Theo kế hoạch, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới đây (Quốc hội đã thảo luận một lần).
Trình bày báo cáo, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: “Nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Hiện nay, về tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp. Bởi vì, theo quy định của Hiến pháp thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định công dân có quyền yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin không mật và thông tin đã được giải mật. Tất nhiên, thông tin nào là mật, được bảo mật trong bao nhiêu năm, thì tới đây khi xây dựng luật bảo vệ bí mật nhà nước sẽ được quy định cụ thể.
Không đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải nghiên cứu quy định ngay trong Luật tiếp cận thông tin những loại nào là mật, loại nào không mật.
“Nếu không quy định cụ thể, thì các ông tỉnh, huyện, xã cứ đóng cái dấu mật vào là xong, người dân không thể tiếp cận được, như vậy thì luật này không có ý nghĩa” - ông Hùng nói.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, ngày bầu cử toàn quốc đã được xác định chính thức là ngày chủ nhật 22-5-2016.
Sáng cùng ngày, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp riêng để cho ý kiến về dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và phương hướng nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận