28/10/2006 05:49 GMT+7

Phải dạy và học văn theo hướng "mở"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Những ngày qua, bài văn của Hà Minh Ngọc đã thật sự tạo ra một hiệu ứng xã hội tích cực, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người: từ tư duy, cách nhìn nhận cuộc sống, nhận chân giá trị đến quan niệm, lối sống và mục đích cuộc đời...

shyaIobI.jpgPhóng to
TT - Những ngày qua, bài văn của Hà Minh Ngọc đã thật sự tạo ra một hiệu ứng xã hội tích cực, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người: từ tư duy, cách nhìn nhận cuộc sống, nhận chân giá trị đến quan niệm, lối sống và mục đích cuộc đời...

Bài văn gây xôn xao cư dân mạngNhững lời cảm ơn cho một bài vănGặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạngĐề văn đã gây hứng thú cho em!Từ một bài văn, ngẫm hai chữ "thành công"...Người ra đề bài văn gây xôn xao dư luận: Cháy mãi một tình yêuThành công và hạnh phúc...

TS Chu Văn Sơn (Khoa ngữ văn ĐH Sư phạm I Hà Nội):

Đề văn nên 50 - 50

Trong văn chương, kiến thức và kỹ năng không phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ là phương tiện giúp chủ nhân của nó biết cảm nhận cuộc sống ở một mức độ cao hơn và chọn lựa cách sống tốt hơn. Nói cách khác, văn chương là phương tiện để học sinh phát huy tiềm năng chứ không phải tái hiện những gì được trang bị.

Đề văn phổ thông hiện nay đang nghiêng về mục tiêu kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản. Đề ra sát sạt chương trình, có đáp án chặt chẽ, lượng hóa đến tận 0,5 điểm nên giáo viên dễ chấm bài, ít có bất đồng khi chấm chung đáp án.

Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân khiến học sinh dễ bị gò bó, phụ thuộc nhiều vào kiến thức được trang bị, nếu có sáng tạo cũng chỉ là những sáng tạo vặt vãnh mà thiếu đi những đột phá tổng thể.

Đề ra như hiện nay chủ yếu phát huy tư duy khoa học (chú trọng nhất là thao tác suy luận), chứ không phát triển được tư duy nghệ thuật (chú trọng thao tác liên tưởng) - phía rất quan trọng trong tâm hồn con người. Cho nên em nào có khả năng nghiên cứu khoa học sau này thì làm rất tốt, còn những em có năng khiếu về sáng tác văn học thì khó phát huy.

Tôi cho rằng một đề văn tốt sẽ được chia đều làm hai phần: phần trắc nghiệm (với những kiến thức thuộc về trí nhớ) chiếm 50% và phần tự luận (để phát huy tính sáng tạo chân thực) cũng nên chiếm 50% tổng số điểm.

PHAN ĐĂNG:

Phải phát huy tối đa tư duy sáng tạo

Bài văn này là sản phẩm của ba chữ “mở”: một đề văn “mở” - một tư duy viết văn “mở” - một phong cách chấm văn “mở”. Khi tất cả những cái “mở” đó gặp nhau, khi mà cá tính sáng tạo được tạo điều kiện để phát huy hết biên độ thì chúng ta có được những sản phẩm có chất lượng.

Thế tại sao cứ phải dạy và học theo khuôn mẫu, kiểu “thầy đọc trò chép”? Tại sao cứ phải bắt những đứa trẻ nhai lại những luận điểm giáo điều của các thầy cô, thay vì cho các em được nói lên điều mà bản thân các em nghĩ? Tại sao lại như thế và bao nhiêu năm nay vẫn thế?

Tôi cho rằng sau bài văn của Hà Minh Ngọc, một lần nữa việc dạy và học theo hướng “mở” (hiểu theo nghĩa là cho học sinh phát huy tối đa biên độ sáng tạo) cần phải được nhìn nhận thấu đáo. Và cao hơn thế, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn rằng thế giới phẳng không có chỗ cho những kiểu tư duy sao chép.

Thế giới phẳng tôn trọng những sự khác biệt có ích, những khuynh hướng sáng tạo tích cực. Và vì vậy cần phải tạo điều kiện để phát huy nó ngay từ khi còn ngồi trên ghế học đường.

ĐỖ DUY CHÂU - GV văn Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM:

Hãy để các em được suy nghĩ chân thật

Đọc bài văn của Hà Minh Ngọc, chúng ta cảm nhận được sự chân thật. Một sự chân thật khá hiếm hoi của học sinh vì các em đã phải quen làm những đề văn có sẵn đáp án mà chúng ta vẫn gọi là văn mẫu.

Khi các thầy cô ra đề, vì muốn nhiều học sinh làm được bài thi học kỳ, tốt nghiệp THPT... nên đành cho những đề quen thuộc, đơn điệu và nhàm chán. Học sinh chẳng cần phải động não, chỉ học y nguyên bài giảng của thầy cô (bài trên lớp) hay chép y nguyên bài tham khảo (bài cho về nhà) là xong bổn phận.

Tôi biết có giáo viên sau khi tính toán các đề thi năm trước đã dùng giờ trả bài bắt các em đọc thuộc lòng văn mẫu và trước khi thi tốt nghiệp THPT một tháng cũng học thuộc lòng mười mấy bài văn mẫu như vậy. Thế còn gì là say mê, sáng tạo?!

Hãy trả lại cho các em những suy nghĩ chân thật của mình về những vấn đề trong cuộc sống, những cách diễn đạt tự nhiên, giản dị, trong sáng của các em trong việc cảm nhận những tác phẩm văn chương.

Muốn thế, giáo viên cần ra những đề “mở” như cô giáo của Minh Ngọc hoặc có thể ra hai đề cho học sinh chọn một. Hơi cực cho giáo viên khi chấm nhưng các em sẽ chọn được đề mình yêu thích. Đó chính là tiền đề cho một bài văn hay, chân thật và sáng tạo.

Gia đình đã nuôi dưỡng tâm hồn...

MiOPO3GT.jpgPhóng to
Một thuận lợi lớn mà Hà Minh Ngọc, tác giả bài văn “Bản chất của thành công”, không giấu giếm là em có một gia đình hạnh phúc, mọi người quan tâm, yêu thương nhau, bố mẹ đều là trí thức (tiến sĩ chuyên ngành dược).

“Ngay từ thời tiểu học, mẹ đã dạy em cách làm văn rồi. Các môn học tự nhiên em đi học thêm nhiều “lò”, nhưng riêng môn văn em chỉ học trên lớp vì về nhà đã có mẹ hướng dẫn” - Ngọc cho biết.

Cách dạy học văn của mẹ Ngọc khá độc đáo. Không kèm cặp tỉ mỉ từng câu chữ, không cắt gọt sửa sang cho bài văn của con gái thêm tròn trịa, mỗi bài văn Ngọc làm xong mẹ mới xem xét, góp ý và... chấm điểm.

“Mẹ cho điểm 8 là em yên tâm đến lớp mình sẽ được điểm cao hơn 8 rồi” - Ngọc tiết lộ. Cũng vì thế Hà Minh Ngọc còn nhớ bài văn điểm 8,5 duy nhất mà mẹ đã chấm cho mình. Đề văn yêu cầu kể về kỷ niệm với một món đồ chơi cũ.

Ngọc hóa thân vào con gấu bông cũ kỹ bà ngoại tặng đang bị cô chủ nhỏ của nó bỏ rơi khi bố mua về con búp bê đẹp hơn. Vậy là nhờ phép nhân cách hóa mà tự nhiên gấu bông biết nói, biết chia sẻ tâm tư với cô chủ. Nó nhắc nhớ em cái gì đã gắn bó với mình thì phải được lưu giữ, thương yêu.

Người mẹ đã gieo vào lòng cô con gái nhỏ những hạt giống văn chương đầu tiên, còn bố không có nhiều thời gian để chăm sóc từng li từng tí, nhưng Ngọc bảo bố có cách quan tâm rất riêng. Mỗi khi Ngọc có thành công gì, dù nhỏ thôi, bố sẽ là người đầu tiên trong nhà nói lời chúc mừng, còn mẹ sẽ lo “hậu cần” để làm một bữa liên hoan cho cả nhà.

Mỗi khi trở về nhà, trong Ngọc tràn ngập cảm giác yên bình. Bố mẹ bận công tác nhưng lúc nào Ngọc cũng an tâm rằng mọi người đang quan tâm đến nhau thật nhiều. Mạch nguồn từ một gia đình đầm ấm, biết trân trọng, yêu thương nhau đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của cô gái nhỏ, hay chính chất văn chương thấm đẫm nhân tình đã giúp thêm niềm vui, hạnh phúc cho ngôi nhà này?

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên