Ông Phan Đức Hiếu - Ảnh: C.V.K. |
Đó là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu - trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng Luật doanh nghiệp (DN), Luật đầu tư 2014 - xung quanh vụ “sửa giấy phép mất 3 tháng” và “”.
Ông Hiếu nói:
- Chúng tôi theo dõi việc thực hiện Luật DN và Luật đầu tư, bước đầu ghi nhận một số vướng mắc và điều chỉnh ngay.
Chẳng hạn, Luật DN cho phép DN có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng tại TP.HCM không triển khai thực hiện kịp thời, trong khi nhiều địa phương khác đã làm ngay sau khi luật có hiệu lực. Một phần do luật có những điểm rất mới, rất cởi mở nên bỡ ngỡ...
Tuy nhiên, việc cán bộ vòi vĩnh DN như Tuổi Trẻ phản ánh là rất nghiêm trọng, ngoài sức tưởng tượng của ban soạn thảo. Hiện tượng này có thể không phổ biến nhưng không phải đơn lẻ.
* Ban soạn thảo có lường trước được việc thi hành luật sẽ có những vướng mắc, khó khăn lớn cho DN như thế không?
- Chúng tôi cũng lường trước sẽ có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật. Chẳng hạn thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lường trước sẽ có vướng mắc và thực tế đã xảy ra.
Theo Luật DN, cơ quan chức năng có trách nhiệm phải giải quyết thủ tục, chỉ khi từ chối mới trả lời DN bằng văn bản. Đây là “con đường một chiều”, giảm thiểu việc DN phải tiếp xúc với cơ quan chức năng, giảm thời gian và chi phí cho DN.
Tuy nhiên, nhiều DN không yên tâm nên đòi cấp thêm giấy chứng nhận gì đó, gây lúng túng cho phòng đăng ký kinh doanh, từ đó phát sinh những văn bản ngoài luật như cấp giấy xác nhận “đã làm thủ tục”...
* Theo ông, tình trạng làm khó, nhũng nhiễu DN xuất phát từ đâu, do luật có kẽ hở hay do con người?
- Từ phản ánh trên Tuổi Trẻ, theo tôi, nguyên nhân chính ở yếu tố con người. Thay vì hỗ trợ DN để tuân thủ luật, người thực hiện lại vòi vĩnh DN, chưa kể tình trạng chờ văn bản hướng dẫn để trì hoãn giải quyết thủ tục cho DN.
Ngoài ra, hiện tượng nhũng nhiễu này còn do nguyên tắc quyền tự do kinh doanh của dân theo quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa rõ ràng và đầy đủ trong các quy định pháp luật. Nếu luật quy định rõ ràng và công khai cái gì cấm, không được làm; những cái còn lại được tự do kinh doanh mà không phải xin phép hay hỏi ý kiến cơ quan nhà nước thì những hiện tượng như trên có thể khó xảy ra.
Tuy nhiên, luật hiện nay thường quy định mập mờ, không rõ ràng những cái gì mà không cấm, không hạn chế thì cơ quan giải quyết thủ tục phải xin ý kiến các bộ, ngành..., trong khi tiêu chí để cho phép hay không lại không rõ.
Chính sự mập mờ này là kẽ hở để một số người thực hiện tìm cách gây khó để vòi vĩnh DN, ngay bản thân cơ quan giải quyết thủ tục cũng gặp rủi ro bởi quy định này. Do đó, theo tôi, về lâu dài cần thực hiện đầy đủ nguyên tắc cái gì luật không cấm, không “quy định” thì dân được quyền làm, không cần phải hỏi các bộ, ngành.
* Trong khi chờ được thực thi nguyên tắc quyền tự do kinh doanh như ông nói, có giải pháp nào để hạn chế nhũng nhiễu trong thi hành các luật này, thưa ông?
- Quy định hiện tại cho phép khởi kiện cơ quan nhà nước, do đó cần tính đến cho phép khởi kiện cả quy định pháp luật. Nếu thấy quy định nào trái tinh thần Hiến pháp, trái văn bản pháp lý cao hơn, tạo gánh nặng cho mình... DN có quyền kiện, tòa có quyền tuyên bố tạm dừng hoặc chấm dứt hiệu lực của văn bản pháp luật đó. Điều này sẽ buộc cơ quan chức năng phải sửa đổi.
Có lẽ cần nghiên cứu sửa đổi quy định DN phải thực hiện các thủ tục tại nơi đăng ký trụ sở chính của Luật đầu tư và Luật DN. Bởi chúng ta đã cho đăng ký kinh doanh qua mạng nên gần như không có giới hạn về địa lý, nơi DN phải đăng ký kinh doanh.
Chúng tôi cũng không thấy lý do nào để duy trì việc buộc DN phải xử lý thủ tục hành chính tại nơi đóng trụ sở chính. Nếu bỏ quy định trên, DN sẽ có xu hướng chọn nơi nào làm tốt, đơn giản để tập trung đến, tránh được những nơi nhũng nhiễu.
Ngoài ra, cũng nên có hình thức lấy phiếu, “chấm điểm” các phòng đăng ký kinh doanh và nên công khai việc “chấm điểm” này.
Nên buộc thôi việc Các chế tài đã có rất nhiều quy định rõ ràng, vấn đề là phát hiện sai phạm và phải xử lý nghiêm. Khi đã phát hiện thì không chỉ xử lý cá nhân vi phạm mà có thể xem xét cả trách nhiệm người đứng đầu. Nếu chứng minh được lỗi vi phạm trắng trợn như Tuổi Trẻ nêu, theo tôi, không thể chỉ cảnh cáo hay điều chuyển, mà nên tính đến mức cao nhất là buộc thôi việc. Chứ điều chuyển sang chỗ khác họ lại nhũng nhiễu, rất khó cho DN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận