Mới đây, tại hội thảo Nghiên cứu định chế văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1934 ở Viện Văn học, nhà nghiên cứu trẻ Lê Nguyên Long (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho Phạm Quỳnh là một nhân vật phức tạp và không đồng tình với nhiều ý kiến chiêu tuyết (trả lại sự trong sạch) "hơi quá đáng" cho Phạm Quỳnh.
Ý kiến này mở ra một dịp để bàn lại về "người của lịch sử" này.
Phê bình cực đoan lẫn chiêu tuyết quá đáng đều không đúng?
Khi nghiên cứu du ký của Phạm Quỳnh, nhiều người ca ngợi ông có những sáng tạo văn chương, khảo cứu chân thực về phong tục... nhưng ông Long chỉ ra những điều đó không hoàn toàn khách quan.
Đằng sau vẻ ngoài khách quan là chủ nghĩa dân tộc.
Các nhà nghiên cứu cho một trong những thủ pháp của chủ nghĩa dân tộc là viễn cổ hóa một cộng đồng.
Trong bài 10 ngày ở Huế, Phạm Quỳnh đã viễn cổ hóa Huế, miêu tả Huế như thủ đô của Việt Nam hàng ngàn đời, trong khi Huế rất trẻ so với các thủ đô khác.
Bài du lịch xứ Lào cũng cho thấy ý thức hệ này của ông.
"Với tư cách nhà khoa học, tôi không đồng tình với các ý kiến chiêu tuyết hơi quá đáng cho Phạm Quỳnh", ông Long nói với Tuổi Trẻ.
Khi đọc lại những gì Phạm Quỳnh viết trên Nam Phong mà ông là chủ bút, sẽ thấy ông ca ngợi thực dân thái quá, là cái loa phát ngôn của thực dân khi ca ngợi thiên triều, chê trách Phan Bội Châu...
Theo ông Long, chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh không sai nhưng "xóa hết tì vết của ông là không đúng".
"Phải nhìn ông là một người phức tạp của thời kỳ ấy.
Ông đi theo xu hướng cải lương, bảo thủ, duy tâm, không đấu tranh được như những nhà cách mạng Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu...
Ông lợi dụng các chính sách của thực dân Pháp để theo đuổi dự án dân tộc chủ nghĩa trên bình diện văn chương, ngôn ngữ chữ Quốc ngữ, xiển dương nền văn chương quốc học.
Tôi không hoàn toàn lật đổ Phạm Quỳnh, cũng không bảo ông là một nhà văn hóa lừng lẫy. Tôi muốn nhìn ông như ông là", Lê Nguyên Long nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về ý kiến trên, TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) cho biết lâu nay những nghiên cứu về Phạm Quỳnh đa số dựa trên góc nhìn giá trị luận, đóng góp hay hạn chế của nhân vật.
Còn Lê Nguyên Long nghiên cứu Phạm Quỳnh như một chủ thể thuộc địa, một trí thức dân tộc. Ông xem xét ứng xử của nhân vật đó trong tình thế thuộc địa ra sao.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khi được hỏi về "sự chiêu tuyết quá đáng" cho Phạm Quỳnh nói "cũng có vẻ như thế".
Song theo ông Ân, điều chính yếu là hiện nhiều người "không đọc kỹ Phạm Quỳnh nhưng cứ hùa nhau phán".
Phạm Quỳnh vẫn yêu nước theo cách của ông
Ông Lê Nguyên Long chia sẻ, Phạm Quỳnh yêu nước theo cách riêng của ông. Chủ nghĩa dân tộc ở Phạm Quỳnh chính là một biểu hiện của lòng yêu nước.
Đồng quan điểm, Đoàn Ánh Dương nhận định Phạm Quỳnh lựa chọn văn hóa như là phương tiện để xử lý các vấn đề của đất nước bấy giờ.
Ông vừa học theo tri thức, mô hình của phương Tây vừa dùng sự học theo đó để chống lại sự cai trị đó.
Theo ông Dương, tình thế thuộc địa buộc phải lựa chọn như thế và đánh giá về Phạm Quỳnh cần độ lùi về thời gian.
Trước đó, trong bài Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết:
"Đọc lại Phạm Quỳnh, chúng ta dễ có cảm tưởng trước người nước ngoài và văn hóa nước ngoài, ông chủ bút Nam Phong có phần học trò, quá đề cao và tôn sùng một chiều.
Song nếu nhớ lại rằng vào thời của Phạm Quỳnh, nền quốc văn mới - rộng hơn, cả nền văn hóa mới, những nếp sống mới - còn đang ở dạng sơ khai, thì chúng ta sẽ thông cảm với ông hơn".
Ông Nhàn ghi nhận Phạm Quỳnh đã tiếp nối sự nghiệp của những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... mà xây nền đắp móng cho nền văn hóa mới.
Nhưng Phạm Quỳnh lại thực hiện dự án của mình trong vòng tay của kẻ cướp nước là "điều không thể chấp nhận với hầu hết các nhà trí thức thuộc thế hệ ông cũng như các thế hệ tiếp".
Liệu Phạm Quỳnh "sẽ chẳng bao giờ được cảm thông"?
Hay sẽ được "lịch sử đánh giá lại sau này" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với hai con gái của Phạm Quỳnh vào mùa thu năm 1945, được nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này...".
"Tôi yêu nước tôi với tất cả tâm hồn tôi"
Trong hồi ký Chúng tôi đã sống như thế (NXB Tri Thức, 2013) của Nguyễn Ánh Tuyết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên), tác giả đã trích dẫn nhiều tâm sự của Phạm Quỳnh - bố chồng bà:
"Là một người ái quốc Việt Nam, tôi yêu nước tôi với tất cả tâm hồn tôi, thế mà người ta buộc tội, bảo tôi là phản quốc, là cộng tác với kẻ xâm lược và phụng sự chúng!
Là một thân hữu chân thành của nước Pháp, một đằng khác, người Pháp trách cứ tôi che đậy một tinh thần quốc gia cực đoan, chống Pháp dưới một bề ngoài thân Pháp!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận