19/11/2018 12:34 GMT+7

Phạm nhân ra ngoài trại giam làm việc phải được ký hợp đồng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Phạm nhân ra ngoài làm việc phải được trả thù lao, được ký hợp đồng, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Nhưng đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lại lo ngại nguy cơ phạm nhân trốn trại.

Phạm nhân ra ngoài trại giam làm việc phải được ký hợp đồng - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi sáng 19-11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần nhắc kỹ và đánh giá các tác động của việc cho phạm nhân lao động sản xuất ngoài trại giam. Do đây là một bộ luật khó, tác động lớn đến xã hội và có nhiều đề xuất mới, các đại biểu đề nghị xem xét thông qua trong 3 kỳ họp.

Muốn ra ngoài lao động phải có hợp đồng

Nêu quy định trong dự thảo cho phép phạm nhân ra lao động sản xuất bên ngoài trại giam tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng việc dạy nghề, lao động ngoài trại giam không phải là hình phạt mà là một quy định nhân văn, vừa tạo thêm niềm vui, giúp phạm nhân có thêm những kỹ năng và cơ hội tiếp cận các nghề nghiệp để sau này khi ra tù dễ hoà nhập hơn vào cuộc sống, bớt tâm lý tự ti. 

Nhận định quy định này là cần thiết, nhưng đại biểu Hoa cho rằng cần hết sức cân nhắc, xem xét tất cả các yếu tố và đặc biệt là không đưa vào áp dụng đại trà. "Cần phải làm thí điểm, chỉ đưa những phạm nhân có thái độ lao động cải tạo tốt, đang thi hành những tội ít nghiêm trọng", đại biểu Nam Định nói.

Đại biểu Hoa cũng nhấn mạnh việc trả thù lao minh bạch, đầy đủ cho phạm nhân nhằm kích thích họ lao động sản xuất làm ra sản phẩm. Đặc biệt là các cơ quan tổ chức phải ký hợp đồng lao động.

"Phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động và phải được bảo đảm an toàn, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các quản giáo theo quy định của Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Phạm nhân phải làm việc ở khu lao động tập trung và dành riêng cho phạm nhân", bà Hoa nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đồng tình cho phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động sản xuất là mở rộng quyền tự do, nhưng cần cân nhắc: Lao động không chỉ là quyền lợi mà là nghĩa vụ của phạm nhân, trong dự thảo yêu cầu phải có sự đồng ý của phạm nhân thì cơ quan thi hành án mới được đưa phạm nhân ra ngoài lao động là không hợp lý.  

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) có ý kiến khác: Những quy định này nếu được thực thi sẽ không phù hợp với mục đích của hình phạt tù, tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ phạm nhân trốn trại, không đảm bảo an ninh, an toàn cho việc quản lý phạm nhân, có thể phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực…

"Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về tác động, cần làm rõ điều kiện cụ thể, tính khả thi xoay quanh vấn đề này", ông Tạo nói.

Băn khoăn quy định cho trẻ dưới 36 tháng ở cùng bố mẹ trong trại giam

Một nội dung nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu Quốc hội là quy định trong dự thảo cho phép trẻ dưới 36 tuổi ở cùng bố, mẹ trong trại giam. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), quy định này là không  hợp lý.

"Chúng ta phải đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết. Trẻ dưới 36 tháng tuổi là giai đoạn mà vai trò của người mẹ là hết sức quan trọng. Tôi đề nghị quy định cho người mẹ được tạm hoãn thi hành án để nuôi con nhỏ. Đưa trẻ vào trong tù là rất thiếu hợp lý bởi môi trường giam giữ chưa bao giờ thân thiện với trẻ nhỏ", ông Cường nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cũng cho rằng cách tiếp cận theo hướng cho trẻ vào sống cùng bố mẹ trong trại giam như dự thảo luật là chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền của các em.

"Đối tượng trẻ em này không phải người phải thi hành án, mà là những trẻ còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương, cần có sự quan tâm đặc biệt, nhất là đảm bảo đúng theo quy định của Luật Trẻ em. Chế độ ăn cho những trẻ này cũng không thể quy định theo định lượng, thành phần dinh dưỡng và quy định cụ thể như trong dự thảo là như chế độ ăn của bố mẹ", ông Hiển nói.

Đề xuất cho phạm nhân được lao động ngoài trại giam

TTO - Đây là một trong những nội dung mới đáng quan tâm trong dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét chiều nay 7-11.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên