Lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp và địa phương đều nhận định phải tranh thủ thời "nhiều năm mới lặp lại" để gia tăng sản xuất và xuất khẩu gạo nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh và thận trọng.
Giá gạo tăng từng ngày, doanh nghiệp lo
Ông Trần Duy Đông, cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết ước tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,58 tỉ USD, bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (ngày 20-7), giá lúa gạo trong nước tăng trung bình mỗi ngày 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 60 USD/tấn, lên 602 USD/tấn; gạo Jasmine tăng từ 625 USD/tấn lên 690 USD/tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết giá gạo tăng nhanh nên đã có hiện tượng bẻ kèo, không giao hàng xảy ra.
Kiến nghị cơ quan chức năng phải quản lý được sản xuất vì đây là yếu tố tiên quyết trong định hướng sản xuất trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, El Nino có thể ảnh hưởng tới năm sau.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần xem xét đưa vào dự thảo nghị định thay thế nghị định 107 của Chính phủ, có cơ chế quản lý hợp đồng.
Ông Nam cho rằng trước nghị định 107 thì nghị định 109 có nội dung quản lý, theo dõi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng cũng như lượng tồn kho để trong điều hành vĩ mô có chỉ đạo kịp thời, trong khi hiện tại chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ông Nam cũng khuyến cáo hiện tại giá gạo trong nước cao, doanh nghiệp chưa có hợp đồng thì không nên mua ồ ạt để tránh giá lúa hàng hóa leo thang.
Có thể xuất khẩu thêm 900.000 tấn gạo
Cơ hội xuất khẩu lúa gạo mở ra chưa từng có, nhưng bên cạnh đó đặt ra cân đối nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu quan điểm "chúng ta phải đánh giá kỹ và phải hết sức bình tĩnh" trước các vấn đề nêu trên để có giải pháp phù hợp nhất.
Theo ông Nam, ngay từ đầu năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn rất kỹ với Bộ Công Thương và khẳng định năm nay Việt Nam vẫn đảm bảo sản xuất 43,1 triệu tấn lúa (tương đương 20 triệu tấn gạo).
Ông Nam cũng chia sẻ sau khi có biến động về tình hình lúa gạo những ngày qua, bộ càng phải quan tâm hơn tới các vùng sản xuất, vì vậy đã cử nhiều đoàn công tác đến các tỉnh đánh giá kỹ tình hình vì vấn đề an ninh lương thực là rất quan trọng.
"Chúng tôi có khảo sát và thấy 180 doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 50% có ký liên kết với hợp tác xã và vùng nguyên liệu, nhưng chỉ ký hợp đồng với người dân và hợp tác xã, còn hợp đồng làm vùng nguyên liệu rất ít", ông Nam đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo, vượt 800.000 - 900.000 tấn so với năm 2022.
"Đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh lúa gạo, đồng thời cũng là thời cơ mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới", ông Diên nói.
Niên vụ lúa gạo 2023 ít bị ảnh hưởng bởi El Nino
Theo ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt, tính tới ngày 1-8 Việt Nam đã thu hoạch được 24,2 triệu tấn lúa. Từ nay tới cuối năm còn phải thu hoạch khoảng 18,9 triệu tấn vốn đang ở ngoài đồng.
Theo nhận định của ông Cường, về cơ bản tình hình hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Ưu tiên cho an ninh lương thực
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, động thái của Ấn Độ và mới đây là Thái Lan thì phải hết sức thận trọng, bởi các nước này cũng có thể cho xuất khẩu lại bình thường thì Việt Nam sẽ bị động.
Ngoài ra, phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống vì "một nước xuất khẩu gạo mà lâm vào cảnh thiếu gạo, rồi người dân trong nước mua gạo giá quá cao là điều không thể chấp nhận được".
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Ông Nguyễn Văn Hồng, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết theo phản ảnh của các doanh nghiệp, mặc dù nghị quyết của Chính phủ và thông tư hỗ trợ tín dụng thì có nhưng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay rất khó.
Nếu có thì cũng chủ yếu chỉ tiếp cận vốn lưu động hỗ trợ xây kho, dây chuyền sản xuất, còn nguồn tín dụng hỗ trợ dự trữ và thu gom lúa gạo cho nông dân thì hầu như doanh nghiệp đều vướng.
Do đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ được vay vốn lưu động như trên mà trong việc tiếp cận nguồn vốn cho dự trữ xuất khẩu cũng được tiếp cận một cách thuận lợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận