30/07/2015 10:46 GMT+7

Phải xem là việc khẩn cấp

XUÂN LONG ghi
XUÂN LONG ghi

TT - Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng mức độ tác động, cả tần suất xảy ra lẫn mức độ nghiêm trọng.

Nông dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phải phá bỏ lúa bị hư hại do nhiễm mặn - Ảnh: Hữu Khoa

Nó là những tác động rất lớn cả trước mắt lẫn lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển quốc gia lẫn cuộc sống của từng người dân. Nhưng điều đáng nói là hiện nay nhiều người trong chúng ta vẫn nhìn vấn đề này như chuyện của tương lai, ở nơi nào đó, chưa thiết thân với chúng ta.

Tôi nghĩ chúng ta phải chủ động thích ứng và có bước đi phù hợp, ở đây cần phải đặt giải pháp ngắn hạn trong dài hạn và hiện nay Nhà nước ta đang đi theo hướng này.

Trong việc chủ động thích ứng, Nhà nước và người dân có vai trò riêng.

Nhà nước xây dựng chiến lược tổng thể với tầm nhìn cả trung và dài hạn - đến hàng trăm năm, các chương trình hành động liên và chuyên ngành, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, trong đó tăng cường nhận thức, phổ biến thông tin, cảnh báo cho cả nhà chức trách và người dân là rất quan trọng.

Còn với người dân, vai trò của họ chủ yếu tham gia vào chiến lược và thực thi ở cấp địa phương, vì vậy họ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với các tình huống cụ thể ngay trên vùng đất mà họ sinh sống.

Chỉ khi cả Nhà nước và người dân cùng hợp lực thì hiệu quả của việc thích ứng với biến đổi khí hậu mới cao.

Cần phân rõ chiến lược tầm quốc gia và tầm địa phương với các mục tiêu cụ thể khác nhau, phân định rõ nhiệm vụ để tránh bỏ sót, chồng chéo; đồng thời xác định bước đi phù hợp để tránh lãng phí.

Vấn đề khó là diễn biến biến đổi khí hậu rất phức tạp, do vậy kế hoạch thích ứng phải mềm dẻo, lường trước các kịch bản có thể xảy ra theo các mức độ khác nhau.

Chẳng hạn, khi xây dựng các công trình hạ tầng, cần tính đến khả năng và các giải pháp nâng cấp trong tương lai ứng với các mức biến đổi khí hậu khác nhau để có được quy hoạch hạ tầng ngay từ bây giờ, như quy hoạch dân cư, hành lang đường bộ, hành lang đê, không lưu các cầu giao thông qua sông, kênh, trong đó đặc biệt ưu tiên những công trình đầu tư “ít hối tiếc”.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành đều đã có chương trình tổng thể quốc gia, chương trình của từng ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc các chương trình của ngành có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu.

Ví dụ, Bộ NN&PTNT đã thực hiện các chương trình an toàn hồ đập có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu (mưa mùa lũ gia tăng, mưa mùa khô giảm), đã đưa ra giải pháp tăng cường năng lực xả lũ và tích thêm nước mùa mưa để dùng cho mùa kiệt, xây dựng kế hoạch ứng phó với siêu bão, chiến lược phòng chống hạn và cấp nước cho các vùng thiếu nước, đặc biệt là các vùng ven biển.

Việc đầu tư cho hệ thống thủy lợi cũng đã được bộ tính đến yếu tố biến đổi khí hậu sau 20, 30 năm và tầm nhìn 50 và 100 năm. Các cống kiểm soát mặn ven biển hiện nay đang dần được hiện đại hóa, vận hành đa năng và mềm dẻo hơn.

Ngoài ra, việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng thích nghi có kiểm soát đang được xúc tiến mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Mặc dù đã đạt được những thành quả khả quan ban đầu trong thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với các hiện tượng cực đoan và dị thường của thời tiết, nhưng chúng ta vẫn chưa chủ động cao, một phần do hạn chế về nguồn lực, mặt khác do cách nghĩ của không ít người cho rằng biến đổi khí hậu chưa “hiện hữu”.

Do đó còn nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề đầu tiên là tăng cường nhận thức để hành động kịp thời và thống nhất.

GS.TS TĂNG ĐỨC THẮNG (phó giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam)

 

XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên