18/07/2014 06:45 GMT+7

Phải làm nhiều hơn để khẳng định chủ quyền

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Độc giả đã theo dõi rất sát tình hình thời sự, tìm hiểu rất nhiều về các bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Họ muốn hiểu biết nhiều hơn nữa và cũng muốn nhiều người biết hơn nữa...”.

MukIE8tY.jpgPhóng to
TS Nguyễn Nhã (phải) trao đổi bên lề giao lưu trực tuyến với chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm

Các vị khách mời của buổi giao lưu trực tuyến “Sự thật không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa” trên sáng 17-7 đều thống nhất như vậy.

Cần dịch tư liệu ra nhiều ngôn ngữ khác nhau

"Từ thời chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời chiến tranh đến lúc thống nhất, Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền với Hoàng Sa - Trường Sa và điều này có rất nhiều bằng chứng, tài liệu từ chính sử, sách địa chí, điển chế, châu bản và thực tế chứng minh. Còn phía Trung Quốc, các chứng cứ đều mang tính suy diễn, không có thật trong lịch sử"

Tiến sĩNGUYỄN NHÃ

Lướt qua những câu hỏi của độc giả là đủ thấy điều đó: Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 có nội dung nào liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa? Dữ liệu nào là quan trọng nhất trong hồ sơ pháp lý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam? Giá trị khoa học của chuyến khảo sát Hoàng Sa của Viện Hải dương học Nha Trang năm 1926?...

Đào sâu thêm những kiến thức, củng cố những dữ liệu và những yêu cầu của độc giả gửi gắm qua các câu hỏi vừa sát thực lại vừa vô tận: Khi nào chúng ta có thể dịch các tư liệu chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa ra nhiều thứ tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan...? Đến nay bưu chính Việt Nam mới chỉ phát hành một bộ tem về Hoàng Sa - Trường Sa, chúng ta có nên tác động để có thêm nhiều bộ tem nữa? Tư liệu về biển Đông và hai quần đảo thời Tây Sơn chưa được nhắc nhiều, các nhà nghiên cứu cần mở rộng hơn với đề tài này...

Vừa trả lời các câu hỏi, các chuyên gia về biển Đông vừa nhắc nhớ những kỷ niệm đôi khi là không vui trong đời nghiên cứu chủ quyền biển đảo. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhắc đến một ngày cách nay đã 40 năm, khi nhóm nghiên cứu còn rất trẻ của ông ở ĐH Sư phạm Sài Gòn ra mắt cuốn Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa ngay sau sự kiện Trung Quốc tấn công và chiếm đóng Hoàng Sa. “Chúng tôi đã ôm nhau khóc ròng” - ông bồi hồi nhắc.

Cuốn đặc khảo ngày ấy giờ vẫn được ông gìn giữ như một vật quý nhất trong đời mình và còn vui hơn nữa khi báo tin đến độc giả: “Sắp tới, tập sách này sẽ được bổ sung và tái bản”. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đến bắt tay ông: “Chúc mừng tập sách và chúc mừng tác giả đã không còn phải đơn độc trên con đường nghiên cứu chủ quyền biển đảo nữa”.

“Vâng, hôm nay tôi không còn đơn độc” - tiến sĩ Nguyễn Nhã gật đầu, nhắc lại câu nói rất có ý nghĩa với ông mà không phải ai cũng hiểu.

Những bằng chứng không thể chối cãi

Có mặt trong phòng trực tuyến, theo dõi cuộc giao lưu của các khách mời, ông Phạm Văn Trung, một độc giả, lật đi lật lại mãi những cuốn sách mang dày chứng cứ chủ quyền biển đảo Việt Nam, xúc động thổ lộ: “Tôi xin được góp vài lời tâm sự rất thật lòng. Nay tôi 80 tuổi, từng là một chuyên viên cấp bộ, khi đọc những tập sách này tôi cảm thấy xấu hổ vì mình từng “lơ mơ” về chủ quyền biển đảo của nước mình. Tôi nghĩ cũng không ít cán bộ đương thời hiện nay như tôi. Từ khi có những sự kiện nóng bỏng ngoài biển Đông xảy ra, tôi mới thấy các dữ liệu về chủ quyền được nói tới nhiều. Sau này để tâm tìm hiểu, biết ra thì thấy đau, thấy xót, một phần vì đảo đã mất, phần lớn hơn vì chính sự không hiểu, không biết của mình. Đọc những bằng chứng từ cổ chí kim này, tôi nghĩ khó có ai chối cãi được”.

Ở cương vị của mình ở Bộ Vật tư những năm 1980, 1990, ông Trung đã đến Trung Quốc rất nhiều lần và có nhiều người bạn rất thân ở đó. Hôm nay, ông nhắc lại lời dặn của một người bạn ấy: “Cẩn thận nhé, chính tôi là người Trung Quốc cũng không hiểu được Trung Quốc đâu”. Ông lại cầm mấy cuốn sách lên, nhắc đi nhắc lại: “Trung Quốc có nhiều người rất tốt. Nếu những bằng chứng, tài liệu này của chúng ta đi vào thực tế nhiều hơn, đến tay được nhiều người Việt, người Trung Quốc hơn thì sẽ giá trị đến mực nào”.

Chỉ chọn được gần 30 câu hỏi để trả lời trong hơn 200 câu hỏi của độc giả gửi đến, rất nhiều câu hỏi mà các chuyên gia biển Đông hôm nay đã nhờ báo chí chuyển đến các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng: Tại sao Việt Nam chưa làm hồ sơ gửi UNESCO xin công nhận lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hóa?...

Khẳng định sự quản lý liên tục và toàn diện của Việt Nam với Trường Sa

Sáng 17-7 tại TP Nha Trang, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa công bố xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia cho hai di tích lịch sử tại tỉnh Khánh Hòa là địa điểm lưu niệm tàu không số C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) và bia chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện. Với di tích bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn) được Việt Nam cộng hòa xây dựng năm 1956, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định đó là “những bằng chứng lịch sử quan trọng vì ở đó đã khắc ghi cụ thể việc quản lý liên tục và toàn diện của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên