Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh trước giờ xuất quân về mặt trận thực hiện chiến dịch năm 2017 - Ảnh: Q.LINH
Đó là khẳng định của anh Lê Quốc Phong, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, trước câu hỏi: Đoàn sẽ làm gì để khơi được sức mạnh của thanh niên tình nguyện?
Nhân Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần XI khai mạc hôm nay 11-12, Tuổi Trẻ phỏng vấn Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong về vấn đề này.
* Đoàn sẽ làm gì để khơi được thế mạnh của thanh niên trong phong trào tình nguyện, khi xác định đây là chủ lực của hoạt động Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam 5 năm tới?
- Đòi hỏi đặt ra là phải duy trì diện rộng của phong trào, đa dạng loại hình tình nguyện nhưng cũng phải nâng chất phong trào bằng cách thúc đẩy và tạo ra nhiều giá trị mới từ phong trào tình nguyện của thanh niên.
Thực tiễn cho thấy phải được chuẩn bị chu đáo cả về nội dung và cách tổ chức. Các yêu cầu về tính hiệu quả, tính bền vững, tính chuyên nghiệp, tính lan tỏa phải được chú ý qua từng hoạt động.
Chúng tôi mong muốn vận động mỗi thanh niên tham gia ít nhất hai hoạt động tình nguyện trong năm, đồng thời duy trì hiệu quả các chương trình, chiến dịch tình nguyện hiện có. Tình nguyện sẽ luôn là nội dung trọng tâm để tập hợp, phát huy thanh niên.
Chúng tôi dự kiến triển khai các chương trình tình nguyện với thời lượng hợp lý cho lực lượng trí thức trẻ trong và ngoài nước gắn với hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các vùng khó khăn.
* Với những kết quả đạt được trong phong trào tình nguyện thời gian qua, theo anh, điều gì cần khắc phục để tình nguyện tạo dấu ấn đậm nét hơn nữa trong xã hội?
- Rất nhiều công trình đã để lại dấu ấn, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn của đất nước. Các công trình cầu - đường giao thông nông thôn, nhà cho đồng bào khó khăn, nhà tránh lũ, trường lớp, nhà bán trú dân nuôi, chuyển nước về vùng hạn hán, công trình nước sạch, trồng rừng, biến bãi rác thành vườn hoa... đều rất thiết thực. Tôi nghĩ những kết quả này phải được phát huy.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói vẫn còn những đội hình thiếu sự chuẩn bị chu đáo về nội dung và nguồn lực, chưa chú trọng tập huấn tình nguyện viên, phối hợp giữa lực lượng tình nguyện với thanh niên, người dân tại chỗ chưa hiệu quả nên tính bền vững ở một số công trình chưa cao. Đây chính là những vấn đề cần khắc phục trong hoạt động tình nguyện sắp tới.
Các chiến sĩ Mùa hè xanh Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chung sức tạo nên nhiều công trình dân sinh góp phần hiệu quả cùng xây dựng nông thôn mới tại huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Q.LINH
* Nhiều nhóm bạn trẻ, câu lạc bộ có những hoạt động tình nguyện phong phú, song lại chưa đứng chung "sân chơi" với Đoàn. Tổ chức Đoàn có nên giữ vai trò "nhạc trưởng" phong trào tình nguyện trong giới trẻ hiện nay?
- Tôi nghĩ nhiều nhóm bạn trẻ chủ động tổ chức các hoạt động tình nguyện là tín hiệu vui, đáng khuyến khích. Mỗi hoạt động tình nguyện đúng nghĩa đều đáng trân trọng, đều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, là sự trải nghiệm đáng quý, môi trường tốt giúp các bạn trẻ rèn luyện.
Tôi tin sự phát triển của các nhóm tình nguyện như thế ít nhiều có cảm hứng, lan tỏa từ phong trào thanh niên tình nguyện do Đoàn phát động thời gian qua.
Đoàn vẫn giữ vai trò chủ đạo trong triển khai phong trào thanh niên tình nguyện với những hoạt động được chuẩn bị nghiêm túc, hướng đến chuyên nghiệp, trở thành hạt nhân dẫn dắt hoạt động tình nguyện của thanh niên.
Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, mà mỗi tổ chức Đoàn, đặc biệt cấp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ khi các bạn, nhóm thanh niên có nhu cầu tổ chức các hoạt động tình nguyện.
Khi có ý tưởng, nguồn lực, cần chia sẻ, hỗ trợ, các bạn hãy đến với tổ chức Đoàn - Hội gần bạn nhất, và ngược lại, Đoàn sẽ chủ động tiếp cận để đồng hành với các bạn.
* Khó phủ nhận với sự chuyển động nhanh của xã hội và tình hình thanh niên, Đoàn đã không còn là lựa chọn duy nhất của người trẻ. Lời giải nào cho bài toán về sức lan tỏa của Đoàn hiện nay, thưa anh?
- Xã hội phát triển, nhu cầu, điều kiện sinh hoạt, học tập của thanh niên có nhiều biến đổi. Chúng tôi có nhiều phương thức và môi trường để thanh niên tham gia. Hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên và các hội thành viên rất đa dạng. Hệ thống văn hóa của Đoàn - Hội luôn nỗ lực đổi mới để thu hút thanh niên. Chỉ khi Đoàn đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của thanh niên, thanh niên sẽ đến với Đoàn.
Trong hành trình làm bạn, Đoàn luôn lắng nghe, tiếp cận thanh niên bằng nhiều kênh, nhiều cách, tự điều chỉnh, đổi mới hoạt động của Đoàn để thu hút thanh niên tham gia.
Tình nguyện dài hạn, tránh "mùa vụ"
Bà Trần Thị Kim Chung (trợ lý Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam):
Làm thế nào để Đoàn huy động được đông đảo tình nguyện viên nhưng không phải là tổ chức chiến dịch tình nguyện "mùa vụ" mà phải làm chuyên nghiệp?
Ở tổ chức tình nguyện quốc tế hay Liên Hiệp Quốc, muốn đi làm tình nguyện phải có bằng cấp, có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bạn đi làm tình nguyện. Nếu chỉ 1-2 tuần rảnh rỗi mới đi làm tình nguyện, hiệu quả của hoạt động tình nguyện sơ sài và không đi vào chiều sâu.
Đoàn thanh niên cần phát huy vai trò quản lý, định hướng, thu hút hoạt động tình nguyện, kết nối tất cả các hội, nhóm hoạt động dưới khuôn khổ của Đoàn.
Bên cạnh đó tổ chức nhiều hơn nữa các khóa tập huấn để tình nguyện viên hiểu được cách thức, thủ tục tình nguyện... thì sức lan tỏa sẽ rộng khắp và kết quả sẽ được ghi nhận.
TS Huỳnh Văn Chẩn (trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM):
Vấn đề đặt ra là phải luôn đồng hành với các bạn trẻ. Không phải là chúng ta bắt các bạn phải làm thế này, làm thế khác, ép suy nghĩ của mình vào các bạn. Nên lấy kinh nghiệm của mình để giúp các bạn biết nên làm gì, không nên làm gì. Còn việc làm thế nào, tổ chức ra sao để các bạn thoải mái.
Ngoài ra, cần quan tâm đến việc truyền lửa, huấn luyện cho các cán bộ Đoàn ở nhiều hoạt động, trong đó có công tác tình nguyện. Người cán bộ Đoàn mà thiếu lửa, đi làm tình nguyện "cho có" thì làm sao đoàn viên thanh niên cảm thấy hào hứng tham gia.
Nguyễn Hoàng Thảo My (lớp luật hành chính K41, khoa phát triển nông thôn ĐH Cần Thơ):
Một số hoạt động tình nguyện do các cấp cơ sở tổ chức còn mang tính hình thức, làm theo kiểu "đến hẹn lại lên", năm nào cũng như năm nào, thiếu đổi mới. Khâu tổ chức không trẻ trung, năng động và sáng tạo nên không đúng "gu" của bạn trẻ, khó tập hợp được thanh niên.
Do đó, theo mình, mỗi khi lên kế hoạch tổ chức một hoạt động tình nguyện, các cán bộ Đoàn cần nắm được thế mạnh của đoàn viên, thanh niên đơn vị mình, hiểu được nhu cầu, nguyện vọng tham gia tình nguyện của họ, phải xác định được chương trình mình dự định tổ chức có ý nghĩa như thế nào, hiệu quả không, địa điểm mình tổ chức có cần những điều mình sẽ làm hay không.
Nguyễn Thị Thảo Trang (lớp 12V Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp):
Các bạn trẻ rất muốn có cơ hội được thể hiện bản thân, chứng tỏ sức trẻ và sự nhiệt huyết của họ sẽ góp phần mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Các hoạt động tình nguyện cũng vậy, nên tạo điều kiện cho người tham gia là các bạn trẻ được thể hiện mình, hãy để cho bạn trẻ được làm những gì mình thích.
Phải làm sao để các bạn cảm nhận được là hoạt động tình nguyện "của mình" chứ không chỉ là vai trò người tham gia nữa. Khi đó các bạn sẽ cố gắng hết mình để cùng giúp hoạt động đạt hiệu quả như mong muốn, sẽ đóng góp những ý tưởng sáng tạo để các hoạt động thêm hấp dẫn.
HÀ THANH - MẠNH KHANG - VŨ THỦY ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận