Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình hạn hán ở Ninh Thuận ngày 22-2 - Ảnh: Duy Thanh |
Hội nghị diễn ra tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) chiều 22-2.
Trước đó, trưa cùng ngày, Phó thủ tướng đã thị sát hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Ninh Thuận là hồ Sông Sắt (huyện Bác Ái) và kiểm tra công trình đập dâng Tân Mỹ (trên địa bàn hai huyện Bác Ái và Ninh Sơn).
Hạn hán khốc liệt, kéo dài nhất
“Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hạn hán diễn ra từ cuối năm 2015 đến nay sẽ kéo dài đến tháng 6-2016, thậm chí một số địa phương đến tháng 8, tháng 9 năm nay sẽ không có mưa. Đây là đợt hạn hán vượt cả những giai đoạn nặng nhất là 1997-1998 và 2004-2005, có thể nói là gay gắt, khốc liệt và kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ qua” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thông tin mở đầu hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Văn Thắng - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho hay hiện dung tích trữ của nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở miền Trung - Tây nguyên bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Ở Ninh Thuận, dự kiến đến vụ hè thu có 9/21 hồ chứa thuộc lưu vực sông Cái (Phan Rang) không thể cấp nước cho sản xuất, 6 hồ khác chỉ đáp ứng một phần, nên diện tích phải dừng sản xuất khoảng 10.000ha.
Tương tự, 10.000ha đất ở Khánh Hòa cũng không có nước sản xuất vì các hồ chứa sẽ xuống mức dưới 30-40% dung tích thiết kế vào vụ hè thu, đồng thời dự báo khoảng 35.000 người dân thiếu nước sinh hoạt.
Ở Bình Thuận, vụ đông xuân đã có gần 15.500ha lúa (chiếm 40% diện tích lúa cả tỉnh) phải dừng sản xuất, 461ha cây trồng bị thiếu nước, 3.000ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán; nhưng vụ hè thu dự báo có đến 20.000ha đất không sản xuất được vì không có nước...
Tại Tây nguyên, đã có gần 2.900ha đất sản xuất phải dừng canh tác, các công trình thủy lợi tại thời điểm này chỉ tưới được 30% diện tích canh tác.
Dự kiến đến tháng 3-2016, diện tích bị hạn hán, thiếu nước của Tây nguyên lên đến 180.000ha, đến cuối vụ có khoảng 100.000ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán. Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk, dự báo khoảng 25.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay.
Thiếu vốn để đầu tư cho hệ thống thủy lợi là vấn đề lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông... đều kêu tại cuộc họp này.
“Chúng tôi đề nghị Nhà nước yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN chỉ đạo các nhà máy thủy điện phải phối hợp chặt chẽ với phòng điều độ quốc gia và địa phương trong việc điều tiết nước, bởi nếu khi có nhiều nước họ xả quá mức vì mục tiêu phát điện mà không nghĩ đến mục tiêu chống hạn là không được” - đề nghị này của ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, được lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các địa phương khác đồng tình.
Phải tính chống hạn lâu dài
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng thiên tai đang diễn ra ở miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, do vậy các địa phương phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đề ra giải pháp cụ thể, cấp bách trước mắt để chống hạn đối với từng vùng; đồng thời nghiên cứu giải pháp tổng thể, cụ thể, dài hạn “bởi chúng ta không chống hạn 1-2 năm mà tương lai phải đối mặt thường xuyên hơn, khốc liệt hơn” - Phó thủ tướng nói.
Ông chỉ đạo trước mắt, các địa phương rà soát, tăng cường cân đối quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả hơn; huy động các lực lượng nạo vét kênh mương, đào ao, khoan giếng giữ nước; chủ động chuyển nguồn nước tưới từ nơi nhiều nước sang nơi ít nước. Các tỉnh tập trung lo cho dân vùng hạn, không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt, đói, bệnh tật; thủ tục hỗ trợ dân phải làm nhanh chóng.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm tra nguồn nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện, dự báo lượng nước các hồ, sông... từ đó xác định cơ cấu cây trồng vụ hè thu năm nay phù hợp với vùng thiếu nước, hướng dẫn cho dân làm; về lâu dài cần có nghiên cứu lại cây trồng, vật nuôi ở miền Trung, vùng nào hợp với loại cây, con nào và phải tính đến sự liên quan với biến đổi khí hậu.
Về đầu tư các công trình, hệ thống thủy lợi, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp thiết chống hạn năm 2016, các bộ ngành tham mưu bố trí vốn đối với danh mục những công trình dở dang. Bộ NN&PTNT rà soát, báo cáo những dự án thủy lợi cần đầu tư bổ sung, nhất là những dự án hồ chứa nước lớn để chủ động tích nước cho mùa khô, sửa chữa những công trình thủy lợi xuống cấp...
Giảm trồng lúa, tăng cây trồng cạn Trả lời Tuổi Trẻ về giải pháp đột phá để chống hạn ở Nam Trung bộ và Tây nguyên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Giải pháp căn bản nhất là thay đổi cơ cấu sản xuất, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sản xuất, cố gắng có nhiều hộ gia đình nông dân tiếp tục sản xuất để tăng thu nhập, hạn chế đến mức tối thiểu trồng lúa, chuyển tối đa sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, cây trồng cạn sử dụng ít nước”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận