25/11/2016 12:06 GMT+7

Phải ra khơi với tư thế mới

XUÂN LONG - LÊ THANH
XUÂN LONG - LÊ THANH

TTO - Việt Nam có tiềm năng lớn về tài nguyên, kinh tế biển nhưng chưa nhận dạng hết giá trị tài nguyên biển đang có, mà chủ yếu khai thác vốn có sẵn. Phải ra khơi với tư thế mới, đó là mệnh lệnh.

Những mẻ lưới đầy ắp cá tươi ở ngư trường Trường Sa. Để giàu có từ biển, ngư dân phải được trang bị tốt, đội hình mạnh. Phải ra khơi với tư thế mới, không chỉ ở ngành đánh bắt mà ở toàn lĩnh vực kinh tế biển - Ảnh: TẤN VŨ
Những mẻ lưới đầy ắp cá tươi ở ngư trường Trường Sa. Để giàu có từ biển, ngư dân phải được trang bị tốt, đội hình mạnh. Phải ra khơi với tư thế mới, không chỉ ở ngành đánh bắt mà ở toàn lĩnh vực kinh tế biển - Ảnh: TẤN VŨ

PGS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường biển VN - nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông nói:

- VN có tiềm năng lớn về kinh tế biển. Tôi đã đi 65 quốc gia có biển đảo, điều tôi có thể khẳng định là biển VN rất giàu tiềm năng và rất đẹp. Có thể nói chúng ta có lợi thế tĩnh từ thiên nhiên ban tặng.

Lâu nay chúng ta mới chỉ nói chủ quyền lãnh thổ trên biển, trên các đảo mà ít nhắc đến chủ quyền đối với nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Sau sự cố biển miền Trung, điều cần nhìn nhận là chúng ta bỏ mồ hôi, xương máu giành chủ quyền biển nhưng lại dễ dàng đánh mất nguồn tài nguyên biển

PGS NGUYỄN CHU HỒI

Mới chỉ có nghề cá nhỏ

* Có tiềm năng lớn về kinh tế biển, nhưng nhiều ý kiến cho rằng kinh tế biển vẫn phát triển rời rạc, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, ông nghĩ sao?

- Điều này đúng. Về mức độ khai thác, phát triển kinh tế biển hiện nay, nhìn vào hai chỉ tiêu là GDP từ kinh tế biển và hiệu suất khai thác một đơn vị biển so với những quốc gia có biển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... thì hiệu quả khai thác của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng, tức còn quá thấp.

Một đơn vị biển tính theo không gian ba chiều, tài nguyên biển tính từ bề mặt xuống tầng giữa, khối nước tầng đáy và bề mặt đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, trung bình các nước khai thác được khoảng 130 triệu USD, chúng ta chỉ khai thác được 1 triệu USD.

Ngay cả khi chưa khai thác đúng tiềm năng, những gì khai thác được cũng chưa bền vững. Chúng ta đang phải đối mặt với sự suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên rất rõ. Và sự bất cập từ chính việc phát triển của ngành kinh tế biển này lại làm mất nguồn lợi của ngành khác.

Chúng ta cũng đang phải đối mặt những thách thức quá lớn về các vấn đề môi trường biển. Tài nguyên suy giảm, suy kiệt, còn môi trường biển liên tiếp có sự cố, hiểm họa xảy ra khá thường xuyên.

* Ông nói cách khai thác và phát triển kinh tế biển của VN chưa bền vững, bất cập. Ở đâu và còn những giá trị tài nguyên biển nào bị bỏ ngỏ?

- Với hệ thống tài nguyên biển, người ta gọi đó là hệ thống tài nguyên chia sẻ, là đối tượng của nhiều ngành. Ví như vịnh Hạ Long không chỉ có du lịch, có cả kinh tế thủy hải sản, có cả hàng hải, bảo tồn thiên nhiên... tức là có rất nhiều ngành có thể phát triển kinh tế biển ở đây.

Tuy nhiên lâu nay trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta không xác định hết được giá trị đa dụng mà chỉ ưu tiên 1-2 ngành.

Úc là điển hình của bài học này. 36 năm trước, công viên biển của Úc đã khai thác vùng biển đó, thiết lập công viên biển quốc tế dù ở đó có dầu khí. Họ chưa khai thác dầu khí mà chỉ khai thác những giá trị sinh thái biển, thiết lập công viên biển. Bây giờ lãi ròng hằng năm của họ hàng tỉ USD, đó là cách khai thác khôn khéo và bền vững.

Nhìn lại trong khai thác, chúng ta chú ý nhiều đến tài nguyên vật chất. Với các dạng tài nguyên tái tạo được, nếu không chú ý giữ gìn mà cứ khai thác những cái không tái tạo được thì chính cái tái tạo được cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì thế, dù có tiềm năng nhưng cách xử lý của ta vẫn rất lúng túng. Hay nói đúng hơn là chúng ta không nhận dạng hết giá trị tài nguyên của biển, mà ưu tiên chủ yếu là dạng vật chất, vốn sẵn có. VN chưa thoát khỏi dựa vào tự nhiên. Vì vậy, nếu không có chiến lược dài hạn thì sắp tới sẽ lộ ra nhiều bất ổn. Như VN đứng đầu Đông Nam Á về than mà bây giờ phải nhập than.

Biển nhìn bằng mắt thường không thấy tiềm năng. Nếu không dựa vào khoa học, không dựa vào các bài học khai thác bằng công nghệ và các chiến lược an ninh tài nguyên quốc gia thì kinh tế biển tăng trưởng không có chất lượng.

PGS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường biển VN - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
PGS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường biển VN - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hỗ trợ ngư dân ra khơi với tư thế mới

* Ông từng nói sự hiện diện của ngư dân ở đâu là thể hiện chủ quyền ở đó. Với một quốc gia biển nhưng mới chỉ có nghề cá nhỏ, cần có những thay đổi nào để ngư dân bám biển và có nghề cá lớn, thưa ông?

- Tôi cho rằng phải có hỗ trợ để ngư dân ra khơi với tư thế mới. Ngư dân phải được hỗ trợ để ra biển với bốn chữ “liên”. Liên tục ra biển. Liên tục bám biển. Liên kết trên biển. Liên hoàn trên biển (bằng hàng trăm con tàu). Còn hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc liên kết nhỏ với nhau.

Với vai trò quản lý, Nhà nước phải tạo ra cơ chế chính sách, phân cấp cho họ để họ thấy có quyền để bảo vệ lợi ích của mình. Như hiện nay thì không biết đâu là mô hình cụ thể, đâu là lợi ích của ngư dân khi ra khơi.

* Nhưng muốn có tàu to, có đội hình mạnh ra khơi cần có sự hỗ trợ ra sao từ chính sách?

- Ngư dân khó có thể tự thay cho mình tàu to, mà phải có sự hỗ trợ từ chính sách. Có nước họ tổ chức cho ngư dân ra biển để gắn với kinh tế thì họ xây dựng và hỗ trợ như một “đại quân” ra biển. Còn mình, tôi cho rằng phải tái cấu trúc cả chính sách, mô hình, trang thiết bị. Theo tôi, cần phải thực hiện cả ba giải pháp mang tính đột phá:

Thứ nhất, phải đổi mới tư duy, nhận diện thế mạnh của biển: ngoài tài nguyên vật chất thì còn khai thác được gì nữa? Đó là những giá trị vô định hình, giá trị phi vật thể mà lâu nay chúng ta chưa sờ đến.

Đơn cử như nghề đánh bắt cá ở vịnh Nha Trang: giờ họ muốn chuyển sang nghề cá giải trí, nhưng để giúp được ngư dân thì phải nhận thức nghề cá giải trí như một quyết sách, hướng ưu tiên trong 5-10 năm tới và thay đổi từ nhận thức đến thay đổi cách làm.

Thứ hai, thể chế hóa lại và thể chế ở mức cao, kể cả khu kinh tế ven biển, vì các khu kinh tế ven biển hiện nay vẫn rất rời rạc, manh mún.

Thứ ba, phải có những đòi hỏi công nghệ cao để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào. Và tiếp nữa là vai trò của người dân.

Biển mênh mông với 20 triệu dân có chỗ dựa sinh kế, họ phải tham gia bảo vệ nguồn sinh kế, họ phải là người làm chủ vùng biển, là lực lượng “tai mắt” trên biển để bảo vệ chủ quyền.

Phải rạch ròi cách tính tăng trưởng từ biển

Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, hiện nay chúng ta đánh giá kinh tế biển chung với kinh tế của 28 tỉnh có biển. Vì vậy, nếu nhìn theo đô thị hình cột về tăng trưởng kinh tế biển thì chúng ta tăng cao nhất thế giới.

Ví dụ: Trung Quốc chỉ 11%. Còn chúng ta tới hơn 50% vì tính cả kinh tế của các tỉnh ven biển, mà chưa tách được cái nào do yếu tố biển tạo ra.

Tính như vậy theo PGS Chu Hồi là chưa ổn, do đó chưa làm bật lên được thế mạnh của kinh tế biển đúng tầm vốn có.

Thay đổi việc tổ chức ra biển

* Vậy cần ngay những chính sách, giải pháp nào và có cần một “tổng chỉ huy” trong phát triển kinh tế biển, thưa ông?

- Cái cần ngay thì chúng ta lại chậm, đó là việc điều chỉnh nhanh chiến lược biển đến năm 2020. Chúng ta có chiến lược biển nhưng đó là chiến lược khung, mặc dù đã có đánh giá giữa kỳ về chiến lược biển vào năm 2013 nhưng chúng ta không điều chỉnh nhanh, nhất là vấn đề kinh tế biển.

Cái được từ chiến lược biển là vấn đề nhận thức về biển, đảo, chủ quyền đã được nâng lên và trở thành mối quan tâm, cả nước ai cũng lo lắng đến biển, nói đến biển.

Riêng lực lượng hải quân đã được hiện đại hóa từ năm 2007 đến nay, vượt bậc so với hơn 30 năm trước.

Hay một số lĩnh vực kinh tế biển như dầu khí, du lịch dù có điểm sáng, nhưng dự báo đến năm 2020 VN là quốc gia giàu mạnh về biển thì chưa đạt được khi kinh tế sinh thái, nghề cá giải trí vẫn chưa có, những ngành kinh tế biển không làm mất tài nguyên vẫn chưa xuất hiện.

Hay cuộc sống của người dân ven biển và trên đảo có mức sống tăng gấp hai lần cũng chưa đạt được. Do đó, việc phải làm ngay là hành động thực tiễn, thay đổi tầm nhìn, không đi quá vội nhưng cũng không thể trì trệ.

Phải thay đổi việc tổ chức ra biển, hay nói cách khác là tái cấu trúc lĩnh vực kinh tế biển. Phải ra biển với đội hình khác, tư thế khác của một quốc gia sẵn sàng ra biển lớn.

Kể cả cách khai thác, ra biển vẫn lúng túng, tự phát nên mới chỉ tập trung vào số lượng, còn chất lượng chưa cao. Số lượng tàu thuyền tăng nhưng chỉ là tàu nhỏ, hiệu quả đánh bắt không cao.

XUÂN LONG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên