23/05/2012 07:02 GMT+7

Phải kiên trì dẹp "cò" bệnh viện

QUỐC NGỌC ghi
QUỐC NGỌC ghi

TT - “Cò” bệnh viện không phải là chuyện mới đây, từ thời tôi làm giám đốc sở đã tồn tại. Việc bệnh nhân đến bệnh viện, nhất là người dân các tỉnh, phải trả một khoản tiền vô lý để khám chữa bệnh.

Tôi cho đây cũng là một vấn đề nhức nhối của ngành y tế.

Pc0eFRbm.jpgPhóng to
“Cò” Hùng “chín ngón” tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Ai cũng thấy tình trạng quá tải tại các bệnh viện đã gây ra vấn nạn “cò”. Nhưng đó chỉ là một phần nguyên nhân. Để giải quyết cần xem xét nhiều khía cạnh khác nữa.

Đầu tiên, theo tôi, lãnh đạo nào mà chẳng biết bệnh viện mình có “cò” hay không! Vấn đề là bản thân người làm y tế, từ lãnh đạo cho đến nhân viên các bệnh viện, có muốn giải quyết vấn đề này hay không mà thôi. Lãnh đạo bệnh viện bằng mọi cách phải quản lý, chấn chỉnh nội bộ từ bảo vệ, hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ và các quy trình đến nơi đến chốn. Kế đến, lương tâm của người làm ngành y mà đi “móc nối” như báo chí đã nêu là không thể chấp nhận. Lãnh đạo bệnh viện cần cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm sao cho đủ sức răn đe.

Thứ hai, đối với những người trong ngành và cơ sở y tế tư nhân có dùng “cò” để lôi kéo bệnh nhân ra bên ngoài thì chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước phải biết, phải thanh tra, kiểm tra, xử lý những cá nhân và cơ sở này.

Thứ ba, Sở Y tế TP, phòng y tế các quận huyện và chính quyền địa phương phải nắm rõ tình hình trong phạm vi quản lý của mình có hiện tượng “cò” để hợp lực xử lý, giải quyết với bệnh viện. Để dẹp “cò” phải làm kiên trì và làm liên tục. Tránh tình trạng hễ cứ làm mạnh tay thì “cò” rút đi một thời gian, khi các cơ quan chức năng lơi đi thì “cò” lại hoạt động rầm rộ.

Cuối cùng, phải có hướng dẫn thật nhiều, thật rõ ràng để người mới đi khám bệnh lần đầu, người dân các tỉnh tránh không qua trung gian “cò” khi đi khám chữa bệnh.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt (phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM):

Mạnh tay nếu nhân viên vi phạm

Tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi không phát phiếu số thứ tự, mà đóng hẳn con dấu in số thứ tự lên luôn tờ đăng ký khám bệnh ban đầu với bệnh nhân mới. Đầu số thứ tự và màu mực con dấu thay đổi mỗi ngày. Tờ đăng ký phải có đầy đủ tên họ, năm sinh, địa chỉ. Người tái khám chỉ cần đọc mã số cho nhân viên tiếp nhận để lấy số thứ tự. Bệnh viện cương quyết không khám cho những trường hợp bị phát hiện dùng số của “cò”. Đồng thời bảo vệ bệnh viện thường xuyên tuần tra, các khuôn mặt quen thuộc làm “cò” sẽ được mời ra khỏi bệnh viện. Loa phát thanh cũng hoạt động liên tục kêu gọi không nghe lời “cò”. Bệnh viện sẽ hết sức mạnh tay nếu phát hiện nhân viên mình vi phạm hay bị bệnh nhân tố cáo tiếp tay với “cò”.

78 ý kiến phản hồi bài (Tuổi Trẻ ngày 21 và 22-5) đã bày tỏ bất bình trước tình trạng “cò” lộng hành tại các bệnh viện với sự tiếp tay của bác sĩ, nhân viên bệnh viện, đồng thời đòi hỏi phải sớm dẹp bỏ tình trạng này.

* Đề nghị đuổi việc ngay những nhân viên và cán bộ có hành vi liên kết với “cò” ở bệnh viện. Như vậy mới làm gương và răn đe cho những người khác chứ cứ kiểm điểm, cảnh cáo thì cứ như bệnh bị lờn thuốc.

* Tôi đề nghị cơ quan công an nên vào cuộc để bắt quả tang một vài trường hợp và xử lý thật nghiêm giúp các bệnh viện giảm vấn nạn này. Còn trường hợp như báo đã phát hiện và có tên cụ thể, nếu lãnh đạo các bệnh viện này không xử lý thật nghiêm thì có thể coi như đây là hành động làm ngơ, tiếp tay cho nạn “cò” lộng hành tại các bệnh viện. Có nhiều việc (như nạn “cò” tại các bệnh viện) nếu nhìn thấy có vẻ nhỏ và đôi khi các cơ quan chức năng không mấy quan tâm, nhưng chính từ những việc nhỏ này dẫn đến sự bất bình trong xã hội, làm giảm lòng tin của người dân. Do vậy đừng để những hiện tượng tồi tệ như thế này tiếp tục tồn tại nữa. Phải bắt sạch những “con sâu” là các bác sĩ hay nhân viên trong bệnh viện bắt tay với “cò“, việc này ban giám đốc các bệnh viện không thể nói là không làm được.

* ”Cò” bệnh viện hay ở cơ quan công quyền là một sản phẩm không mong muốn của xã hội. Hãy làm giảm thời gian chờ khám từ việc tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, có những bảng thông báo rõ về thủ tục, có quy định thời gian cho một xét nghiệm, chụp X-quang..., đồng thời tăng cường kiểm tra y đức trong khám chữa bệnh, phạt nặng những người sai phạm có tái phạm. Làm được như vậy “cò” mới không còn đất để lộng hành.

QUỐC NGỌC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên