02/05/2013 07:47 GMT+7

Phải tôn trọng lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

TS NGUYỄN NHÃ
TS NGUYỄN NHÃ

TT - Vấn đề biển Đông hiện nay với sự căng thẳng càng ngày càng leo thang khiến nhiều học giả quốc tế trong các hội thảo về biển Đông e ngại nguy cơ xảy ra bi kịch châu Á, như đã xảy ra bi kịch châu Âu ở Thế chiến thứ hai.

i0EN6Sea.jpgPhóng to
Chiến sĩ hải quân vùng 3 xem những tấm bản đồ thể hiện Hoàng Sa là của Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 29-4 - Ảnh: HỮU KHÁ

Có một nghịch lý là thế giới hiện nay chỉ quan tâm đến biển Đông có liên quan đến quyền lợi cốt lõi của mỗi nước, còn vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo đá là chuyện nội bộ của các nước tranh chấp, mà không biết hay cố tình không biết chính thực tế sự tranh chấp chủ quyền các đảo đá bất cần đến sự thật lịch sử và bất chấp luật pháp quốc tế khiến sự căng thẳng leo thang.

Trong hội thảo quốc tế tại Quảng Ngãi vừa qua, một học giả đến từ một trường đại học ở Hong Kong cho rằng sự quảng bá ra thế giới sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam còn rất hạn chế. Tôi cũng vừa đề nghị cần quan tâm đến sự thật lịch sử chủ quyền tại Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa).

Từ luận điểm “đất vô chủ”

Chỉ cần tập trung vào sự thật lịch sử năm 1909, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, chính quyền Quảng Đông đưa ra luận điểm Paracel là “đất vô chủ”, bắt đầu tổ chức chiếm hữu theo cách của phương Tây như cho tàu chiến bắn 21 phát súng, cắm cờ, cắm cột mốc chủ quyền tại các đảo ở Paracel và đặt tên là Tây Sa. Hay tập trung vào sự kiện năm 1898 khi công ty bảo hiểm Anh nhờ quan chức tổng lãnh sự Anh yêu cầu chính quyền Hải Nam bồi thường vụ dân Hải Nam hôi của lấy đồng thau của tàu Bellona (của Đức) bị đắm năm 1895 và tàu Nhật Unofi Maru bị đắm năm 1896 tại Paracel, thì chính quyền Hải Nam bác bỏ Paracel không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Khi ấy Việt Nam đã có quá nhiều chứng cứ minh chứng Paracel là của Việt Nam, từ văn bản nhà nước như Châu bản của triều đình Nguyễn, các văn bản chính quyền địa phương cũng như chính sử, địa chí, bản đồ, cho đến các tài liệu, bản đồ của phương Tây cũng như chính tài liệu, bản đồ của Trung Quốc. Các tài liệu của phương Tây như Gutzlaff năm 1849 hay bản đồ An Nam đại quốc họa đồ ghi rất rõ Paracel chính là Cát Vàng, tức Hoàng Sa.

Việt Nam đã chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước liên tục và hòa bình qua các thời đại từ đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 17, đến khi thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền từ năm 1816-1836 trở thành lệ hằng năm.

Đã tuyên bố Paracel vô chủ hay Paracel không thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì có đưa bất cứ bằng chứng nào sau này cũng chỉ là ngụy tạo hay suy diễn không có giá trị, trái với sự thật lịch sử.

Lịch sử không thể cắt xén

Tháng 4-1956, lợi dụng quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, Đài Loan chiếm đảo lớn nhất là Itu Aba, tức đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc mới đặt tên Thái Bình, kỷ niệm tàu Thái Bình chiếm đóng cuối năm 1946); Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa và lợi dụng quan hệ mới với Mỹ sau Tuyên bố chung Thượng Hải năm 1972, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

So với trước năm 1949, từ đây Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn đến luận điểm cho rằng chủ quyền về Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ lâu đời, với nhiều luận cứ, luận chứng phi lịch sử. Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì xuyên tạc, với sự đóng góp của một số nhà học giả đưa ra luận điểm cho rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ các triều đại Trung Quốc “quản hạt sớm nhất” và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh Nhật Báo, 24-11-1975).

Sau đó, ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố văn kiện ngoại giao, chính thức hóa những luận điểm đã đưa ra trong bài báo nói trên và năm 1988 đã xuất bản bộ tư liệu đồ sộ của nhóm Hàn Chấn Hoa. Song những tư liệu này lại hết sức vu vơ không có gì là xác thực, hầu hết những tài liệu cổ mà Trung Quốc dẫn chứng lại đều là sách viết về nước ngoài “chư phiên”, tức không phải chép việc của Trung Quốc, như Nam châu dị vật chí của Dương Phù, Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát.

Do sự thật không có trong lịch sử và không có ngay trong bản đồ của Trung Quốc hay phương Tây vẽ, cộng thêm chính sự kiện chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ, nên sự phản bác những ngụy tạo, suy diễn trong các luận điểm cùng các luận cứ, luận chứng của Trung Quốc quá dễ dàng, nhất là dựa vào pháp lý quốc tế cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 phải là chiếm hữu thật sự, phải mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình.

Riêng phản bác luận điểm của Trung Quốc về tuyên bố đường lưỡi bò năm 2009 thì chỉ cần dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 sẽ phản bác lại dễ dàng, nhất là Trung Quốc dựa vào kế thừa lịch sử năm 1947 và những luận điểm, luận chứng vu vơ, không ai có thể chấp nhận được.

Hiện nay ở Trung Quốc người ta hầu như lờ đi sự kiện năm 1909 chính quyền Quảng Đông cho Paracel là “đất vô chủ”, hầu như ai cũng nói giáo đầu kiểu như: “Các hòn đảo ở Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc, nếu đi sâu nghiên cứu các sách cổ Trung Quốc thì đây là điều hiển nhiên, không có gì phải nghi ngờ”... Cứ như thế mà tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân khiến người dân ai nấy đều tin như vậy! Còn đi sâu nghiên cứu sách cổ thì chẳng có gì cả, chỉ là cố suy diễn hàm hồ.

Để tránh nguy cơ bi kịch châu Á như nhiều người lo ngại và để công bằng và thế giới ổn định trật tự, hòa bình, hợp tác bền vững thì chỉ còn cách phải tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế; phải đấu tranh theo tinh thần cùng thắng “win-win”. Cái gì của Caesar phải trả lại cho Caesar!

TS NGUYỄN NHÃ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên