Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng quy định về ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là chưa phù hợp trong tình hình khẩn cấp - Ảnh: Việt Dũng |
Đây là phiên thảo luận lần cuối về đạo luật này trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26-11.
Bày tỏ mong muốn khi đạo luật này được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động trưng cầu ý dân, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nhấn mạnh thông qua hình thức dân chủ này, người dân được trực tiếp tham gia việc hoạch định các chính sách, quyết sách lớn của đất nước, có thể hiểu là tham gia quản lý nhà nước.
Đảm bảo luật thi hành được ngay
Theo đại biểu Thắm, dự thảo luật này cần quy định cả về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự thủ tục trưng cầu ý dân để vừa đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, vừa bảo đảm để luật có thể thi hành được ngay mà không phải chờ các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Về những vấn đề trưng cầu ý dân, bà Thắm đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân để phù hợp với Hiến pháp 2013 và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị bổ sung quy định trưng cầu ý dân về việc quyết định chiến tranh và hòa bình. Theo Hiến pháp thì đây là quyết định của Quốc hội, và bà Dung cho rằng cần đưa vấn đề nêu trên vào luật sao cho khi Quốc hội quyết định vấn đề này thì cần phải trưng cầu ý dân.
Bà Dung cũng cho rằng quy định của dự thảo luật về ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là chưa phù hợp trong tình hình khẩn cấp cần lấy ý kiến nhân dân.
Tương tự, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) khẳng định nếu chiếu theo các điều khoản trong dự thảo luật, những vấn đề bức xúc cần phải trưng cầu ý dân trong thời gian ngắn sẽ không thực hiện được.
“Quy trình thực hiện một lần trưng cầu ý dân còn quá rườm rà, do vậy ban soạn thảo cần bổ sung chế định trường hợp đặc biệt cần trưng cầu ý dân trong thời gian ngắn” - ông Công nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng không nên dùng tỉ lệ 75% cử tri đi bỏ phiếu là hợp lệ - Ảnh: V.Dũng |
Cho công dân ở nước ngoài tham gia
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng dự thảo luật quy định luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam, vậy có thể hiểu luật xác định phạm vi trưng cầu ý dân bao gồm cả công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Như vậy cần bổ sung quy định cách thức, cơ chế lấy ý kiến cụ thể đối với nhóm đối tượng này để đảm bảo họ có quyền thể hiện chính kiến, quan điểm của mình trong việc cùng tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhiều đại biểu quan tâm đến các quy định về kết quả trưng cầu ý dân. Theo dự thảo luật, việc công nhận kết quả trưng cầu ý dân được dựa vào hai yếu tố là tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu và tỉ lệ cử tri tán thành nội dung trưng cầu ý dân.
Cụ thể, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu (tương đương 75% tổng số cử tri). Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành thì có giá trị thi hành.
Đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng quy định tỉ lệ 75% là quá cao, ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ để quy định tỉ lệ tham gia và tán thành của cử tri phù hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của luật.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ý kiến ngược lại nếu quy định chỉ cần 75% tổng số cử tri đi bỏ phiếu và chỉ cần trên 50% số phiếu hợp lệ tán thành thì tính ra chỉ cần 37% tổng số cử tri tán thành là phương án được lựa chọn. Nghĩa là chỉ cần khoảng 1/3 dân số (tổng số cử tri) tán thành, trong khi 1/3 thì không phải là đa số.
“Tôi thấy không nên dùng tỉ lệ 75%, nên quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong tổng số danh sách cử tri tán thành. Như thế chúng ta sẽ đạt được hai yêu cầu: có quá nửa số cử tri đi tham gia bỏ phiếu và sự lựa chọn này thật sự là sự lựa chọn của đa số cử tri” - ông Sơn nói.
Đầu tư 193.000 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới Sáng 12-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu 193.155,6 tỉ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu 46.161 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 41.449 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 4.712 tỉ đồng. |
Đề nghị trần quân hàm đại tá với quân nhân chuyên nghiệp Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã kiến nghị như vậy tại buổi thảo luận về Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Mặc dù ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đồng ý với mức trần quân hàm thượng tá với quân nhân chuyên nghiệp nhưng theo đại biểu Tiên, dự thảo luật quy định trần quân hàm như vậy là chưa tương xứng. Bởi có những quân nhân chuyên nghiệp là người có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ thì cần phải có trần quân hàm cao nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ quân đội. Các đại biểu cũng nhất trí cao việc quy định việc các quân nhân chuyên nghiệp có công việc đặc thù như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao; phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa khi hết hạn tuổi không còn đáp ứng được công việc sẽ được đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận