21/07/2019 08:24 GMT+7

Phải đúng nghĩa 'nhà thương'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Chỉ trong vòng một tháng, liên tiếp hai sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nơi xưa nay vốn được người bệnh "đặt trọn niềm tin" có thể chữa lành vết thương, giúp họ hồi sinh từ… án tử.


Phải đúng nghĩa nhà thương - Ảnh 1.

Bệnh nhân được bác sĩ và người nhà đưa vào khoa cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 16-7 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Thế nhưng niềm tin ấy bỗng chốc sụp đổ...

Sẽ chẳng một ai có thể chấp nhận nỗi đau mất đi người thân, mà lẽ ra với bệnh lý ấy họ phải được sống. 

Ở hai sự cố vừa qua, việc khoan nhầm cẳng chân người bệnh có thể chỉ được nhìn nhận là nhầm lẫn sơ đẳng, hiếm có. Nhưng đến trường hợp thứ hai mọi chuyện hoàn toàn khác. Bệnh nhân là một bà cụ trước đó ít giờ bị hôn mê, được cảnh báo có nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch, hạ đường huyết rất cao.

Đáng lẽ với các "nguy cơ" ấy, bệnh nhân phải được đưa vào diện ưu tiên đặc biệt. Nhưng không, bà cụ vẫn nằm đó ở khoa cấp cứu, chờ đợi suốt bốn giờ, cho đến lúc rơi vào hôn mê và qua đời. Đến bây giờ, con cái bà vẫn không thể tin rằng người mẹ thân yêu qua đời nhanh đến thế.

Dẫu biết tình trạng quá tải ở khoa cấp cứu bệnh viện, đặc biệt là tuyến cuối, đang ngày càng căng thẳng. Bệnh viện Chợ Rẫy càng không phải ngoại lệ khi mỗi ngày phải gánh một lượng bệnh nhân cấp cứu khổng lồ từ các tuyến, trên 400 người/ngày. Chưa kể vào các ngày lễ tết, khoa cấp cứu có lúc rơi vào tình trạng "tê liệt" bởi thường quá tải trên 100%.

Nếu "soi" các sự cố gần đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rõ ràng về quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng bệnh nhân chưa thực sự được chú trọng. Việc tổ chức hoạt động chuyên môn không có sự chuẩn mực cần thiết và hơn hết có sự thờ ơ, vô cảm của nhân viên y tế. Và sự cố đau lòng chính là kết quả của quy trình "lỗi dây chuyền" này.

Biết rằng sự cố y khoa có thể đến âm thầm từ những yếu tố khách quan, hoặc từ chính những lỗi hệ thống. Sẽ không công bằng nếu nói rằng ở các bệnh viện khác không xảy ra sự cố tương tự. Chỉ có điều có nơi "dũng cảm" đối mặt, có nơi vì lo sợ bị buộc tội, trừng phạt mà sự cố y khoa bị ém nhẹm. Cứ như thế, sự cố nối tiếp sự cố, nếu không kịp thời ngăn chặn thì chính người bệnh phải trả giá bằng cả tính mạng.

Tạo hóa cho con người lần lượt trải qua các giai đoạn sinh - lão - bệnh - tử. Dù sớm hay muộn, không ai thoát khỏi bệnh tật và khi ấy bệnh viện - "nhà thương" chính là nơi cuối cùng con người có thể tìm đến. Hay dân gian từng nói "có bệnh thì vái tứ phương". Thế nhưng dù có "vái" nơi đâu, cuối cùng "nhà thương" vẫn là nơi con người tin tưởng phó thác sinh mạng.

Nói vậy để thấy rằng sự mong đợi của người bệnh vào quy trình cấp cứu, đội ngũ thầy thuốc là rất lớn. Bởi lẽ chỉ có họ mới có đủ trách nhiệm, y đức và kinh nghiệm để dang tay giúp người bệnh thoát khỏi "lưỡi hái tử thần".

Khi con tim người thầy thuốc còn biết lo lắng, biết đau với nỗi đau của người bệnh, họ sẽ biết người bệnh đang cần gì. Và dù có quá tải hay áp lực đến thế nào, bệnh viện - "nhà thương" vẫn phải là nơi con người tìm thấy tình thương trong lúc nguy cấp, đúng nghĩa là một "nhà thương" thực sự.

Bộ yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy chấn chỉnh hoạt động chuyên môn

TTO - Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy chấn chỉnh hoạt động chuyên môn cũng như khẩn trương xử lý cá nhân, tập thể sai phạm sau vụ bệnh nhân tử vong sau 4 giờ nhập viện và khoan nhầm chân bệnh nhân.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên