02/06/2014 09:03 GMT+7

Phải thấy đâu là hữu nghị trong sáng, đâu là hữu nghị giả vờ

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng nay 2-6, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói minh triết Việt Nam luôn nhận thức rõ đâu là hữu nghĩ trong sáng đâu là hữu nghị giả vờ, hay còn gọi là hữu nghị viển vông, lệ thuộc.

RAMaLIDJ.jpgPhóng to
Đại biểu quốc hội Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) - Ảnh: Việt Dũng

Ông Đáng đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, sự bao quát tình hình của một số bộ ngành, đặc biệt là mỗi khi có phản ứng trái chiều từ xã hội thì lãnh đạo bộ ngành cầu thị, lắng nghe. Tuy nhiên, theo ông Đáng thì những yếu tố này chưa lan tỏa khắp các bộ ngành.

Ông Đáng nói minh triết Việt Nam luôn nhận thức rõ đâu là hữu nghĩ trong sáng đâu là hữu nghị giả vờ, hay còn gọi là hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Do vậy để tồn tại thì người VN cần đoàn kết, tránh lệ thuộc về kinh tế. Khi buộc phải thường xuyên đương đầu tranh chấp thì lệ thuộc về kinh tế rất nguy hiểm. Bài học cha ông để lại đó ta chưa học thuộc lòng, kinh tế ta hiện nay đang lệ thuộc nặng vào nề kinh tế Trung Quốc, lệ thuộc về kinh tế như vậy thì khó tránh khỏi các lệ thuộc khác. Mặc dù việc đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc là việc lâu dài khó khăn, nhưng cần được khởi động ngay từ trong năm 2014. “Chúng ta phải chuẩn bị cho các tình huống xấu”- Ông Đáng nói.

Ông Đáng cho rằng thoát khỏi lệ thuộc kinh tế không có nghĩa là bỏ qua các quan hệ bình đằng cùng có lợi, mà ngược lại phải tăng cường hơn đi liền với sự chủ động, bình đẳng, chặt chẽ.

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay (2-6) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Phiên làm việc bắt đầu lúc 8g và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày vào đầu kỳ họp. Đại biểu Bảo cho rằng lúc này cần quan tâm đến việc giải ngân các kênh vốn, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, ví dụ như hiện nay có 21 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân được. Ông Bảo cũng cho rằng cần quan tâm đến việc phát triển các đặc khu kinh tế, nhất là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang).

Chúng ta không đơn độc

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nêu nhận định kinh tế vĩ mô nước ta đã được cải thiện tích cực. Trong thời gian tới cần tập trung cao độ cho tái cơ cấu nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn.

Về diễn biến tình hình hiện nay ở biển Đông, đại biểu Thực cho rằng bên cạnh đẩy mạnh hội nhập cần chú ý xây dựng nội lực, xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh. Chúng ta cần kiên trì đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam, chuẩn bị các phương án kể cả khởi kiện ra tòa án quốc tế. Ông Thực cũng nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nội bộ ta đoàn kết thì chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng từ năm 2011 đến nay nền tảng ổn định của kinh tế vĩ mô đã ngày càng được củng cố, lạm phát ở mức thấp. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2013 và tiếp tục trong các tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn khó khăn, động lực tăng trưởng chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Trong thời gian tới, cần chú ý đến việc phát triển cần bằng nền kinh tế, cùng với việc thu hút vốn FDI cần có các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.

Ông Ngoạn cho biết đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa ủng hộ tuyệt đối các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước trước tình hình hiện nay trên biển Đông, chính nghĩa không đơn độc, do đó VN sẽ không đơn độc. “Chúng ta cần tăng cường đoàn kết dân tộc để thống nhất hành động”- Ông Ngoạn nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Thứ nhất là Việt Nam đang đẩy mạnh tham gia các hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thứ hai là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Từ bối cảnh này, việc tham gia các hiệp định tự do thương mại mới, mở rộng và đa dạng. Hiện nay Trung Quốc là nhà thầu của rất nhiều nhà máy ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, nếu mở rộng thương mại sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì chúng ta sẽ có điều kiện nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị với giá hợp lý hơn từ các nền kinh tế phát triển, phần nào có thể cạnh tranh được với hàng từ Trung Quốc. Hiện nay gạo, cao su, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc rẻ mạt, nhưng ta chưa có nền công nghiệp chế biến phát triển, do vậy phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản. Yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế VN là tránh tình trạng lệ thuộc, bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

Theo ông Lộc, có ý kiến lo ngại về các hành động trả đũa từ Trung Quốc, tuy nhiên trong toàn cầu hóa thì Trung Quốc không dễ gì làm điều đó. Bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc đang có lợi ích từ thị trường Việt Nam. Ở bên cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc là lợi thế để đột phá nếu ta có một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cho rằng nên cho ngư dân vay vốn không lãi suất để đóng tàu, trong đó có tàu vỏ thép, thay vì mức lãi suất 3% như Chính phủ đang dự kiến.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ có các kịch bản để ứng phó với tình hình.

Tránh hiểu nhầm vì thể hiện lòng yêu nước mà bị liên lụy

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói: có những khu công nghiệp, số lượng lao động khá lớn, nhưng không đăng kí cư trú trong đó có cả lao động người nước ngoài không phép. Công tác nắm tình hình tại các khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Đáng lưu ý là đặc điểm công nhân tập trung rất đông, có nơi lên đến hàng chục ngàn người thì rõ ràng mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý dân cư không phù hợp.

qx2SCUb0.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Ảnh: Việt Dũng

Quốc hội cần xem xét rất kỹ vấn đề này khi làm Luật tổ chức chính quyền địa phương. Trước mắt, đề nghị Chính phủ thành lập thêm các đồn công an đủ mạnh ở những khu vực này và tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát cơ động. Đồng thời, khi xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch nơi ở cho công nhân cần phải chú trọng yếu tố về cơ cấu, lực lượng, thành phần xã hội để đủ khả năng ứng phó tại chỗ, hỗ trợ hiệu quả khi có sự cố thiên tai, lũ lụt, cháy nổ, bạo loạn...

Đa số công nhân ở khu công nghiệp học vấn, thu nhập thấp; đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện chỗ ở, nơi gửi con nhỏ còn khó khăn. Chỉ có giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người sử dụng lao động, sau đó là Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội theo thẩm quyền. Chính phủ cần chủ trì phối hợp với Tổng liên đoàn lao động, các nhà đầu tư, người sử dụng lao động để sớm xử lý.

Đến nay, hàng trăm người đã bị bắt giữ, khởi tố. Đề nghị các cơ quan tố tụng cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hình sự: Kịp thời phát hiện và nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu đặc biệt nguy hiểm; kẻ lưu manh, côn đồ; khoan hồng đối với người lần đầu phạm tội, những công nhân bị lợi dụng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhân đạo và nhân văn là Nhà nước vừa đảm bảo được trật tự, trị an, đảm bảo môi trường đầu tư; vừa đảm bảo an dân, tránh việc làm người dân hiểu nhầm chỉ vì thể hiện lòng yêu nước mà bị liên lụy.

"Xin hứa không đi nước ngoài"

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bày tỏ đồng ý dành 16.000 tỷ đồng và nhiều hơn nữa từ ngân sách cho cảnh sát biển và kiểm ngư trong bối cảnh hiện nay. Ông Đương cho rằng lúc này hơn bao giờ hết cần tiết kiệm chi ngân sách, trong đó có việc đoàn đi nước ngoài và bản thân ông cũng xin hứa không đi nước ngoài.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị tại kỳ họp này một số bộ ngành cần báo cáo rõ trách nhiệm của mình, cụ thể như:

- Bộ Lao động, thương binh và xã hội báo cáo về mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề... gắn với việc đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao đọng

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo về kết quả bảo vệ rừng.

- Bộ Giáo dục và đào tạo báo cáo về nguyên tắc làm việc liên quan đến các đề án lớn, cụ thể là đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với 180 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (hơn 10 tỷ USD), nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu (khoảng hơn 30 tỷ USD). Đây là vấn đề chúng ta đã nhận thức thấy trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các biện pháp cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên do quy mô lớn nên cần thời gian. Hiện nay Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy mạnh đàm phán và ký kết 6 hiệp định tự do thương mại, tạo thuận lợi cho hàng hóa VN xâm nhập vào các thị trường khác nhau.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên