Sau khi câu chuyện VĐV Phạm Như Phương (đội tuyển thể dục dụng cụ Hà Nội và đội tuyển quốc gia) lên tiếng tố cô bị ăn chặn với mức 10% tiền thưởng có huy chương, 50% tiền thưởng nóng huy chương và số tiền này được HLV trực tiếp thu, đã có rất nhiều quan điểm trái chiều.
Theo tố cáo từ Như Phương, HLV Nguyễn Thùy Dương (người huấn luyện cô ở đội tuyển quốc gia và Hà Nội) là người trực tiếp thu số tiền này của VĐV. Theo giải trình của HLV Thùy Dương trong cuộc họp với Cục Thể dục thể thao (TDTT) ngày 16-1, cô thu tiền này của VĐV để đưa vào quỹ của đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Hà Nội.
Tiền quỹ đội phục vụ vào mục đích chung của đội như: hỗ trợ mua sắm trang thiết bị tập luyện còn thiếu, thăm hỏi, liên hoan... HLV Thùy Dương khẳng định cô không thu tiền của VĐV để phục vụ mục đích riêng, không ăn chặn, biển thủ.
Câu chuyện quỹ ở các đội tuyển thể thao không mới. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, rất nhiều đội tuyển quốc gia, đội tuyển thể thao địa phương đều có quỹ này. Quỹ được thành lập do sự thống nhất của VĐV, và có thể cả HLV, lãnh đạo bộ môn với nhau.
Hằng tháng, hoặc theo đợt thưởng thành tích, các thành viên đóng góp vào đó để lấy tiền đi liên hoan, thăm hỏi người đau ốm, mua thêm thiết bị tập luyện mà đội tuyển không trang bị. Nó còn được dùng để "đối ngoại", mua quà cho cấp trên khi đội tuyển có thành tích, hay đi thi đấu nước ngoài về.
Ngày 18-1, liên hệ với Tuổi Trẻ Online, một HLV đội tuyển quốc gia cho biết: "Khi đọc thông tin về việc HLV Thùy Dương nhận tiền của VĐV Phạm Như Phương tôi rất buồn. Lý do bởi đây là câu chuyện thường trong thể thao và cũng có thể nói là phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Dù không có quy định nào cho phép đội lập quỹ riêng nhưng từ nhu cầu thực tế, chúng tôi đã có quỹ đội từ rất lâu. Tiền này do VĐV, HLV cùng thống nhất đóng để chi cho các hoạt động chung của cả đội.
Tôi ví dụ thế này, khi đội tuyển đi nước ngoài thi đấu, ra sân bay ngồi chờ em này cần uống nước, em kia cần ăn gì đó, cả đội ngồi thì sẽ có người trả tiền sau đó về chia nhau hoặc lấy tiền quỹ đội trả.
Khi chúng tôi đi thi đấu, có thành tích, tục lệ của người Việt Nam chứ đâu chỉ thể thao, đi về cũng có đồng quà tấm bánh cảm ơn người nọ người kia. VĐV, HLV cũng không có tiền để chi khoản đó nên dùng quỹ đội để mua.
Tất nhiên không ai muốn chi tiền của mình để làm việc này việc nọ nhưng nó là thực tế xã hội. Vì câu chuyện này mà nói chúng tôi ăn chặn, nhận hối lộ thì đau xót quá".
Ngày 18-1, một VĐV đội tuyển quốc gia cũng cho Tuổi Trẻ Online biết rằng đội của cô có quỹ đội. Dù vậy, việc dùng nó vào việc gì là do sự thống nhất của các thành viên trong đội chứ không có chuyện mập mờ. Việc xảy ra với VĐV Phạm Như Phương và đội TDDC khiến các VĐV và HLV rất lo lắng.
Ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục TDTT - khẳng định ngành thể thao không có chủ trương và không cho phép lập quỹ đội, thu tiền của VĐV. Ngành thể thao đang rà soát và sai ở đâu sẽ xử lý ở đó.
Lãnh đạo ngành thể thao một số địa phương những ngày qua cho biết sự việc xảy ra ở đội TDDC quốc gia cũng khiến các đội tuyển địa phương "giật mình". Câu chuyện quỹ đội khá phổ biến trong thể thao.
Các địa phương cho biết từ câu chuyện của đội tuyển quốc gia môn TDDC, cũng phải rà soát, chấn chỉnh kịp thời để tránh tiếp tục để lại hệ lụy xấu cho thể thao Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận