Hoạt động Hội cần giúp thanh niên thấy được hình ảnh của họ và thật sự thu hút để thanh niên muốn đến với Hội. Trong ảnh: một hội thi nghi thức của Hội LHTN VN TP.HCM thu hút nhiều bạn trẻ tham gia - Ảnh: Q.L. |
“Tôi cho rằng phải có công trình khảo sát toàn diện tình hình thanh niên thành phố hiện nay. Họ đang cần gì, nghĩ gì, thật sự đang mong muốn gì ở Hội và Hội kỳ vọng gì ở họ. Có trả lời được những điều ấy mới có thể chỉ ra giá trị thực, khẳng định vị thế của thanh niên hiện nay” - TS Đinh Phương Duy, phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM, góp ý.
Thanh niên còn cần Hội?
TS Đinh Phương Duy cho rằng nhận định “thanh niên quan tâm tới thời cuộc” như dự thảo văn kiện liệu có hơi chủ quan! Theo ông, thái độ vô cảm, thờ ơ với thời cuộc của thanh niên là có, thậm chí ngay cả trong chính cán bộ công chức cũng có tình trạng này.
“Nhiều bạn trẻ chú ý đến những thông tin giật gân, tiêu cực nhưng lại không mấy quan tâm đến tình hình thời cuộc. Có tình trạng thanh niên dựa theo, nói theo người lớn mà không xác định được giá trị thật của họ ở đâu” - TS Đinh Phương Duy nêu ý kiến.
Cũng theo ông Duy, chúng ta phải dự báo xu hướng phát triển của thanh niên ra sao trong bối cảnh xã hội phát triển mạnh mẽ, môi trường hoạt động vừa rộng mở nhưng cũng ngày càng thu hẹp dần hiện nay.
“Có dự báo đúng mới định được hướng đi đúng. Phải trả lời được câu hỏi thanh niên có còn cần Hội nữa không? Để làm được điều này, Hội phải chỉ ra được sau một nhiệm kỳ năm năm vừa qua, nhận thức của thanh niên về Hội, về xã hội có thay đổi gì không và thay đổi như thế nào?” - ông Duy phân tích.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho rằng nhận định được hiện trạng thanh niên thành phố hiện nay là bài toán rất khó nhưng phải làm vì “đó là cơ sở để đề ra phương hướng, giải pháp hoạt động cho nhiệm kỳ mới”.
Theo TS Hải, các chương trình của Hội không chỉ cần hài hòa mà làm sao phải để thanh niên thấy được hình ảnh của họ qua từng hoạt động, nếu tạo được sự hấp dẫn để thanh niên xin vào chơi chung thì quá tốt.
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Sở Nội vụ) mong muốn Hội đi thẳng vào những vấn đề thanh niên cần hiện nay như: giúp tìm kiếm việc làm, học tập nâng cao trình độ, trang bị kỹ năng... vì như thế hình ảnh của Hội sẽ gần gũi, thiết thân với đời sống và “thanh niên thấy họ được quan tâm, được kích thích để muốn vào Hội”.
“Nói cách khác, Hội cần chỉ ra được có thể giúp gì, thanh niên có quyền lợi gì khi tham gia sinh hoạt Hội mà nếu không tham gia các bạn sẽ bị thiệt thòi” - chị Mai nhấn mạnh.
Nghĩ rộng và xa hơn
Anh Nguyễn Phạm Phương Duy (ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) cho rằng dường như thông tin của Hội đến với thanh niên chưa nhiều, chưa rộng nên có khi thanh niên muốn tìm hiểu, đăng ký tham gia cái này cái kia nhưng không biết tìm ở đâu.
“Hội nên có trung tâm thông tin để các bạn có thể tìm được bất cứ thông tin nào mình quan tâm khi muốn tham gia các hoạt động với Hội chẳng hạn” - anh Duy đề xuất.
Cùng góc nhìn, TS Đinh Phương Duy nói có cảm giác Hội chỉ quan tâm tới thanh niên ở trường học, công sở mà chưa thật sâu đến thanh niên khu dân cư.
“Công sở nói gì cũng chỉ là nơi làm việc giờ hành chính, hết giờ làm người ta sẽ về khu dân cư và phần lớn thời gian chính là ở đây. Đây mới là đất để thấy được sức lan tỏa của Hội thế nào” - TS Duy chỉ rõ.
Trong khi đó, phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên Nguyễn Hồng Phúc thấy rằng Hội đã làm được việc cổ vũ, tuyên dương hàng ngàn tấm gương người con hiếu thảo, sống đẹp sống có ích trong thanh niên. Do vậy, anh đề nghị xem đây là phong trào cốt lõi của Hội và nhiệm kỳ tới đầu tư vào chiều sâu để nhân rộng hình ảnh đẹp, lối sống có ích, các giá trị nhân văn trong giới trẻ.
“Tập hợp thanh niên nên đi vào sở thích của giới trẻ, trong đó cần có bộ phận riêng để chơi được với thanh niên trên mạng rồi mới tính đến việc tập hợp họ” - anh Hồng Phúc phát biểu.
Nhìn từ góc độ của người làm khoa học, TS Nguyễn Bá Hải cho rằng Hội có thể đứng ra thành lập chương trình quản lý, khai thác các nhân tài khoa học trẻ của thành phố, điều này sẽ rất có lợi cho thanh niên thành phố trong nhiều lĩnh vực.
Đồng cảm, PGS.TS Lê Văn Cảnh (ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) nói nên lập câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ để cùng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề của thành phố đang đặt ra.
“Chẳng hạn thu gom, xử lý lục bình phủ kín các kênh rạch ra sao để giải tỏa dòng chảy cho hệ thống sông, kênh rạch của thành phố” - ông Cảnh đặt vấn đề.
Cùng thanh niên hội nhập PGS.TS Lê Văn Cảnh (ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) góp ý Hội thông qua các chương trình của mình giúp thanh niên nhận diện các thách thức, vượt qua rào cản ngôn ngữ, xây dựng tác phong công nghiệp để có thể tự tin, cạnh tranh ít nhất là trong môi trường làm việc khi VN hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN sắp tới. “Mở các khóa đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa ứng xử các nước, tìm hiểu và trang bị cho thanh niên thông tin về thị trường, cơ hội làm ăn của các nước trong khu vực... là những điều tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được” - ông Cảnh bày tỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận