26/10/2020 18:15 GMT+7

Phải loại trừ phe nhóm, giảm lệ thuộc kinh tế vào nước ngoài

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đây là đề xuất của thiếu tướng Võ Sở, chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tại Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 26-10.

Phải loại trừ phe nhóm, giảm lệ thuộc kinh tế vào nước ngoài - Ảnh 1.

Thiếu tướng Võ Sở - Ảnh: QUANG VINH

Ngày 26-10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của MTTQ VN vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

"Dự thảo văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước" - Chủ tịch MTTQ VN Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Mẫn cho biết dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII có nhiều điểm mới bên cạnh sự kế thừa các nhiệm kỳ trước, cụ thể trước đây viết là "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh" thì dự thảo lần này mở rộng là "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

Đóng góp ý kiến, chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, thiếu tướng Võ Sở nhận xét rằng nhiệm kỳ vừa qua công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng chính quyền tiếp tục được hoàn thiện nhưng hiện tượng cán bộ, công chức vi phạm còn nhiều, điển hình các vụ việc dẫn đến phải xử lý lãnh đạo tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng…

Thực tế nêu trên đòi hỏi phải nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy, đặc biệt là vai trò nêu gương của Ban Chấp hành trung ương, của lãnh đạo chủ chốt, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu cấp ủy các cấp.

"Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ khỏi tổ chức Đảng những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình công tác có biểu hiện xấu. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng" - ông Võ Sở nêu kiến nghị.

Trong kinh tế, ông Sở cho rằng cơ cấu kinh tế của Việt nam chưa hợp lý, chưa xây dựng thành công ngành công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ, vẫn chủ yếu là gia công cho nước ngoài và phụ thuộc vào họ.

Thu hút vốn FDI tuy tốt nhưng người lao động chủ yếu đi làm thuê, doanh nghiệp nước ngoài không chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Trong khi đó, nền tảng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ vẫn chưa thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đó, thiếu tướng Võ Sở đề nghị định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài.

Đồng thời cần quan tâm đến việc nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số.

'Trong nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số thì phải có công dân số'

"Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực nhưng lại không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào" - GS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nhận xét.

Ông nhấn mạnh trong nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số… thì yêu cầu đặt ra phải có công dân số, có nghĩa từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số.

Cũng đề cập đến khía cạnh con người, phó trưởng Ban tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm dẫn số liệu điều tra từ năm 2019 cho thấy công nhân lao động có trình độ tiểu học, trung học cơ sở chiếm tới hơn 30%.

Trình độ tay nghề của công nhân, bậc thợ (từ bậc 4 đến bậc 7) còn rất khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, hiếm. Trong 5 năm qua, tỉ lệ công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm chưa được 10%.

"Hiện nay công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng trong thực tế phần lớn làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần, đây là điều rất bức xúc, làm sao công nhân có thời gian để học tập?" - ông Tiêm nói.

Vị đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết "đang đấu tranh để thời gian tới công nhân chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần, có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tham gia học tập… Đấy mới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới".

Văn kiện Đại hội Đảng XIII có những điểm gì mới? Văn kiện Đại hội Đảng XIII có những điểm gì mới?

TTO - Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS NGUYỄN VIẾT THÔNG - tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận trung ương - về những điểm mới của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên