Con đường của tôi dù bước một mình nhưng mang đến sự bình an cho bản thân...
Phạm Thu Hà
Phạm Thu Hà xuất hiện không nhiều những cũng không quá ít. Thỉnh thoảng cô vẫn hát trong các chương trình và đều đặn ra album. Điều đáng nói là dự án âm nhạc nào cũng được cô đầu tư khá công phu, bài bản.
Đĩa nhạc Classic meets chillout của Phạm Thu Hà từng đoạt gọi tên Album của năm tại giải Cống hiến 2013.
Đến năm 2017, nữ ca sĩ chuyên hát dòng bán cổ điển (semi-classic) và giao thoa (cross-over) cho ra mắt đĩa nhạc thứ 4 có tên Đường em đi.
Đây là album nhạc gồm 8 ca khúc Phạm Duy, được phát hành dưới hình thức đĩa than.
Sản phẩm âm nhạc này vừa mang màu sắc "retro" gợi nhắc hoài niệm, vừa cho thấy cuộc chơi về chất lượng âm thanh mà cô ca sĩ đã tốt nghiệp thạc sĩ biểu diễn thanh nhạc theo đuổi.
Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Phạm Thu Hà tự cho rằng cô không hoàn toàn "nhúng" cả hai chân vào showbiz mà để một chân ra ngoài.
Gọi tên bốn mùa - MV - Phạm Thu Hà
Có lúc tôi chông chênh, không muốn làm nghề nữa
* Nếu đặt vị trí của mình trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam hiện nay, bạn đặt mình ở đâu và cạnh ai?
- Từ khi bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, tôi luôn chọn cho mình một con đường riêng.
Nếu tự nhận mình đang đặt ở trí nào trong dòng chảy âm nhạc thì hơi khiên cưỡng mà chỉ có thể nói, con đường tôi đi luôn có sự khám phá và sáng tạo.
* Nhiều ý kiến cho rằng, bước đi của chị trong âm nhạc hơi chậm và thuần tính?
- Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là người đầu tiên đặt nền móng cho tôi, đi từ classic opera đến âm nhạc cổ điển và các dòng nhạc khác. Từ cá tính của tôi, anh Thanh luôn khuyên tôi chọn con đường ít chông gai.
Chông gai không phải ở con đường âm nhạc mà là sự phức tạp trong các sự lựa chọn và tôi không chọn cách quăng mình vào showbiz.
Phạm Thu Hà trong buổi ra mắt đĩa than Đường em đi - Ảnh: NVCC
* Ở thời điểm ca sĩ ồ ạt ra MV, tham gia gameshow, khai thác mạnh công nghệ biểu diễn… mà chị vẫn cứ náu mình ở sự lành tính thì chị thấy có gì thiệt thòi?
- Mỗi năm, sinh viên được đào tạo cổ điển bài bản bước từ Học viện Âm nhạc ra rất nhiều, nhưng không phải ai cũng theo đuổi con đường đến gần với người nghe. Tôi thì lại theo định hướng này.
Ở sản phẩm âm nhạc đầu tiên, tôi có khoảng 6 tháng để làm việc với một ê-kíp chuyên nghiệp. Sau khi đoạt giải Cống hiến, tôi hoàn toàn tự bơi. Khi được khán giả biết đến nhiều hơn đồng nghĩa với thử thách cũng nhiều lên.
Sự lành tính hay dữ dội đối với tôi không quan trọng bằng việc nếu mình ngừng sáng tạo, ngừng lao động, ngừng đầu tư…, mình sẽ khó mà bước được tới cuối đường.
Ngày xưa, khi còn học ở Học viện, tôi không chỉ nghe cổ điển mà còn nghe cả pop, rock, jazz…
Tôi thấy rằng, tất cả các dòng nhạc đều rất đẹp và tại sao mình không dùng kỹ thuật bài bản của nguồn gốc cổ điển kết hợp với các dòng nhạc khác để tạo ra sự đa sắc trong âm nhạc.
Phạm Thu Hà - Ảnh: NVCC
* Bạn đã bao giờ thấy chông chênh khi không đặt hai chân vào cùng một mặt phẳng?
- Tôi chông chênh nhất là sau khi đoạt giải Cống hiến. Thời điểm đó có quá nhiều điều thị phi dội đến tai tôi. Người ta bảo tôi bỏ tiền mua giải, can thiệp cái này cái kia.
Cá nhân tôi khi đến với âm nhạc rất trong trẻo và cũng là người không va chạm nhiều nên không thể lường hết được những lắt léo cuộc đời.
Và khi rơi vào những điều lắt léo ấy, quả thực có lúc tôi thấy chông chênh, không muốn làm nghề nữa.
Đến thời điểm này, tôi vẫn là người tự tôn trong nghề nghiệp. Có thể, mình không cần làm nghề trong một thời điểm nào đó nhưng không thể đánh mất đi danh dự của mình.
Tôi cảm thấy may mắn vì mình luôn nhận được sự hậu thuẫn của các nghệ sĩ tên tuổi.
Các vị nhạc sĩ ấy chắc chắn nghĩ đến tôi không phải vì tiền mà có thể vì tôi khiến họ yên tâm khi giao phó tác phẩm.
Suối mơ - Phạm Thu Hà
Không có "thực" thì không vực được đạo
* Người ta thường nói có "thực" mà không có "lực" thì rất khó để Phạm Thu Hà trụ được đến bây giờ và vẫn ra album liên tục?
- Tôi thừa nhận nếu không có sự hậu thuận của bố mẹ và người thân trong những bước đầu thì tôi đã rất khó khăn.
Nhưng đến năm thứ 2 đi hát, tôi đã hoàn toàn thoát được sự hậu thuẫn của gia đình. Tôi đi hát được bao nhiêu là tích góp lại rồi đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc của mình mà không phải nhờ đến gia đình nữa.
Đến thời điểm này, tôi đã có thể tự tin khẳng định rằng, sau 5 năm bước ra thị trường âm nhạc, tôi đủ tự tin đi trên con đường của mình với mức cát xê không hề thấp.
Tôi luôn tin rằng, không có "thực" thì không "vực" được đạo. Gia đình không thể cứ đi theo hậu thuẫn mình mãi thế được.
Nếu bản thân không có thực lực sẽ không thể phát triển được như bây giờ, với ngần đó sản phẩm âm nhạc.
Ca sĩ Phạm Thu Hà - Ảnh: NVCC
* Sau 5 năm đi hát, tự bạn thấy mình có những gì đáng kể nhất?
- Sau 5 năm, tôi chưa phải giàu đến mức có biệt thự này, nhà lầu nọ, xe hơi cả bộ… mà chỉ là tích góp được một khoản.
Khoản tiền đó là để sử dụng cho sinh hoạt và đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc.
Điều tôi thấy mình thành công nhất là 5 năm qua tôi đã tự lo được cuộc sống cho bản thân, không phải nhờ gia đình nữa.
Các sản phẩm âm nhạc sau này, trừ sản phẩm đầu tiên, cũng đều là tự tôi bỏ tiền ra để thực hiện. Đối với tôi, bấy nhiêu đó đã có thể gọi là thành công, vượt ngoài suy nghĩ trước đó của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận