Anh hùng lao động Hồ Giáo lúc 80 tuổi khi còn chăm sóc đàn trâu Mura - Ảnh: M.T. |
Không hiển hách chiến công, không vang danh bốn biển, nhưng từ sự trống vắng mà họ để lại, chúng ta bỗng thảng thốt vì biết rằng những cuộc đời mang vẻ đẹp lấp lánh sự dâng hiến tận tụy có vẻ ngày đang hiếm dần quanh ta. Anh hùng là một người như thế.
Chỉ là một người trọn đời mình chỉ biết chăn bò, nuôi trâu, nhưng hai lần ông được phong danh hiệu “Anh hùng lao động”, và là người duy nhất trong ngành chăn nuôi ở đất nước ta có được vinh dự đó.
Hôm kia, 14-10, đúng vào Ngày của Hội Nông dân Việt Nam, người nông dân tận tụy và lam lũ thương khó ấy đã ở tuổi 85 trên quê nhà Quảng Ngãi của mình.
Năm 1966, người chăn bò Hồ Giáo được phong Anh hùng lần thứ nhất. 20 năm sau đó, năm 1986, ông được phong Anh hùng lần thứ hai. Và dù với những danh hiệu như thế, ông vẫn trung thành với công việc của mình là chăn đàn trâu bò cho thật tốt.
Là người chăn bò nhưng ông biết cách làm cho đàn bò sinh sôi một cách tốt nhất, cho sữa nhiều nhất, truyền đạt những kinh nghiệm từ thực tế mà ngay cả những kỹ sư chăn nuôi học hành bài bản cũng không có được.
Khi có người hỏi ông: “Được phong Anh hùng thường người ta sẽ làm giám đốc, cớ sao ông lại không màng chức vụ gì?”, ông nổi giận: “Mỗi người làm một việc, hãy làm đúng khả năng của mình.
Anh tưởng người ta không gợi ý tôi làm giám đốc chắc? Có đấy. Nhưng tôi chối từ vì nghĩ rằng mình chỉ biết mỗi việc nuôi bò”.
Có vẻ câu nói giản dị của ông lại chạm tới chân lý như một nhà tư tưởng từng nói: “Hãy đi tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp nhân loại”.
Hồ Giáo đã đi tận cùng với công việc của mình bằng tất cả đam mê và tận tụy, chỉ đơn giản như thế,và ông trở thành anh hùng. Rồi ông đi vào văn chương, vào thơ, vào nhạc mà câu chuyện “Đàn bê của anh Hồ Giáo” trong cuốn sách tập đọc lớp 2 còn in đậm trong ký ức tuổi thơ nhiều thế hệ.
Có rất nhiều câu chuyện thú vị về ông như việc lúc ông chăn đàn trâu Mura ở Sông Bé, biết ông chẳng có nhà cửa gì ở quê, lãnh đạo tỉnh này có nhã ý tặng ông 50 tấm tôn và 6m3 gỗ sao để làm nhà, sau này về hưu có chỗ mà ra vào.
Họ nhắn người cháu gọi ông bằng cậu vô Sông Bé mang về. Anh Thế, cháu ông, thuê chuyến xe, lòng khấp khởi mừng thầm.
“Đến nơi, hỏi cậu số gỗ và tôn đó đang để đâu cháu chở về, cậu Giáo gạt phắt: Cậu có cái phòng tập thể ngoài quê rồi, mang gỗ về làm chi!” - anh Thế kể về một kỷ niệm như thế.
Hay khi người con gái duy nhất của ông học xong sư phạm, với danh hiệu hai lần Anh hùng, ông Hồ Giáo đủ sức “gõ cửa” để xin cho con ở lại dạy tại thành phố, nhưng ông không làm thế mà để con mình lên dạy ở một huyện miền núi xa xôi.
Ốm đau đi bệnh viện, ông không khai mình là anh hùng và hưởng chế độ chăm sóc như người bình thường... Những câu chuyện nho nhỏ ấy, chính ra lại làm nên sự lấp lánh của phẩm giá ẩn sau sự lam lũ của “người anh hùng chăn bò”.
Và như thế, anh hùng chính là người mà khi từ giã trần gian, cuộc đời của họ lại được mang ra suy ngẫm như một điểm tựa tin yêu cho người ở lại.
Câu chuyện Hồ Giáo lại càng thời sự hơn khi ta đang chứng kiến những chuyện quan chức khai man thành tích để được phong danh hiệu anh hùng, ta còn gặp đây đó bao nhiêu người vì ham hố hư danh mà ngồi nhầm chỗ và nhớ câu nói của ông: “Đừng ham những gì mà khả năng mình không có”.
Sự ra đi của ông, ít ra cũng để cho người ở lại nhận ra anh hùng thật sự chính là người được nhân dân yêu quý và tôn vinh, cho dù ông chỉ sống với cuộc đời chính mình, cuộc đời của một người chăn bò, giản dị và đầy phẩm giá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận