TT - Đó là quan điểm của ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), kiêm tổng giám đốc Công ty VPF - với Tuổi Trẻ xoay quanh câu chuyện về kinh tế bóng đá.
Theo ông Viễn, việc kiểm toán tất cả dòng tiền đổ vào và việc chi tiêu của các CLB trong mỗi mùa giải sẽ giúp kiểm soát được nguồn tiền đầu tư cho bóng đá. Ngoài ra, đó còn là cơ sở để kiểm soát các hợp đồng chuyển nhượng tiền tỉ, những khoản thưởng vô tội vạ, tiết kiệm chi phí đầu tư, dành nguồn lực cho đào tạo trẻ, tăng cường cơ sở vật chất bóng đá.
Ông Viễn nói: “Về vấn đề tiền thưởng, không có nước nào trước mỗi trận đấu các ông chủ CLB lại đua nhau đưa ra mức thưởng với cầu thủ. Họ chỉ treo thưởng khi CLB đạt được các vị trí nhất định trên bảng xếp hạng vào cuối mùa giải. Việc treo thưởng một cách vô tội vạ trước và sau mỗi trận đấu làm hư hỏng cầu thủ. Điều này cũng làm họ thi đấu thiếu tích cực, ảnh hưởng đến chuyên môn, coi thường người hâm mộ. Thực tế đó người hâm mộ có thể thấy trong các mùa giải, đặc biệt là các trận cuối mùa giải”.
* VFF, VPF có cách nào kiểm soát nguồn thu, chi của các CLB bóng đá trong những mùa giải tới?
- VFF quy định kinh phí hoạt động mỗi CLB V-League tối thiểu là 40 tỉ đồng/mùa nhưng thực tế nhiều CLB tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng/mùa. Số tiền này họ không công khai và VFF cũng chưa kiểm soát được. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định hằng năm sau khi mùa giải kết thúc, các CLB phải báo cáo tài chính và các báo cáo này phải được kiểm toán. Từ báo cáo này có thể biết nguồn vốn CLB bao nhiêu, chi những mục gì trong cả mùa giải. Dựa vào đó để biết CLB nào làm ăn lỗ, lãi, các nguồn tài chính không hợp pháp. Bóng đá thế giới họ kiểm soát tất cả nguồn tiền đầu vào của CLB, kể cả từ nhà tài trợ. Muốn nền bóng đá lành mạnh, vấn đề tài chính phải rõ ràng. Từ đó đầu tư cho bóng đá sẽ thấp hơn nhiều so với hiện nay mà hiệu quả lại cao hơn.
* Việc kiểm tra nguồn thu, chi của các CLB sẽ được thực hiện khi nào?
- Năm 2011 các CLB cũng gửi VFF báo cáo tài chính nhưng đó chỉ là báo cáo của họ chứ chưa được kiểm toán để biết chính xác có đúng không. Vì vậy, các CLB bắt buộc phải có kiểm toán báo cáo tài chính ngay sau khi mùa giải 2012 kết thúc. Tạm thời các CLB sẽ tự chọn đơn vị kiểm toán để báo cáo VFF, VPF. Sau này có thể chúng tôi sẽ thuê một công ty kiểm toán toàn bộ 28 CLB V-League và hạng nhất.
* Câu chuyện một ông chủ hai đội bóng sẽ được đưa ra mổ xẻ tại tổng kết mùa giải?
- Năm 2013, bóng đá VN sẽ loại bỏ tình trạng một ông chủ hai đội bóng theo cam kết với AFC. Hiện nay, bầu Hiển (Hà Nội T&T) cũng đang thúc đẩy giải quyết việc này với CLB bóng đá Hà Nội vừa giành suất lên chơi ở V-League. Với SHB Đà Nẵng, từ mùa giải 2013 dù anh Hiển không có cổ phần ở SHB nhưng cũng không được đóng vai trò là nhà tài trợ CLB. Việc in logo của nhà tài trợ lên áo đấu, tên gọi của CLB cũng không được phép. Vì việc này nên lễ tổng kết mùa giải phải tạm lui lại để các CLB có thời gian chuẩn bị, đến lễ tổng kết mùa giải sẽ xác định được CLB nào đủ tư cách tham dự V-League 2013. Anh Hiển và các CLB còn một tháng nữa để giải quyết câu chuyện này.
* Dù có kiểm toán nhưng nếu các ông bầu tự móc tiền túi để treo thưởng thì sao?- Ở các nước, không phải tiền túi bỏ ra là được làm gì thì làm, người ta phải xác minh được nguồn tiền đó ở đâu ra. Nếu tiền thưởng không minh bạch, họ sẽ coi đó là “rửa tiền”. Do đó, nếu tiền thưởng đó là tiền của cá nhân, công ty “mẹ” cũng đều phải được kiểm soát. Tuy nhiên, việc minh bạch hóa tài chính trong bóng đá là bước đi lâu dài chứ không thể một sớm một chiều có thể làm được.
* Việc trả lương, thưởng, lót tay hiện nay của các CLB như thế nào?
- Tiền lót tay của VN hiện nay thực hiện không đúng so với quy định của thế giới và không minh bạch. Ví dụ tôi đang sở hữu một cầu thủ. Khi có CLB khác đến mua cầu thủ này, hợp đồng mua bán do hai CLB thỏa thuận chứ cầu thủ không có quyền làm giá.
Trong trường hợp cầu thủ hết thời hạn hợp đồng với CLB, cầu thủ có quyền trao đổi với CLB khác để chuyển nhượng. Tuy nhiên giá trị chuyển nhượng chỉ tượng trưng chứ không phải CLB đưa cho cầu thủ “một cục” như VN. Ví dụ cầu thủ A đang tự do muốn đến CLB B thi đấu, trong hợp đồng mua bán, CLB trả cho cầu thủ A khoản lót tay 20 triệu USD nhưng CLB không đưa cho cầu thủ 20 triệu USD mà họ chỉ trả 5-10% trong số 20 triệu USD. Số còn lại họ trả gộp vào lương hằng tuần cho cầu thủ. Nếu cầu thủ thi đấu trong đội hình chính sẽ nhận được 100% lương, còn dự bị nhận ít hơn... Do vậy cầu thủ ai cũng phải nỗ lực.
Còn ở VN, cầu thủ nhận 10 tỉ đồng lót tay cho ba năm một lúc, nhận tiền xong không đá nhiệt tình hoặc đá một năm đã muốn chấm dứt hợp đồng sớm. Hợp đồng lương của cầu thủ VN cũng không kiểm tra được, họ ký 20 triệu đồng/tháng cho cầu thủ nhưng có khi CLB trả đến 40 triệu mà mình không biết.
* Mùa giải 2012 VPF quy định mức thưởng tối đa cho mỗi trận đấu ở V-League không được quá 500 triệu đồng, nhưng thực tế không kiểm soát được việc các ông bầu thưởng vượt ngưỡng?
- VPF đưa ra nhưng mới chỉ dừng ở khuyến cáo các CLB. Vì vậy vẫn có ông chủ thưởng cả tỉ đồng mỗi trận.
* Ông có lo ngại số lượng các CLB V-League sẽ giảm trong mùa giải tới khi có nhiều ông chủ muốn bán CLB vì khó khăn?
- Nếu chuyện đó xảy ra, hội nghị chuẩn bị mùa giải sẽ mang ra để bàn bạc chứ chưa thể nói trước. Hiện nay chưa CLB nào có thông báo khó khăn trong việc nuôi đội bóng với đơn vị chủ quản và VFF. Tuy nhiên chúng tôi phải lường trước mọi tình huống và có phương án đối phó. Nếu giảm số CLB chơi ở V-League sẽ làm các trận đấu ở V-League ít đi, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của giải đấu.
KHƯƠNG XUÂN thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận