16/04/2021 08:21 GMT+7

'Phải tăng học phí mới đào tạo có chất lượng'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Năm học 2021-2022, nhiều trường đại học bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước. Tương tự, gần như các trường còn lại cũng đều tiếp tục tăng học phí theo lộ trình.

Phải tăng học phí mới đào tạo có chất lượng - Ảnh 1.

Sinh viên nộp học phí làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Khi các trường tự chủ không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, ngưng cấp chi thường xuyên nên việc phải tăng học phí để bù vào các khoản hụt thu là tất yếu. Hiện nay các cơ sở giáo dục xây dựng học phí theo thông tư 14 của Bộ GD-ĐT quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. 

Theo đó, các trường sử dụng ngân sách nhà nước sẽ áp theo định mức do Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không được vượt quá mức trần. Còn các trường thực hiện tự chủ sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành.

Nghị định 86/2015 của Chính phủ đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường đại học tự chủ, Nhà nước quy định mức trần học phí cho mỗi trường. 

Như vậy khi các trường áp dụng cơ chế tự chủ, Nhà nước không cấp chi thường xuyên, lúc đó học phí sẽ phải bù vào một phần. Vì vậy, việc tăng học phí là điều tất yếu, không thể khác được, để nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động đào tạo.

Theo lãnh đạo các trường, học phí mà sinh viên đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn được đầu tư từ các nguồn khác.

Trường ĐH Y dược TP.HCM đã áp dụng mức học phí khóa 2020 tăng lên 30-70 triệu đồng/năm và mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo nhà trường, hiện trường đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên mức học phí cũ sẽ không đủ để tổ chức đào tạo được. 

Lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết thực tế tổng chi phí đào tạo trung bình của trường khoảng 32 triệu đồng/sinh viên/năm, nên trường phải tăng học phí mới đào tạo có chất lượng được.

Thực tế cho thấy các trường tự chủ được thu mức học phí cao đã đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn trước, chất lượng dịch vụ của trường cũng cải thiện. Đặc biệt, với chương trình chất lượng cao có mức thu học phí cao hơn, sinh viên đã được hưởng lợi khác biệt về điều kiện học tập (sĩ số lớp ít, phòng học có máy lạnh, giảng viên giỏi...). Vì vậy, ngày càng có thêm nhiều sinh viên lựa chọn học chương trình chất lượng cao để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Nhìn qua mức học phí của các trường đại học nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều có mức thu học phí "khủng" như Trường ĐH RMIT học phí 2021 các chương trình cử nhân đều trên 300 triệu đồng/năm (tính trên trung bình 8 môn học/năm). Nếu tính toàn khóa học phí từ 901 triệu đồng đến hơn 1,2 tỉ đồng/sinh viên. 

Chương trình cử nhân tại ĐH Fulbright kéo dài 4 năm với học phí 1 năm của năm học 2020-2021 hơn 467 triệu đồng. Dù mức học phí cao như vậy nhưng nhiều phụ huynh cho biết đang phải xếp hàng chờ xét vào học.

Như vậy, với điều kiện kinh tế của người dân hiện nay, dù học phí cao nhưng người học vẫn có thể chi trả được với mức tăng hợp lý. Theo Bộ GD-ĐT, với trường tự chủ, nhà trường phải chứng minh chi phí của mình bỏ ra, mức thu bao nhiêu nhằm bù lại chi phí bỏ ra và công bố toàn bộ chi tiết thông tin này. 

Trong vấn đề tăng học phí, điều người học quan tâm hơn là các trường cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội để đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng tiếp cận đại học của người học.

Không để sinh viên bỏ học vì học phí

Các trường tự chủ khi tăng học phí, ngay trong năm đầu tiên đều trích từ nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Như ĐH Y dược TP.HCM trích 15% tổng thu học phí để hỗ trợ học phí cho sinh viên thực sự khó khăn ngay trong năm đầu tiên.

Trong những năm tiếp theo, không phải tất cả sinh viên diện này hiển nhiên được trường hỗ trợ tiếp mà sẽ được xét trao học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng khác. Sinh viên phải chứng minh thuộc diện nghèo nhưng vượt khó học giỏi mới được nhà trường hỗ trợ. Năm qua không có sinh viên nào của trường này phải bỏ học do khó khăn về học phí.

Học phí tăng không quá 10% Học phí tăng không quá 10%

TTO - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố rất sớm học phí năm 2021 - 2022. Chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên