy - nguyên trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT - cho biết HCV của Phạm Tiến Sản là món quà quý mà VĐV, đội tuyển dành tặng cho đoàn thể thao Việt Nam. Những năm qua, để thành lập đội tuyển triathlon Việt Nam, ông Thủy và các thành viên ban vận động thành lập Liên đoàn Ba môn phối hợp đã phải làm việc với nhiều địa phương, thậm chí phải thuyết phục họ cho VĐV chuyển sang thi đấu môn thể thao mới này.
Dành phần lớn thời gian tự tập tại quê Bắc Giang, giáo án của Sản được các HLV và chuyên gia Loo Chuan Rong, Cao Ngọc Hà giao và giám sát trên hệ thống phần mềm. Mãi đến tháng 2-2022 khi có quyết định tập trung đội tuyển triathlon Việt Nam dự SEA Games 31, anh và các thành viên mới tập trung tập huấn tại Phan Thiết rồi ra Tuần Châu thi đấu.
Ông Thủy nói: "Đêm hôm trước ban huấn luyện đã yêu cầu Tiến Sản bám tốp đầu trong lần chạy và đạp xe đầu tiên. Đến phần chạy 5km cuối, với lợi thế là VĐV điền kinh nên Tiến Sản đã bứt tốc để có thể vượt qua các đối thủ rất mạnh của Indonesia". Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết HCV của Phạm Tiến Sản sẽ góp phần thay đổi bộ môn này trong tương lai.
Phạm Tiến Sản nhận hơn 100 triệu đồng tiền thưởng
Triathlon là một trong hai môn của đoàn thể thao Việt Nam đến SEA Games 31 bằng nguồn tiền xã hội hóa. Dù vậy trước SEA Games 31, mỗi VĐV đội tuyển triathlon Việt Nam đã được thưởng nóng 10 triệu đồng. Sau khi giành HCV, Phạm Tiến Sản sẽ được thưởng thêm 55 triệu đồng từ tiền ngân sách và khoản thưởng nóng của đoàn thể thao Việt Nam. Ban vận động thành lập Liên đoàn Ba môn phối hợp Việt Nam cũng sẽ thưởng riêng cho Tiến Sản ít nhất 50 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận