TTCT - Nặng hơn 21kg, dài trên 4m, con rắn hổ chúa khỏe mạnh, nhanh nhẹn trườn tấm thân đen sọc trắng biến mất trong đám cỏ rậm. Nặng hơn 21kg, dài trên 4m, con rắn hổ chúa khỏe mạnh, nhanh nhẹn trườn tấm thân đen sọc trắng biến mất trong đám cỏ rậm. Những kiểm lâm viên đứng phía xa, chỉ còn lại một thanh niên cao dong dỏng, gương mặt đẹp trai bình thản, người vừa mở thùng xốp đựng con rắn, nhấc nó ra, kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của nó rồi thả vào khu rừng cấm.Clip dài hơn 10 phút quay lại quá trình thả "vị vua của các loài rắn" về với môi trường tự nhiên trên kênh Sứ giả rừng xanh này đã thu hút hơn 7,4 triệu người xem… Chủ nhân của kênh này là Phạm Minh Hiếu.Phạm Minh Hiếu với con hổ mang đột biến nặng hơn 3kg. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁTChuyện bắt đầu từ một vụ mua bán rắn hổ chúa bị lực lượng chức năng phát hiện. Họ cùng kiểm lâm, ban quản lý rừng đặc dụng một tỉnh phía Nam chuẩn bị thả con rắn về một địa điểm được giấu kín thông tin để tránh lâm tặc.Nhưng ai dám làm các thủ tục kiểm tra sức khỏe con rắn khổng lồ và cực độc này trước khi thả nó về tự nhiên theo quy định? Họ phải xem nó có bị nhiễm ngoại ký sinh trùng không, những lần lột da nó có bị vảy mắt còn dính lại có thể dẫn đến bị mù không, xem nó có bị bẻ răng khâu miệng và nhồi dị vật hay không… Người được mời đến làm việc đó là Hiếu.Thay đổi cái nhìn về rắn"Xin chào các bạn, mình tên là Phạm Minh Hiếu, mình xây dựng kênh Sứ giả rừng xanh để chia sẻ những hành trình mình đến những nơi núi cao rừng sâu ghi hình các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài rắn tuyệt đẹp của Việt Nam sống trong tự nhiên. Kênh của mình không phải là săn bắt động vật hoang dã…" - Hiếu tự giới thiệu kênh Sứ giả rừng xanh."Hồi mới lập kênh Sứ giả rừng xanh vào năm 2019, rất nhiều người xem đã để lại comment mắng mỏ tôi là tại sao lại thả rắn vào rừng? Rắn thì phải đập cho chết chứ! - Hiếu kể - Nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi, hầu hết trong số gần 300.000 người theo dõi kênh của tôi đã hiểu rằng mỗi loài hiện diện trên thế giới này đều có vai trò quan trọng với hệ sinh thái và rất ủng hộ những điều tôi làm".Sự thay đổi đó là động lực giúp Hiếu thực hiện 274 video trong hơn 5 năm qua, bất kỳ ai từng xem đều sẽ thấy mình giàu có kiến thức hơn về thế giới hoang dã, đặc biệt là loài rắn. Ngay cả những kiến thức thông thường trong đó cũng đặc biệt hữu ích, như sơ cứu khi bị rắn cắn bình tĩnh và đúng cách (nọc độc tấn công hệ thần kinh cần garo để làm chậm quá trình di chuyển của chất độc, loài gây độc hệ máu thì không nên garo để tránh hoại tử).Hiếu có một vài clip quay chính mình khi bị rắn chàm quạp, hổ mang cắn (anh bị rắn cắn gần chục lần, trong đó có 3 lần bị hổ mang cắn) và đã xử lý như thế nào. Lần bị con hổ mang nặng hơn 3kg cắn cách đây gần 2 năm, anh kể: "Tôi vừa thả chuột vào cho nó ăn, và bao giờ cũng vậy, khoảng 30 phút sau phải mở chuồng để kiểm tra vì có không ít lần, chuột khi bị dồn vào đường cùng có thể cắn lại gây thương tích cho rắn. Vừa kéo khay đựng con hổ mang này ra, nó lao đến mổ một phát".Ngay sau khi bị cắn, Hiếu bình tĩnh thay quần áo, nhờ bạn chở đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Vào đến nơi, anh thông báo cho bác sĩ khoảng 20 phút nữa, anh sẽ bị sụp mắt và không thở được, đề nghị sơ cứu và chuyển an toàn đến cơ sở y tế có huyết thanh kháng nọc. Sở dĩ bác sĩ luôn khuyên mọi người chẳng may bị rắn cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất, ngay cả khi nơi đó không có huyết thanh để điều trị, thì quan trọng nhất là hỗ trợ hô hấp và chuyển về cơ sở y tế có huyết thanh kháng nọc.Nuôi rắn lấy nọcPhạm Minh Hiếu sinh năm 1992 tại Đắk Lắk, quê gốc ở An Lễ (Thái Bình). Năm 14 tuổi, chứng kiến một người hàng xóm chết vì rắn cắn, Hiếu bắt đầu quan tâm nhiều đến loài bò sát lưỡng cư này. Càng quan tâm, anh càng thấy loài vật này không đáng bị con người đối xử tàn tệ. Trong đầu cậu thiếu niên sống ở cao nguyên lúc đó hiện lên vô vàn câu hỏi: Sao khi phát hiện rắn trong nhà, trong vườn, nhiều người luôn tìm cách đập nó chết, còn ở các nước, thường người ta sẽ gọi đội cứu hộ đến bắt mang đi tái thả về thiên nhiên? Tại sao nhiều người Việt nói riêng và người dân một số nước khác như Trung Quốc lại thích ăn thịt rắn? Tại sao trong văn hóa của nhiều quốc gia phương Đông lẫn phương Tây, rắn được xem là biểu tượng của trí tuệ, của sự hồi sinh, là biểu tượng của ngành y, ngành dược mà đa số người dân lại ghét bỏ chúng?Rắn chàm quạp sinh sản tại trại rắn của Hiếu. Ảnh: H.T.Mê rắn, anh bắt đầu nuôi rắn. Nhưng khi thi vào đại học, Hiếu cũng không vượt qua được áp lực gia đình, anh phải thi vào một ngành thời thượng: công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Anh tốt nghiệp đại học, vào làm ở bộ phận truyền dẫn tín hiệu của VTV Cab nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh quay về với cái nghiệp gắn bó với rắn hằng ước mơ.Những năm học cấp III, rồi đại học, Hiếu đã nuôi rắn, học hỏi trên mạng, từ sách vở, tự trang bị kiến thức qua những lần tiếp xúc với rắn, nhưng chưa có ý tưởng nghề nghiệp cụ thể nào với loài vật đặc biệt này. Để nuôi thân, anh nhận lời làm việc cho một công ty du lịch tại Phan Thiết. Ở đó, người chủ có tiết mục biểu diễn với rắn hổ mang để thu hút du khách mua một số mặt hàng về sức khỏe. Sau một thời gian, thấy chuyện mang rắn ra làm thú vui để thỏa hiếu kỳ là không ổn, anh quyết định rút lui, về Đồng Nai lập trại rắn, sau khi đã làm thủ tục pháp lý với địa phương và kiểm lâm.Đã là trụ cột của một gia đình nhỏ, rắn đối với Hiếu bây giờ không chỉ là tình yêu, là sự đam mê mà còn cả kế sinh nhai. Anh làm một bài tính nhỏ cho tôi nghe: "Ở VN hiện nay có rất nhiều người nuôi rắn hổ mang để bán làm thịt, vừa trong nước vừa xuất qua Trung Quốc. Giá một ký bán cho thương lái là 700.000 đồng, nghĩa là một con hổ mang tầm 3kg có giá 2,1 triệu đồng". "Tôi thì khác, không thể chịu nổi chuyện con rắn bị cho vào nồi nên tôi nuôi để lấy nọc. Chi phí nuôi rắn lấy nọc sẽ cao hơn, vì không thể cho ăn thức ăn tùy tiện, chỉ cho ăn chuột bạch (loại 2, 3 kg mua từ các cơ sở nuôi phục vụ nghiên cứu). Chi phí nuôi một con hổ mang 3kg khoảng 500.000 đồng/tháng, mỗi tháng lấy nọc 1 lần, khoảng 0,8 - 1,2ml. Giá mỗi mililit nọc rắn là 3 triệu đồng…".Nhưng bán nọc rắn hổ mang cho ai và để làm gì? Hiếu cho biết nọc rắn hổ mang được dùng để bào chế nhiều loại thuốc chữa bệnh. Anh bán nọc rắn cho một vài viện nghiên cứu chế tạo huyết thanh ở VN. "Hiện nay, phần lớn huyết thanh trị rắn cắn đều phải nhập từ Thái Lan với giá 199 USD/liều. Tôi hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ không phải nhập nữa, khi đó tôi cũng tự hào vì mình đóng góp một phần công sức nhỏ" - Hiếu nói.Anh mua 3.000m2 đất lập trại rắn, nuôi hơn 500 con, trong đó có 100 con hổ mang, cùng nhiều loài khác như hổ mèo, chàm quạp… Anh ước mơ nơi đây sẽ là địa điểm để các trường đưa học sinh đến tìm hiểu loài bò sát độc đáo này. Từng giới thiệu, cung cấp kiến thức trực tiếp cho học sinh, nhưng vì chưa có cơ ngơi phù hợp, mơ ước ấy của anh chưa thành. Với trại rắn khá quy mô này, anh hy vọng sẽ làm tốt hơn nữa vai trò "sứ giả của loài rắn", giúp nó không rơi vào cảnh bị săn đuổi tận diệt bởi con người."Cát mộng duy xà"Bốn từ này được lấy từ Kinh Thi, là tìm tòi của nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân. Anh giải thích 4 chữ này nghĩa là "điềm tốt năm rắn". 4 chữ này thật hợp với Phạm Minh Hiếu. Anh nhờ rắn mà có vợ đẹp con ngoan, nhờ rắn mà có công ăn việc làm, nhờ rắn mà tạo được kênh Sứ giả rừng xanh được nhiều người yêu thích… Rắn là con vật cát tường với Hiếu. Và hy vọng, con rắn cũng là điềm tốt cho tất cả mọi người trong năm Ất Tỵ.■ Nhờ rắn nên duyênSau cú mổ của con rắn hổ mang cách đây gần 2 năm, người vợ mới cưới của Hiếu ra điều kiện: "Đây là lần bị cắn cuối cùng nhé. Em không chấp nhận để mình thành bà góa, con mình thiếu cha". Câu nói ấy khiến Hiếu thận trọng hơn, về sau khi tiếp xúc với các loài cực độc, anh đều dùng dụng cụ chuyên dùng.Vợ Hiếu là Nguyễn Thị Ngát, bác sĩ chuyên khoa chống độc, bệnh nhiệt đới của BV Chợ Rẫy. Cô kể: "Tụi em nên duyên chồng vợ cũng từ con rắn. Khi học thạc sĩ tại Đài Loan, thầy em bảo cần tìm nọc rắn chàm quạp để nghiên cứu. Em đi tìm và gặp ông Sứ giả rừng xanh (cười). Biết nhau rồi, tụi em lập một nhóm gồm các bác sĩ chuyên chữa trị rắn cắn (mỗi năm BV Chợ Rẫy phải xử lý hàng ngàn ca)". "Nhiều bệnh nhân khi bị rắn cắn, hoặc không chụp hình mà chỉ mô tả con rắn cắn mình, hoặc có chụp hình nhưng mờ vì run tay, tụi em nhờ Hiếu xác định xem nó là loài gì. Đó là thông tin rất quan trọng, giúp việc điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn. Và từ đó dần dần đi đến tình yêu, kết quả là bé Sóc chào đời giữa năm 2024".Trong các clip của Hiếu trên kênh Sứ giả rừng xanh có rất nhiều kiến thức bổ ích về y học, đều từ trợ thủ đắc lực đầu ấp tay gối của anh, và từ các chuyên gia quốc tế mà anh kết nối để học hỏi. Trong đó có những người ở trại rắn Hoàng Gia Thái Lan, các cộng sự của "người rắn" Bill Haast - một người Mỹ đã bị rắn cắn tới 173 lần, ông tự tiêm nọc độc rắn vào cơ thể mình để máu ông trở thành huyết thanh cứu người. Ông mất năm 2011 khi tròn 100 tuổi. Tags: Rắn hổRắnPhạm Minh HiếuTrại rắnNuôi rắn
Tin tức thế giới 2-2: Ông Trump đặt bút ký tăng thuế Canada, Mexico, Trung Quốc TRẦN PHƯƠNG 02/02/2025 Đảng Dân chủ Mỹ chọn lãnh đạo mới là một chính trị gia ít tên tuổi để đối phó ông Trump; Thủ tướng Canada chúc Tết cộng đồng người Việt Nam.
Làm rõ clip tài xế ô tô bị hành hung ở phà Cồn Nhất, Nam Định TIẾN NGUYỄN 02/02/2025 Theo lãnh đạo huyện Giao Thủy (Nam Định), sự việc trên xảy ra ở bến phà Cồn Nhất vào chiều 1-2. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc.
Tin tức thể thao sáng 2-2: Real Madrid ngã ngựa; FIFA công bố quả bóng chính thức cho Club World Cup QUỐC THẮNG 02/02/2025 Real Madrid bất ngờ thất bại 0-1 trước Espanyol; Marcus Rashford sắp kiểm tra y tế để gia nhập Aston Villa theo dạng cho mượn... là những tin nổi bật sáng 2-2.
Như chưa hề có cuộc chia ly: 'Người đàn ông sống với gió' giận mẹ bỏ nhà đi lạc 50 năm HOÀNG LÊ 02/02/2025 Tập 185 Như chưa hề có cuộc chia ly có tên lãng mạn: Người đàn ông sống cùng với gió. Nhưng số phận của nhân vật được kể lại buồn thấu tận tâm can.