Theo bạn đọc Nhất Nguyên, xung quanh câu chuyện giá vé máy bay nội địa tăng cao, những lý do mà Cục Hàng không và Bộ Tài chính đưa ra để biện hộ là không thể chấp nhận.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này.
Giá nhiên liệu giảm, vé máy bay vẫn chưa chịu xuống?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2024 của Vietnam Airlines cho thấy hãng lãi hơn 4.400 tỉ đồng. Vietjet Air cũng báo cáo lợi nhuận sau thuế của quý 1-2024 đạt hơn 539 tỉ đồng, trong đó có phần không nhỏ đến từ hoạt động bay.
Các hãng bay luôn lấy lý do tỉ giá ngoại, phí xăng dầu tăng, phí vận hành tăng nên phải nương theo mà tăng giá.
Thậm chí còn kết luận rằng: một phần giá cao do hành khách mua vé vào phút cuối!
Không rõ kết luận này dựa trên dữ liệu nào. Thực tế nhiều khách mua vé từ sớm, mà như nhiều bài báo đã đề cập, sau khi cộng thuế phí vào thì giá vẫn cao.
Còn nếu cho rằng tăng giá theo biến động tỉ giá, theo giá xăng dầu thế giới thì ngạc nhiên thay, báo cáo tài chính năm 2023 - 2024 của Singapore Airlines gần đây cho thấy giá nhiên liệu giảm gần 2% so với năm tài chính trước đó.
Và khi giá xăng giảm, hay tỉ giá thấp hơn, các hãng có giảm giá vé tương ứng không?
Thuế, phí bủa vây
Điều khiến dư luận, mà đặc biệt là hành khách bay nội địa không ngừng bức xúc chính là "ma trận" thuế, phí bủa vây.
Trả lời báo chí, Bộ Tài chính cho rằng các khoản thuế phí hiện nay hành khách đang trả, trừ VAT, còn lại đều không nằm trong Luật Phí và lệ phí, không nộp về ngân sách nhà nước, mà các khoản đó thuộc về dịch vụ hàng không, thu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Nếu chỉ lấy VAT trên giá vé gốc rồi cho rằng thuế phí hiện nay chiếm một tỉ lệ rất nhỏ là không đúng. Thực tế, thuế phí các loại đang chiếm xấp xỉ 30% tổng giá vé. Trong đó có những khoản như "phí quản trị hệ thống" lên đến gần 500.000 đồng/lượt khách. Như Tuổi Trẻ Online thông tin, phí này liên tục tăng.
Đối chiếu theo thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải, phí này không nằm trong bất kỳ khoản thu nào do Nhà nước quy định. Vậy các hãng dựa trên văn bản nào, điều luật nào để thu phí này?
Phí được tính như thế nào mà mỗi hãng mỗi khác, lại tăng liên tục trong các năm?
Nếu cho rằng đây là phí để duy trì hệ thống đặt vé, theo dõi dữ liệu, hành trình của hành khách thì điều này là bất hợp lý. Bởi ai cũng biết, chuyện bán vé, quản trị dữ liệu hành khách là việc vận hành của hãng.
Hãng bay đã có chi phí vận hành để đầu tư, đã tính tiền vé của hành khách, nay lại bắt khách phải chịu chi phí cho mình duy trì website, phòng vé?
Hay như một hãng giá rẻ khác còn có "phí dịch vụ hành khách" áp dụng khi thanh toán bằng bất cứ hình thức nào (trừ thanh toán qua ví điện tử do hãng sở hữu), bao gồm cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.
Điều này là trái với thông tư 19/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó nghiêm cấm việc tính thêm bất kỳ loại phí nào khi khách dùng thẻ để thanh toán.
Việc thu thêm những loại "phí lạ" như kể trên các cơ quan chức năng có nắm không? Các loại phí này có vi phạm quy định nào không?
Dư luận rất cần một kết luận hợp tình hợp lý từ phía các cơ quan khác, mà không phải từ Cục Hàng không.
Khách mua vé đi máy bay có quyền được yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ phải công khai, minh bạch. Nếu khoản này không có trong quy định cần phải bỏ ngay lập tức.
Và cũng có mong muốn các cơ quan chức năng dừng đá bóng qua lại, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, khoản nào chưa phù hợp, có thể giảm được thì nhanh chóng giảm để hạ nhiệt giá vé máy bay nội địa.
Sao bắt khách hàng phải chịu thay mình?
Các cơ quan chức năng cần làm rõ hai câu hỏi: 1- Phí quản trị hệ thống này được tính dựa trên nguyên tắc nào? 2- Văn bản hay cơ quan nào đứng ra cho phép các hãng thu khoản này?
Tôi cũng có công ty làm web bán hàng qua mạng, cũng quản trị dữ liệu khách hàng. Nhưng tôi không bao giờ phụ thu phí này bởi việc đầu tư trang web.
Bảo mật dữ liệu là việc đương nhiên phải làm, là chi phí vận hành đương nhiên phải có nếu muốn duy trì lợi thế cạnh tranh, sao bắt khách hàng phải chịu thay mình?
Bạn đọc Minh Đức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận