Phóng to |
SGK Tiếng Việt lớp 4 - tập 2, trang 51 (NXB Giáo Dục - 2005) vẫn dùng từ “ngọt sắc” |
Theo tôi, nhà văn Vũ Bằng đã sử dụng rất tinh tế và chính xác từ “ngọt sắt” để nói về đặc sản trái vải Hải Dương trong bài “Trái vải tiến vua”.
Quê tôi ở miền Trung. Hồi nhỏ, món tôi cực kỳ khoái là cá trích kho. Cá mua về rửa sạch ướp muối, nước mắm, hành tăm kèm vài muỗng mật mía. Dụng cụ kho thường là cái nồi đất. Khi phụ mẹ nấu, mẹ luôn dặn nhớ chú ý giữ lửa nhỏ, liu riu để cá chín từ từ mà không bị khét. Lâu lâu tôi lại sốt ruột mở vung ra hỏi: “Thế này được chưa hả mẹ?”. Mặc dù nồi cá đã bốc mùi thơm ngào ngạt nhưng mẹ tôi vẫn thong thả: “Chưa đâu. Muốn con cá cứng, thấm thịt thì con phải rim cho đến khi nước trong nồi sắt lại thì mới được, con ạ”. Cá trích kho theo kiểu của mẹ tôi thật tuyệt cú mèo. Thịt cá vừa săn, thơm, vừa đủ vị mặn, ngọt, béo, bùi, ăn cơm bao nhiêu cũng không đủ, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét.
Còn về mùa hè quê tôi nóng kinh khủng, mấy cây nhãn cổ thụ trong vườn trái trổ từng chùm. Tôi và thằng bạn hàng xóm thường leo lên hái ăn. Thỉnh thoảng, nó giơ chùm nhãn kêu lên: “Trái của tao ngọt sắt đi, mày ơi”. Cái vị ngọt mà chúng tôi cảm nhận khi ấy giống như cái vị ngọt của mật được cô lại bởi cái nắng nóng kinh khủng của miền Trung. Cho nên khi Vũ Bằng dùng từ “ngọt sắt” để đặc tả về trái vải Hải Dương, tôi hiểu ngay tắp lự.
Giờ nói là “ngọt sắc” nghe sao ngờ ngợ. Có ý kiến cho rằng “ngọt sắc” là bởi xuất phát từ “sắc thuốc”, vì sắc thuốc là làm cho nước thuốc cô lại. Tôi thấy ý này hơi gán ghép vì để làm cho một vật chất cô lại thì đâu chỉ có sắc (thuốc), mà có thể còn nhiều cách khác nữa như rim, nấu, chế biến, phơi nắng… Nếu theo ý trên thì chẳng lẽ ta sẽ phải có các loại ngọt: “ngọt rim”, “ngọt nấu”, ngọt chế biến, “ngọt phơi nắng”, “ngọt cô lại”…?
Mặt khác, theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Văn Hóa Sài Gòn, năm 2005), một trong những nghĩa của từ “sắt” là “Khô cứng và rắn chắc lại: cá kho cho sắt lại ăn mới ngon, da thịt sắt lại vì mưa nắng”. Nếu là “sắc” thì chẳng lẽ phải viết là “Cá kho cho sắc lại ăn mới ngon”, “Da thịt sắc lại vì mưa nắng” nghe nó sao sao ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận