Ngư dân Đinh Công Khanh yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay thế toàn bộ các thiết bị lắp đặt không đúng hợp đồng - Ảnh: THÁI THỊNH |
Chiều 22-6, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định công bố dự thảo báo cáo kết quả thẩm định 18 tàu vỏ thép đóng mới theo nghị định 67/2014. Báo cáo cho thấy máy móc, thiết bị của các tàu không được thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tổ trưởng tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh Bình Định thành lập - báo cáo cho biết qua thẩm định 17/18 tàu có kiến nghị về hư hỏng (một tàu đi đánh bắt, chưa thẩm định), phát hiện rất nhiều vấn đề đối với những tàu thép mới đóng này.
10 máy “đểu”, 8 mẫu thép không đạt
Kiểm tra mẫu thép của 17 tàu, tổ thẩm định kết luận 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng sử dụng thép Trung Quốc, còn 12 tàu do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) đóng dùng thép Hàn Quốc.
Trong số này, có 8 mẫu thép (gồm 3 của Công ty Đại Nguyên Dương và 5 của Công ty Nam Triệu) thiếu hàm lượng mangan theo tiêu chuẩn, nghĩa là thành phần hóa học của những mẫu thép này không đạt tiêu chuẩn cấp A của thép đóng tàu đi biển.
Có năm tàu bị gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng đều là tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.
Về máy tàu, có 9 máy hiệu Mitsubishi MPTA (gồm 5 máy công suất 940 HP và 4 máy công suất 811 HP) trên các chiếc tàu do Công ty Nam Triệu đóng không phải là máy nguyên chiếc, có cải hoán, không đồng bộ, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động máy thủy chính hãng, Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) xác nhận không sản xuất động cơ thủy có model, công suất như trên.
Có 3 máy tàu hiệu Doosan (Hàn Quốc) trên các tàu của Công ty Nam Triệu đóng là hàng chính hãng, nhưng hoạt động không ổn định, riêng máy tàu của ông Trần Đình Sơn ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị gãy trục và hư pittông.
Kiểm tra 25 máy phụ (máy phát điện) trên 17 tàu, tổ thẩm định độc lập phát hiện 1 máy hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất nhưng trong hồ sơ lại ghi máy lắp ráp ở Singapore, 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ.
Về trang thiết bị, tổ thẩm định phát hiện một số tăngphô đèn cao áp bị xóa dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích, tụ này xuất xứ từ Trung Quốc, bóng đèn 1.000W cũng không đúng với hợp đồng.
Thượng tá Bùi Hữu Hùng, phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, tại buổi công bố dự thảo báo cáo kết quả thẩm định tàu vỏ thép - Ảnh: THÁI THỊNH |
Thay máy mới, sửa chữa hỏng hóc
Từ các kết luận nêu trên, tổ thẩm định độc lập đề nghị Công ty Nam Triệu thay toàn bộ 10 máy chính (kể cả máy 1 tàu chưa được thẩm định nhưng được xác định là lắp máy trên bộ) bằng máy thủy mới chính hãng của Mitsubishi; thay máy Doosan mới cho tàu ông Trần Đình Sơn; khắc phục và sửa chữa máy phụ hư hỏng.
Đối với vỏ tàu, hai công ty đóng tàu phải đưa toàn bộ các con tàu lên đà để đánh giá tổng thể, những tàu có phần thép vỏ không đúng mác A thì phải thay cho đúng, làm sạch các phần gỉ sét và sơn lại đúng quy trình, quy định.
Đối với vỏ tàu thay thép Hàn Quốc/Nhật Bản thành thép Trung Quốc nhưng đảm bảo cấp A, nhà máy phải trả lại phần tiền chênh lệch cho ngư dân.
Tại buổi công bố, các ngư dân yêu cầu hai nhà máy đóng tàu phải thay thế toàn bộ các máy móc, thiết bị không làm đúng theo hợp đồng; đồng thời sửa chữa, khắc phục mọi hư hỏng, có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại do tàu hư hỏng phải nằm bờ.
Tuy nhiên, chỉ có đại diện của Công ty Nam Triệu dự họp, còn Công ty Đại Nguyên Dương vắng mặt không rõ lý do.
Thượng tá Bùi Hữu Hùng - phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu - cam kết: “Công ty Nam Triệu hoàn toàn thống nhất với dự thảo báo cáo của tổ thẩm định độc lập.
Sau khi có kết luận chính thức và chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, chúng tôi sẽ thay máy mới, sửa chữa hỏng hóc máy móc, trang thiết bị cho các tàu. Chúng tôi cam kết sẽ khắc phục mọi hỏng hóc cho ngư dân trong thời gian sớm nhất”.
Ông Hùng khẳng định Công ty Nam Triệu hợp đồng với Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát cung cấp máy thủy mới 100% chính hãng Mitsubishi, nhưng công ty này cung cấp máy không đúng chủng loại, có cải hoán.
Ông Nguyễn Ngọc Oai - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - nói: “Tổng cục Thủy sản đánh giá cao kết quả trong dự thảo của tổ thẩm định độc lập, dù là kết quả ban đầu nhưng khá toàn diện”.
Ông Oai cho biết Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các bên liên quan tập trung khắc phục để sớm đưa các tàu cá bị sự cố vào hoạt động, các cơ sở đóng tàu phải bồi hoàn thiệt hại cho chủ tàu trong thời gian tàu không hoạt động do hư hỏng; ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân...
Phải điều tra rõ những khuất tất
Ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cho biết sở này sẽ có báo cáo chính thức, đầy đủ và tham mưu hướng xử lý cho UBND tỉnh Bình Định để báo cáo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng vào ngày 26-6.
Theo ông Hổ, vẫn còn những khuất tất, như tại sao đóng tàu mà hợp đồng không ghi xuất xứ thép, để rồi nhà máy đóng thép Trung Quốc nhưng tính tiền thép Hàn Quốc/Nhật Bản; vì sao doanh nghiệp cung cấp máy đường bộ để lắp cho tàu thủy nhưng qua giám sát của nhà máy, của đăng kiểm mà vẫn “lọt lưới”; ngay cả các ngân hàng cũng không chịu trả lời về việc đánh giá lại giá trị con tàu... “Những vấn đề này chỉ có cơ quan điều tra mới làm rõ được” - ông Hổ nói.
Ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay: “Phần nào xử lý về mặt hành chính, tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể. Còn những vấn đề có dấu hiệu sai phạm hình sự thì tỉnh đề nghị công an vào cuộc. Có kết luận chính thức, tỉnh tiếp tục xem xét, chỉ đạo tiếp”.
Trong khi đó, một chuyên gia đóng tàu vỏ thép cho biết hàm lượng mangan thiếu trong thép tàu ảnh hưởng đến độ cứng, độ bền của vỏ tàu.
Theo ông, khi khắc phục nên tiến hành siêu âm toàn bộ vỏ thép của tàu để đánh giá chính xác vị trí nào cần thay thép vì kết luận của tổ thẩm định độc lập mới chỉ đánh giá một mẫu nhỏ ở một vị trí.
Ngư dân đồng tình với kết luận
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau cuộc họp, nhiều chủ tàu cho biết họ thỏa mãn, nhất trí cao với các kết luận và kiến nghị của tổ thẩm định.
“Chúng tôi yêu cầu các công ty đóng tàu khẩn trương khắc phục các vấn đề của từng chiếc tàu như đề nghị của tổ thẩm định để chúng tôi có con tàu vững chắc ra khơi trong nhiều năm tới. Tôi cũng đề nghị các cơ quan hỗ trợ ngư dân giám sát quá trình sửa chữa, khắc phục này để tránh việc các nhà máy hứa rất hay nhưng làm gian dối” - ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép, nói.
Trong khi đó, ông Trần Minh Vương, một chủ tàu vỏ thép khác, băn khoăn: “Công ty Đại Nguyên Dương đóng tàu cho tôi và bốn tàu khác bị sự cố, nhưng họ không dự cuộc họp này, liệu họ có chấp hành các yêu cầu của tổ thẩm định độc lập hay không?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận