Giải thưởng của Cu Li không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân, Trần Thị Bích Ngọc - Nghiêm Quỳnh Trang sản xuất, giám đốc nghệ thuật Phan Đăng Di) được ví như giải Camera D'Or mà Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân nhận được ở LHP Cannes.
Đã có bốn phim ngắn gồm Chuyện mọi nhà (2012), Thành phố khác (2016), Một khu đất tốt (2019) và Giòng sông không nhìn thấy (2020) nên tên tuổi Phạm Ngọc Lân không xa lạ với những người quan tâm đến điện ảnh độc lập ở Việt Nam.
Khi điện ảnh bị lu mờ bởi rối ren chính sự
Trò chuyện dưới đây được PHẠM NGỌC LÂN chia sẻ với Tuổi Trẻ ngay khi vừa bay về Hà Nội, còn đang rất "nhiều nỗi niềm".
* Quay lại Liên hoan phim Berlin, Lân cảm thấy như thế nào?
- Liên hoan phim Berlin quan trọng đối với tôi. Họ phát hiện ra và chấp nhận tôi vào năm 2015, ngay từ khi tôi còn chưa biết mình có thể làm điện ảnh.
Lần quay lại này, tôi thấy được về nhà. Nhưng tình hình thế giới đổi khác, và ngôi nhà cũng khác xưa. Chi phí cắt giảm, nhiều người giỏi đã rời đi hoặc sẽ phải rời đi.
Ngày thứ 2 khi tôi ở liên hoan phim, sự kiện điện ảnh tiêu tốn 7 triệu euro trong 7 ngày này không còn là sự kiện nổi bật nhất. Điện ảnh bị lu mờ bởi các rối ren chính sự thế giới.
Suốt thời gian đoàn phim Cu Li không bao giờ khóc ở đây, biểu tình về vấn đề Israel - Palestine diễn ra nhiều nơi.
Trong các diễn văn khai mạc và bế mạc liên hoan phim, hầu như người ta chỉ nói về phương Tây và hai vùng nóng chiến sự.
Việc này cần thiết, nhưng tôi lo lắng một nguy cơ rằng nhiều quốc gia nhỏ bị đẩy ra lề.
* Và đó là lý do khi nhận giải Lân đã cảm ơn rằng dù phim của Lân không nằm trong dòng thời sự chủ lưu mà cả thế giới bận tâm thì nó vẫn được chọn trao giải?
- Vâng. Bài phát biểu này chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt vào bối cảnh tôi nói ở trên. Đối với người ngoài, cách hiểu Việt Nam luôn đến từ truyền thông phương Tây. Một thời gian dài, họ viết lên định nghĩa về người Việt.
Trong bài phát biểu nhận giải, tôi nói rằng giải thưởng này quan trọng cho chúng ta vì nó giúp lan tỏa một cách nhìn khác đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài quốc gia.
Tôi cảm kích một liên hoan nghệ thuật lớn, tuy bị cuốn vào vòng xoáy thời sự và suy thoái, vẫn cố gắng không bỏ quên các tiếng nói đến từ các quốc gia nhỏ.
* Một hành trình dài tạm gọi đã đến đích. Hiện tại, cảm giác của Lân ra sao?
- Tôi vui và cảm thấy có phần may mắn vì công việc mình làm được chú ý, lời mình nói ra cũng có người nghe và hưởng ứng.
Nhưng những gì xảy ra ở Liên hoan phim Berlin vẫn chưa phải là đích đến, bởi mục đích cuối cùng của cuốn phim vẫn là tới được người xem Việt, tới được các rạp phim Việt.
Tôi yêu nơi tôi sinh ra, và tôi cũng muốn làm phim hay
* Có lần Lân nói có thể làm rất nhiều phim ngắn khi chưa có cơ hội với phim dài vì phim ngắn vẫn có thể đến với khán giả (dù hẹp) và đưa Lân đi khắp nơi. Giờ thì Lân đã có phim dài. Khoảng cách của phim ngắn với phim dài theo Lân là gì?
- Tôi luôn cố gắng có các dự án phim ngắn để lấp vào khoảng nghỉ trong quá trình làm phim dài và các dự án video nhỏ để lấp giữa các phim ngắn.
Với tôi, các công việc này đều vất vả như nhau và không có nhiều khoảng cách. Khác biệt chỉ đến từ những vấn đề xử lý kỹ thuật sáng tác, thời gian chờ đợi và cách thức huy động nguồn lực.
Suy cho cùng, các khác biệt là không đáng kể, chỉ như giữa bộ gene khỉ và người. Người đời hay đặt tương đồng cho phép so sánh giữa làm sáng tạo và công việc kiến tạo muôn loài.
* Hẳn sẽ tiếp tục còn tranh cãi rằng phim nghệ thuật của các nhà làm phim độc lập là kiểu phim vừa khó xem, chỉ dành cho Tây, xa lạ với người Việt. Cu Li... của Lân?
- Thưởng thức nghệ thuật cũng là quá trình mỗi cá nhân cần phá vỡ rào cản bên trong để nhìn thế giới cởi mở, ít định kiến, trung thực và chân thành hơn.
Và vì thế, nghệ thuật khiến con người không nhỏ bé, bớt tự ti. Xem và biết cách chấp nhận những kiểu phim hay kiểu nghệ thuật khác nhau và khác với quan điểm của mình thì cũng làm cho mình lớn hơn.
Tôi đánh giá cao những kiểu phim khó. Bởi dù hay hoặc vụng, các kiểu phim này đều cho thấy sự dũng cảm của những người làm ra nó. Có những cuốn phim chiều lòng và vỗ về người xem, thì dù làm tốt, không hiểu sao cứ luôn khiến tôi bất an và cảnh giác.
Berlin là nơi có cộng đồng lớn những người Việt sinh sống. Tại Liên hoan phim Berlin, trong bóng tối của rạp chiếu phim Cu Li..., tôi nghe nhiều khán giả người Việt của mình khóc.
Ra ngoài rạp chiếu, tôi thấy họ nói rằng đây là cuốn phim đẹp và nhiều tầng sâu về một đất nước. Rằng họ thấy cả cuốn phim và những người làm phim đều chân thành và thân thương.
Tôi hy vọng rằng khi phim của tôi ra rạp tại Việt Nam, mỗi khán giả mà chị vừa đề cập sẽ một lần tới mua vé. Biết đâu nhiều người trong họ sẽ thay đổi ý kiến.
* Sau Cu Li không bao giờ khóc sẽ là gì? Lân tin mình đi đường dài với điện ảnh chứ? Và làm ở Việt Nam?
- Sau phim dài này, tôi thấy rằng mình cần làm thêm ngay một phim ngắn khác. Hiện tôi coi điện ảnh là công việc, chứ không chỉ là sở thích cá nhân.
Tuy nhiên để đi xa trong công việc này, tôi cũng rất cần sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là cả từ Nhà nước.
Tôi yêu nơi tôi sinh ra, và tôi cũng muốn làm phim hay. Nhưng tôi sẽ chỉ có thể làm được cuốn phim tốt ở nơi tôi được chào đón và ủng hộ nhất.
Bộ phim phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng khi lần đầu lướt qua. Đạo diễn đã dệt nên một câu chuyện kỳ lạ nhưng đầy mê hoặc về danh tính và sự tiếc thương.
Một bối cảnh văn hóa xã hội sống động được đạo diễn khai thác kỹ càng, và gợi ra rằng: bên dưới đó, không cần thiết phải logic, và đôi khi còn chủ đích chạm đến sự mơ hồ, là nhiều điều sâu sắc đang sục sôi.
Người xem được đưa vào một không gian mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại, được nhìn tận mắt văn hóa Việt Nam qua nhiều lăng kính khác nhau. Tất cả tạo nên hình ảnh tổng thể về một đất nước liên tục bị mắc kẹt giữa quá khứ đầy nhọc nhằn và tương lai hứa hẹn.
Nhà phê bình Matthew Joseph Jenner viết trên trang ICSfilm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận