Hoạ sĩ (phải) tại buổi khai mạc triển lãm - Ảnh: V.V.TUÂN
Tối 20-4, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) khai mạc triển lãm , giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của họa sĩ Phạm Lực - một trong những gương mặt cá tính của hội họa Việt Nam.
Bút Lực giới thiệu tới công chúng 60 tác phẩm đặc sắc của họa sĩ Phạm Lực được chọn lọc từ bộ sưu tập khoảng 700 bức tranh của TS .
Các tác phẩm được sáng tác trải dài từ năm 1963 đến năm 2017, thuộc nhiều đề tài khác nhau, thể hiện trên nhiều chất liệu, phần nào lột tả được thế giới hội họa đa chiều của hoạ sĩ.
Chia sẻ với báo chí về triển lãm, hoạ sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển triển lãm nhận xét: "Đối với Phạm Lực, vẽ và sống là một. Anh ấy vẽ tự nhiên như thở.
Thời chiến vô cùng khó khăn về vật phẩm nên anh ấy phải vẽ cả trên bao tải hay mặt sau của những công văn… Vì nhu cầu vẽ của Phạm Lực như thở nên vẽ ở đây không còn là vẽ nữa. Anh ấy vẽ bất kể khi nào có cảm hứng về một đối tượng nào đấy như phong cảnh, mấy cô dân tộc địu con đi chợ...
Không khí hội họa của họa sĩ Phạm Lực đầy tinh thần phóng túng, phóng khoáng, ngẫu hứng. Người xem cảm nhận rõ xúc cảm ào ạt, cuộn sóng, tuôn trào trong tranh của Phạm Lực. Vẽ với Phạm Lực là chớp lấy những đợt sóng cảm xúc bất chợt ùa về bằng một trạng thái xuất thần. Lối vẽ ấy gần với trực họa, không tỉa tót, tỉ mỉ, cầu kỳ, làm dáng, điệu đàng".
Chợ cá (2008)
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói tiếp về đề tài chiến tranh và hoà bình trong tranh Phạm Lực: "Ngay thời chiến Phạm Lực đã vẽ khoả thân, phong cảnh làng quê… là một ước ao về hoà bình. Sau này hoà bình rồi, ông bị ám ảnh bởi chiến tranh đến mức vẽ nhiều tranh chiến tranh hơn thời chiến tranh".
TS Nguyễn Sĩ Dũng, chủ nhân bộ sưu tập đã dành nhiều lời xúc động với hoạ sĩ Phạm Lực: "Triển lãm này hướng tới ngày sinh nhật lần thứ 75 của hoạ sĩ Phạm Lực. Trong 75 năm thì anh Lực bắt đầu vẽ từ hồi 5 tuổi cho đến ngày hôm nay, khi đã mổ tim một tuần xong thì anh vẽ một lúc khoảng 20,30 bức khác.
Có những hoạ sĩ vẽ như một nghiệp, một đòi hỏi tự thân, không vẽ không được. Những bức tranh của anh Lực tôi yêu mê mẩn vì sự thăng hoa của nó. Vì số phận của người Việt chúng ta, sướng khổ, vui buồn, qua chiến tranh gian khổ trải dài trong những bức tranh đó.
Cô Lán (1976)
Trước khi đến triển lãm này, tôi đã viết và chia sẻ trên facebook của mình về bức tranh Cô Lán xem có thể tìm được cô gái ấy không. Cô Lán từng là bạn gái thân thiết nhất của anh Lực vào lúc đất nước đầy khó khăn.
Nhưng sau khi anh Lực hoàn thành bức tranh thì cô biến mất từ đó đến nay. Cô Lán hay là số mệnh của rất nhiều người Việt Nam", TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ với công chúng những lời xúc động.
Còn hoạ sĩ Phạm Lực, ông bộc bạch chân tình, triển lãm này là nơi ông được gặp lại những đứa con của mình, mà đứa con nào cũng đáng trân trọng.
"Tôi có điều ước là khi tôi sắp trút hơi thở cuối cùng, tôi sẽ thông báo ai có tranh của Phạm Lực, mỗi người chỉ cần mang một bức đến thôi thì tôi tin rằng khi đó chỉ có sân Hàng Đẫy mới chứa được. Tôi tin như vậy", hoạ sĩ Phạm Lực chia sẻ.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 20-5.
Họa sĩ Phạm Lực sinh 1943 là người gốc Huế, ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1977.
Ông gia nhập quân ngũ suốt 35 năm, chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ,...
Họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng của Việt Nam, đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế.
Phạm Lực là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình, với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm.
Bên cạnh đề tài chiến tranh quen thuộc của một họa sĩ quân nhân, họa sĩ Phạm Lực còn ghi dấu ấn với những tác phẩm bình dị, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam như phong cảnh nông thôn, tình mẫu tử, chân dung người phụ nữ, sinh hoạt thường nhật.
Xem một số tranh Phạm Lực tại triển lãm Bút lực:
Ngủ vùi sau trực chiến (1969)
Nữ dân quân chở con (1966)
Thiếu nữ ôm mèo (2013)
Gia đình văn hoá (2011)
Ta đi bố! (1976)
Ba con thuyền (1996)
Ngóng chờ con (1976)
Thiếu nữ khoả thân 6 (1976)
Di tản (1979)
Hà Nội vào thu (1980)
Thị Màu, Thị Kính (1976)
Gánh gạo theo chồng (1994)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận