Cùng với mục tiêu này, việc thực hiện nghị quyết còn hướng đến khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được phân tích; tạo được niềm tin vào Đảng trong nhân dân và trong Đảng.
Phóng to |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (thứ hai từ phải sang) và Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân (bìa trái) trao đổi với đại biểu tại hội nghị - Ảnh: H.T.V. |
Ông Hải cho biết hầu hết cán bộ đảng viên, nhân dân TP ủng hộ, kỳ vọng ở nghị quyết này. Tuy vậy theo ông, dư luận đang chờ đợi và có phần băn khoăn, lo rằng liệu nghị quyết lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả không? Cách làm có quyết liệt, thiết thực, đến cùng để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thật sự như mong muốn hay không?
Một số yêu cầu khác cũng được nêu rõ: cần khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau cũng như lợi dụng dịp này để đấu đá, hạ bệ nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Theo ông Hải, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và có hình thức phù hợp để dân đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên; nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn... Cũng cần xem đây là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ thời gian tới.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh thêm một số điểm đổi mới trong công tác cán bộ. Theo đó, tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Sơ kết, rút kinh nghiệm để có chủ trương việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu cấp ủy có số dư. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Thí điểm việc giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý...
Không chỉnh đốn là tự thủ tiêu
Cùng ngày, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để học tập, quán triệt nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Nghị - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội - nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị quyết trung ương 4. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. “Nếu chúng ta không quyết tâm xây dựng, không quyết tâm chỉnh đốn thì chúng ta tự thủ tiêu mình” - ông Phạm Quang Nghị nói.
Đề cập công tác cán bộ, ông Phạm Quang Nghị nêu vấn đề không phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu “nhà mặt phố, bố làm to”. “Phải chăng cứ làm to thế nào cũng có nhiều lợi ích? - ông nói - Sự tổng kết dân gian này đã đề cập hiện tượng tiêu cực sinh ra do đặc quyền đặc lợi, do những sơ hở, lỏng lẻo của cơ chế, chính sách”.
Nhắc lại phát biểu gần đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng Đảng, ông Phạm Quang Nghị nói: “Trong công tác cán bộ đã có tiêu chí, tiêu chuẩn, có quy trình, thủ tục và có phương hướng công tác nhân sự từ cơ sở đến trung ương. Đọc vào thấy rất bài bản và đúng, chuẩn đến mức đưa ra thảo luận không ai thêm bớt được câu nào. Nhưng từ phương hướng đúng như thế đi vào làm cụ thể nơi này nơi kia lại không ra được nhân sự đúng. Phương hướng như thế mà vẫn bị người ta lái, người ta bẻ đi. Cái đó phải chăng là chủ nghĩa cá nhân của người nào đó, không phải chỉ một người mà những nhóm người, bây giờ gọi là nhóm lợi ích... Bây giờ nơi này nơi khác làm thế nào để người dân cho rằng tiêu chí đề bạt cán bộ không còn là trí tuệ, danh dự, lương tâm nữa mà là tiền tệ, hậu duệ, quan hệ rồi mới đến trí tuệ”.
Theo ông Phạm Quang Nghị, thông qua việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết trung ương lần này để kết hợp đánh giá, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị, chuẩn bị quy hoạch cấp ủy cũng như các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ tới. “Qua kiểm điểm để xem uy tín, rồi mức độ hoàn thành công việc được giao như thế nào... Người nào làm tốt cần được cất nhắc, bố trí vào vị trí cao hơn; còn người nào năng lực, trình độ, uy tín không còn phù hợp nữa thì chúng ta kịp thời điều chỉnh. Một trong những việc giúp sự điều chỉnh đó là việc xây dựng quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm như nghị quyết trung ương 4 đã đề ra” - ông Nghị nói.
Không làm được việc thì phải thay Trao đổi với báo chí về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo nghị quyết trung ương 4, ông Phạm Quang Nghị cho biết: - Nghị quyết trung ương 4 đã đề ra nội dung quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể. Trước kia cứ năm năm một lần mới bầu cử theo nhiệm kỳ, bây giờ hằng năm lấy phiếu tín nhiệm, nếu ai không đáp ứng được công việc thì sau hai năm phải thay. Khi chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm thì có thể nói là khó đánh giá cán bộ, người này bảo tốt nhưng người kia lại bảo không. Nếu như nhiều người cùng đánh giá về một người thì khách quan hơn, dù ai đó có muốn né tránh không muốn bị đánh giá và không tham gia quá trình đánh giá đó thì lần này cũng sẽ phải bị đánh giá và được đánh giá. Cho nên đây là một trong những điểm rất mới của nghị quyết trung ương 4. Theo đó, không chờ sau năm năm bầu cử mới thay thế cán bộ, mà có thể chỉ sau hai năm. Trong trường hợp mới một năm mà tín nhiệm quá thấp, không làm được việc thì cũng phải thay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận