16/05/2018 17:28 GMT+7

“Phẩm cách” du lịch nông dân

VŨ THỐNG NHẤT
VŨ THỐNG NHẤT

Người nông dân đồng bằng đã mang những nét đẹp phẩm cách vốn có hòa vào sản phẩm du lịch của mình.

“Phẩm cách” du lịch nông dân - Ảnh 1.

"Cô bác đứng cẩn thận nha, đừng chen lấn, té ao à", anh Lê Trung Tín - chủ nhà cười tươi nhắc nhở. 1..2..3…, anh Tín miệng hô tay vung thức ăn rải rộng xuống ao. Rào... Một cột nước trắng xóa với hàng trăm con cá lóc há miệng hết cỡ đột nhiên xuất hiện. Lại một "trận càn" nữa cho phần thức ăn rơi vãi còn nổi. Mặt ao phẳng lặng trở lại. "Tiếp tục này bà con, 1..2..3…".  Những "cột nước cá" lại bùng lên, thật sống động. 10 ao, gần 20.000 con cá lóc sẽ luân phiên được chủ nhà trình diễn như vậy.

Anh Tín là nông dân rặt, lớn lên với mảnh vườn sau nhà, con rạch trước hiên, hàng chục năm bám đất bám vườn Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). "Cá lóc bay" là một kỳ công. Kỳ công ở chỗ giống cá lóc khi động thường chỉ chui xuống bùn, lặn sát đáy ao nhưng nay lại dám búng mình lên trời. Để được vậy anh Tín phải huấn luyện khi cá còn nhỏ, phải chuyển từ thức ăn tươi sống sang thức ăn dạng viên, kích thích con cá. "Nhảy lên thì có ăn, làm biếng ráng nhịn. Riết thành quen. Trên 4 tháng có thể trình diễn", anh Tín mộc mạc chia sẻ. "Nói vậy chứ buổi đầu, ít khách tham quan tôi định sang bớt cá, nuôi hoài tiền thức ăn chịu không thấu", anh Tín tâm sự.

Mới xuất hiện 2 năm trở lại nhưng du khách trong ngoài nước đổ về nườm nượp, ngỡ ngàng, cực kỳ thích thú. Hàng chục triệu đồng/tháng (cả doanh thu từ cây trái, dịch vụ tại chỗ…) lọt vô túi ông chủ này ngon ơ. Anh giàu lên trên chính miếng đất mảnh vườn của mình.

"Cá lóc bay" lập tức trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nhờ tính độc đáo, cả vùng không có, cả nước cũng không. "Ngay khi nghĩ đến kế hoạch mở điểm du lịch sinh thái kết hợp với làm vườn, vợ chồng tôi đã suy nghĩ để đưa ra một điều gì đó đặc biệt tạo nên sự mới lạ" – anh Tín nói.

Điểm du lịch Sáu Hoài (ấp Lợi Dũ - xã An Bình – quận Ninh Kiều) lại hút khách nhờ món ẩm thực chẳng giống ai: Pizza Hủ tiếu. Gọi đúng tên dân dã món ăn này là hủ tiếu chiên, hủ tiếu cứ cuộn tròn như bánh Pizza bên Ý còn nhân thì biến ảo vô cùng với chả lụa, giăm bông, lạp xưởng hoặc sữa, trứng gà, nước cốt dừa cho thêm béo thêm thơm… Món ăn dân dã, quen thuộc khắp Nam bộ cả mấy trăm năm đã mang nét mới, đầy sáng tạo, hòa nhập thị trường khá ấn tượng. "Một công ty du lịch tận châu Phi vô tham quan, quay lại quy trình làm bánh rồi đưa lên mạng, bán tour", ông Sáu Hoài kể lại.

Về ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển - Cà Mau), "mũi tàu Tổ quốc",  lang thang rừng đước rừng tràm, ngắm mặt trời đỏ rực lên xuống trên biển, thỏa sức trải nghiệm homestay đặc sắc với câu cua, giăng lưới, mò sò, xổ tôm…

Chính sự "khác biệt" đã tạo ra tính hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch. Không ai rời miền Tây mà không vấn vương nụ cười thân thiện, tính cách mộc mạc cởi mở, tấm lòng bao dung, khoáng đạt... Họ đã mang những nét đẹp phẩm cách đó hòa vào sản phẩm du lịch của mình.

ĐBSCL là vùng đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo. Chỉ đồng bằng này mới có mùa nước nổi từ dòng Mekong huyền thoại, mới có chợ nổi, "trái tim sông nước", thăng hoa qua hàng trăm năm văn minh kênh rạch cuối trời Nam. Chỉ ở đây mới bập bùng tiếng trống lễ hội Hát Gi, Ramadan (người Chăm), rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm trong lễ Cholchnam Thmay, Đôn ta, Ooc-om bok (người Khmer)...

Chỉ đi dọc hai dòng sông Tiền sông Hậu mới được thưởng thức đậm đà nhất món lẩu mắm "kỳ thú phương Nam" với hàng chục thứ rau đồng nội; rồi thịt kho nước dừa, canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui, rắn nướng lèo, mắm kho, chuột đồng rô ti, lươn hấp bầu, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu, ba khía  Cà Mau, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu, nấm tràm Phú Quốc..., tất cả chỉ thật sự "chuẩn chất" khi được đưa đến du khách ngay trên vùng đất này.

Du lịch bao giờ cũng là văn hóa, để khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm sự khác biệt văn hóa. Theo dự báo của Tổ chức du lịch Thế giới, bước vào công nghiệp 4.0, xu hướng khám phá văn hóa bản địa vẫn là điểm sáng. Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… lại đứng trước vận hội mới, đều cần những sản phẩm du lịch mang tính văn hóa bản địa bài bản, tinh tế, chuyên nghiệp để phát triển bền vững.

Sự năng động, sáng tạo tuyệt vời vốn có của người nông dân đồng bằng sẽ tạo ra điều đó.


VŨ THỐNG NHẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên