Vừa vào cảng Thọ Quang, Đà Nẵng, tàu cá của ngư dân Lê Tấn Ánh xác định chuyến biển 25 ngày lỗ từ 200 - 300 triệu đồng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Hoan cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí đầu vào của bà con ngư dân. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố bất lợi khác như nguồn lợi thủy sản suy giảm, nhân công thiếu hụt, giá bán không tăng đã và đang khiến bà con ngư dân chịu nhiều tác động, thu nhập giảm sâu, thậm chí thua lỗ. Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản trong thời gian tới.
Theo nhận định chung, trữ lượng thủy sản có chiều hướng suy giảm. Do đó, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định ngành thủy sản phải "giảm khai thác - tăng nuôi trồng", tất yếu sẽ phải giảm đội tàu khai thác. Về ổn định lâu dài, có nhiều việc phải làm nhưng trước mắt bộ đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chuyển đổi nghề khai thác với các chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con ngư dân trong diện không tham gia đánh bắt hải sản, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN
* Ông từng nhiều lần tâm tình với bà con là không nên than khó nữa vì trong khó khăn luôn có cơ hội. Vậy với tình hình tàu cá nằm bờ hiện nay, ông có ý kiến gì?
- Việc giá xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian vừa qua không chỉ là khó khăn của riêng ngành nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có khai thác hải sản, nhiều quốc gia khác cũng đều phải chịu tác động rất lớn.
Ngành khai thác thủy sản của nước ta hiện có hơn 91.000 tàu cá, khoảng 600.000 ngư dân, khoảng 4 triệu người tham gia làm dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến trên bờ. Với quy mô lực lượng tham gia đông đảo như vậy cho thấy sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của một ngành kinh tế biển.
Hầu như đến thời điểm này vắng bóng các thiết chế liên kết sản xuất như hợp tác xã, nghiệp đoàn của ngư dân, dịch vụ hậu cần hoặc có nhưng hoạt động với hiệu quả thấp.
Khi làm ăn riêng rẽ thì chi phí tăng, chỉ khi hợp tác lại thì với nguyên lý "mua chung" sẽ giúp giảm giá, từ xăng dầu, ngư cụ, vật tư hậu cần, "bán chung" sẽ giúp thương lượng được giá bán tối ưu, vì vậy bà con ngư dân ta cần phải có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
* Khi chưa có biện pháp để kéo được giá xăng dầu xuống thì tự thân Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Hiện Chính phủ đang xem xét các phương án giảm giá xăng dầu bằng cách giảm một số loại thuế phí cấu thành giá.
Riêng về phía Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã tích cực cùng với Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB&XH đang tổng hợp đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho bà con ngư dân không thể ra khơi do tác động giá xăng dầu.
Cùng với đó, bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo ngư dân đẩy mạnh sản xuất đối với một số nghề tiêu tốn ít nhiên liệu; sử dụng máy tàu có công suất phù hợp, tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng thông tin từ bản tin dự báo ngư trường để giảm thiểu chi phí hành trình tìm ngư trường; ứng dụng các công nghệ bảo quản sản phẩm hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như thu mua sản phẩm, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển, trên đảo để giảm thiểu chi phí nhiên liệu cho tàu cá khi phải về cảng để lên cá và cung cấp bổ sung.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC
* Đó có thể là giải pháp trước mắt, còn giải pháp lâu dài thì Bộ NN&PTNT đã và sẽ đề xuất Chính phủ những gì để giúp ngành đủ sức chống chịu không chỉ với "bão giá" xăng dầu mà còn "bão giá" các loại vật tư khác?
- Ngành khai thác thủy sản trên biển vừa có nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa tham gia khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia.
Với tầm quan trọng như vậy, về dài hạn cần có cách tiếp cận tổng thể về "ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường" hướng đến mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành "quốc gia mạnh về biển, giàu về biển". Phải tổ chức lại hệ sinh thái ngành khai thác, tổ chức lại các thiết chế hợp tác, liên kết trong chuỗi ngành hàng từ hậu cần, đánh bắt, thu mua, chế biến.
Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng và thực hiện 2 quy hoạch ngành, đó là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo hướng tổ chức lại sản xuất khai thác thủy sản, tích hợp đa chức năng, đa giá trị trong sản xuất, kết hợp xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác...
Khi ấy, mỗi cảng cá sẽ đảm nhận vai trò dịch vụ hậu cần cho ngư dân để giúp giảm chi phí, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó đảm bảo sản xuất khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả tăng thêm thu nhập cho ngư dân.
Trình Chính phủ hỗ trợ an sinh cho ngư dân
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành nông nghiệp diễn ra chiều 28-6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam dẫn thông tin từ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết 50% tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao.
Như vậy số lao động trực tiếp đi biển nay nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến nhiều gia đình. "Vì thế các đơn vị của bộ phải phối hợp để tham mưu ngay cho lãnh đạo bộ các giải pháp hỗ trợ" - ông Nam nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết bộ đã đi khảo sát rất nhiều cảng cá và thấy rằng lượng tàu cá nằm bờ khoảng 45-50%, nhiều địa phương như Hải Phòng khoảng 70%.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương đã có văn bản trình Chính phủ hỗ trợ an sinh hơn 91.000 tàu, trong đó có hơn 30.000 tàu từ 15m trở lên và đây là giải pháp trước mắt. "Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cơ cấu lại khai thác, tăng cường nuôi biển, nuôi trong bờ. Như 6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi tăng 7,4%, trong đó khai thác giảm xấp xỉ 3%. Như vậy, để bù đắp cho sản lượng khai thác thì chúng ta phải nuôi. Đây cũng là một giải pháp để chúng ta đảm bảo nguyên liệu để chế biến, tăng xuất khẩu thủy sản trong năm nay và những năm tiếp theo" - ông Tiến nói.
Đối với vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ông Tiến nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Cần có những giải pháp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và tăng thuốc sinh học lên khoảng 20 - 25%.
"Với thức ăn gia súc, chúng ta đã có giải pháp đánh giá, rà soát tất cả các loại nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi. Chúng ta đã có nhiều công thức được ứng dụng rất rộng rãi, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi từ 500 - 800 đồng/kg" - ông Tiến nói.
C.TUỆ - H.NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận