Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM đang hình thành - Ảnh: Quang Định |
* Ông Phan Chánh Dưỡng (nguyên tổng giám đốc Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận):
Nhận diện và định vị khát vọng từ dân
Chính đời sống xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp mới là nơi nhanh nhạy nhất với các vấn đề phát sinh.
Mọi khó khăn, mọi cơ hội, mọi sáng kiến, mọi lối thoát đều sẽ bật ra từ cuộc sống. Nếu không lấy tin từ trong dân, tất cả thông tin nhận được đều chỉ là nguồn tin thứ cấp.
Do vậy, lãnh đạo TP cần xây dựng được đội ngũ để nắm bắt thông tin trong dân - đội ngũ đó phải là một bộ lọc cực tốt để nắm bắt nhanh nhất, phản ảnh sớm nhất nhằm giúp lãnh đạo TP có quyết sách đúng đắn nhất.
Khát vọng phát triển là khát vọng chính đáng có thật. Nhưng mỗi người với điều kiện và vị trí của mình sẽ có những khát vọng khác nhau.
Với người nghèo khổ, vô gia cư - họ sẽ chỉ mơ ngày được bữa cơm no, đêm có chỗ ngủ không bị ướt.
Với người giàu, người có địa vị hay điều kiện - giấc mơ sẽ khác. Nhưng điểm chung của những giấc mơ đó nằm ở chỗ: ngày mai phải tốt đẹp hơn ngày hôm nay.
Tôi đi nhiều nước trên thế giới, có nơi tôi thấy người nghèo ở đó liệt mọi ý chí phấn đấu. Ở ta, người nghèo vẫn còn khát vọng, vẫn còn cảm thấy bực bội, khó chịu và tìm nhiều cách để bớt khổ, bớt nghèo. Còn khát vọng là còn có cơ hội để tạo ra sự thay đổi.
Là nhà quản lý, phải nhận diện, định vị tất cả những khát vọng của mọi tầng lớp trong xã hội, phân loại và tùy vào nguồn lực, vào điều kiện ở từng giai đoạn cụ thể để có kế hoạch thực hiện từng phần: cái nào ưu tiên trước, cái nào là về lâu về dài. Đó phải là sự tính toán thật nghiêm túc, có tầm nhìn chiến lược.
* Ông Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam):
Chọn việc để làm ngay
Tôi xin đề xuất chiến lược TP có thể làm ngay mà không cần chờ Nhà nước, không chờ trung ương cho cơ chế. Đó là tập trung phát triển du lịch, lấy đó làm điểm nhấn để thúc đẩy thương mại, dịch vụ hiệu quả cao.
Một khi du lịch phát triển, du khách đến càng đông, người nước ngoài sang càng nhiều thì môi trường của chúng ta cũng phải cải thiện.
TP phải xác định: cái gì không hiện đại thì không làm, còn cái gì truyền thống, nhân văn thì giữ lại. Chuyện an ninh, an toàn cho TP là cái có thể làm ngay, không tốn tiền, không phải xin phép.
Tại sao không giao cho tổ chức Đoàn thanh niên chịu trách nhiệm về việc giữ vệ sinh môi trường cho TP, phát động giới trẻ TP học ngoại ngữ, mở mang kiến thức? Đó mới là những phong trào thiết thực cho quá trình thay đổi diện mạo của TP.
Tôi đề nghị Trường Cán bộ TP hãy mở lớp dạy cho cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở có chung cảm xúc: phục vụ người dân và doanh nghiệp là việc họ cần làm chứ không phải ôm giữ khư khư các quy định.
* Luật sư Trương Trọng Nghĩa:
Làm rõ khái niệm “TP đáng sống”
Lâu nay, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung mắc phải một số căn bệnh trầm kha mà hiện chưa thấy có thuốc chữa hiệu nghiệm.
Đó là bệnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” - chủ trương chính sách nghe thì hay, người dân, doanh nghiệp gặp lãnh đạo thì phấn khởi nhưng xuống tới cấp cơ sở đụng cán bộ cấp dưới thì ngán ngẩm với cách thực hiện.
Bệnh “đánh trống bỏ dùi” trong thực hiện nhiều chủ trương - ban đầu rất hào hứng nhưng sau lụi dần mà không rõ nguyên nhân, “bệnh đầu voi đuôi chuột” - nhiều việc ban đầu làm rất tốt nhưng thiếu chăm chút khiến tác dụng mất dần đi. Để TP phát triển thì phải quyết chữa cho được bệnh này.
Ngoài các tiêu chí hữu hình về vật chất thì khái niệm “đáng sống” còn có cả những tiêu chí vô hình. Cái này còn quan trọng hơn vật chất.
Tôi cho rằng một TP đáng sống phải có trật tự, có an toàn, xanh, sạch, mọi người đối xử với nhau có tình có nghĩa, có trên có dưới. TP nên minh định, làm rõ khái niệm “đáng sống” này theo từng tiêu chí để có giải pháp phù hợp.
* Ông Nguyễn Ngọc Bảo (phó Ban Kinh tế trung ương): Cơ chế tốt cũng là nguồn lực Điều chỉnh quy hoạch đến năm 2035 và xa hơn - đó là vấn đề có tính nền tảng để TP.HCM có thể đi xa hơn trong điều kiện hội nhập. Quy hoạch cho 20-30 năm tới, thậm chí xa hơn, TP phải nghĩ đến ngay từ bây giờ. Cần đề xuất trung ương cho TP những cơ chế vượt trội để thật sự là đầu tàu và động lực tăng trưởng cho các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đó là những cơ chế chính sách để phân bổ nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển: đất, nước, tài nguyên, nhà xưởng..., thậm chí cơ chế tốt cũng là nguồn lực để phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và khoa học công nghệ phải là yếu tố quốc sách tạo nên chất lượng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn chúng ta sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số thì khoa học công nghệ phải là động lực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận