13/03/2014 08:37 GMT+7

Phải thận trọng khi tham khảo bộ tranh "Đại lễ phục thời Nguyễn":

THÁI LỘC thực hiện
THÁI LỘC thực hiện

TT - Đó là ý kiến của TS Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, về bộ tranh “Đại lễ phục của triều đình An Nam” vừa công bố trong cuốn sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945 của tác giả Trần Đình Sơn, gây nhiều tranh luận trong mấy ngày qua (Tuổi Trẻ ngày 11, 12-3).

dX5IKZUJ.jpgPhóng to
Vua Thành Thái trong triều phục - Ảnh tư liệu tại triển lãm “Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua bưu ảnh xưa” do Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức ngày 26-5-2005 tại Hà Nội

* Thưa ông, hai chuyên gia về trang phục cung đình là Trịnh Bách và Trần Quang Đức cho rằng bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân vẽ không đúng quy cách về trang phục của triều Nguyễn được quy định trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gọi tắt là Hội điển) cũng như các hiện vật gốc trong các bảo tàng. Quan điểm của ông về ý kiến này?

X0kNXNSH.jpg

Ông Phan Thanh Hải - Ảnh: Thái Lộc

- Là những người đang trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản triều Nguyễn tại cố đô Huế, chúng tôi đánh giá cuốn sách này là công trình nghiên cứu khá công phu. Nó không chỉ giới thiệu 54 bức tranh do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ, mà còn kèm theo nhiều tư liệu, hình ảnh rất có giá trị về trang phục cung đình Nguyễn. Đọc công trình này vài lần, có đối chiếu, so sánh với sách sử và nhiều tư liệu có được, tôi cho rằng đây là một nguồn tư liệu quý. Nhưng cần phải suy nghĩ kỹ khi tham khảo các trang phục trong cuốn sách này, để có thể vận dụng trong việc phục hồi trang phục triều Nguyễn sắp tới đây của chúng tôi.

* Bộ tranh này được vẽ dưới thời Thành Thái, cụ thể năm Thành Thái thứ 14 (1902). Vậy có thể xem đó là “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945” được không?

- Về ý kiến nói Nguyễn Văn Nhân thực hiện bộ tranh theo trí tưởng tượng thì cần phải xem lại. Tôi cho rằng bộ tranh này thể hiện khá công phu về mặt trang phục. Tôi chắc chắn ông Nguyễn Văn Nhân là người có khá nhiều kinh nghiệm. Cho dù chỉ là thư ký trong tòa Khâm sứ Pháp, song lúc đó quan hệ giữa cơ quan này với triều đình dưới thời Thành Thái rất gắn bó. Khâm sứ Pháp ra lệnh gì thì triều Nguyễn phải làm theo. Với vai trò của người vẽ, việc vào ra trong cung Nguyễn và tiếp xúc với các bậc quan lại không phải là chuyện khó. Ngay cả cơ hội tiếp xúc với hoàng đế của ông Nhân không phải là khó như các triều trước.

Nhưng không nên cho rằng tên sách là Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945 thì phải bao hàm trang phục cung đình toàn bộ thời Nguyễn. Đây cũng là trang phục thời Nguyễn, nhưng là dưới thời Thành Thái. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã dẫn kèm ở phần phụ lục nội dung trong Hội điển cùng rất nhiều tư liệu hình ảnh khác. Xem tranh, đối chiếu với nhiều tranh ảnh tư liệu vào đầu thế kỷ 20, tôi cho rằng cách thể hiện này tương đối chính xác. Tuy nhiên, độ chính xác đến bao nhiêu thì cũng phải thận trọng, cần có thời gian để nghiên cứu tiếp tục.

* Trả lời phỏng vấn của báo chí, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã khẳng định bộ tranh này là “chính xác và đầy đủ”, là cơ sở để nghiên cứu cũng như phục dựng bộ trang phục cung đình Nguyễn?

- Đó là ý kiến cá nhân của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Ở đây, rất cần phải bàn lại nếu xem bộ tranh là cơ sở duy nhất khi phục hồi các trang phục triều Nguyễn. Cho đến nay, chưa có bộ tranh hay hình ảnh nào thể hiện đầy đủ, bằng màu sắc, về trang phục triều Nguyễn như bộ tranh này. Song, việc phục hồi trang phục triều Nguyễn còn phải dựa vào nhiều căn cứ khác nữa. Đó là những quy định trong Hội điển triều Nguyễn; đó là khá nhiều hình ảnh tư liệu, gồm cả ảnh màu của người Pháp để lại; một số bức họa do họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa thể hiện; và quan trọng nhất là những hiện vật gốc đang được lưu giữ tại các bảo tàng và các sưu tập tư nhân…

THÁI LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên