24/10/2015 07:46 GMT+7

Phải đánh giá đúng mức tình hình Biển Đông

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH
VIỄN SỰ - LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH

TT - “Báo cáo chính trị phải khẳng định chính kiến của Đảng ta về việc bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo thiêng liêng trên Biển Đông từ cha ông để lại”.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị nội dung này phải được đưa vào báo cáo chính trị của Đại hội XII của Đảng, tại buổi góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị của các đại biểu Quốc hội ngày 23-10.

Dù thảo luận riêng rẽ theo từng đoàn nhưng ý kiến mà đại biểu Trần Khắc Tâm nêu lên là một trong những vấn đề lớn nhất mà các đại biểu đề nghị trong buổi góp ý.

Chủ quyền bị thách thức

Đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng dự thảo báo cáo chính trị đã nhận định đúng nhưng chưa đủ về vấn đề Biển Đông khi chỉ ghi: “Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp”.

Theo ông Tâm, phải nói rõ là có những giai đoạn chủ quyền quốc gia của đất nước đang bị thách thức nghiêm trọng.

“Các hành động đơn phương của Trung Quốc ngày càng gia tăng về phạm vi, nguy hiểm về mức độ. Nếu ghi như trong dự thảo thì tình hình cũng không khác mấy so với trước đây” - đại biểu Trần Khắc Tâm nói.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị phải ghi rõ trong báo cáo chính trị về vấn đề Biển Đông là: “Tranh chấp chủ quyền biển đảo tiếp tục phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền đất nước, tự do, an ninh hàng hải trên Biển Đông”.

“Vì sao? Tình hình năm 2015 không còn như trước, Trung Quốc xây đảo, xây hải đăng, chuẩn bị các công trình về quân sự. Trước đây Trung Quốc chỉ nói tranh chấp Trường Sa, nay Trung Quốc nói Trường Sa là của Trung Quốc từ bao đời nay...” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảnh báo.

Phải đột phá đồng bộ

Góp ý về chiến lược phát triển, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói dự thảo đề ra vấn đề đột phá về thể chế nhưng chỉ mới giới hạn trong vấn đề hoàn thiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

“Phải mở rộng hơn toàn bộ thể chế mới đúng tầm của đổi mới báo cáo chính trị. Tôi đề nghị nói rõ là đột phá đồng bộ, thể chế kinh tế, thể chế hành chính công và thể chế tài chính công, ba chân chứ không thể là một chân được” - ông Lịch nói.

Ông cho rằng nếu chỉ đột phá về kinh tế như hiện nay thì không thể có hiệu quả. “Bởi nếu với nền hành chính thế này, chính sách tài chính công kiểu này, không có đột phá nào thành công được” - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đánh giá về mục tiêu phát triển trong 5 năm tới, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn, phải đánh đổi để phát triển chứ không thể cứ “dàn hàng ngang” mà đi.

Ông Lịch đề nghị đưa năm mũi nhọn phát triển kinh tế vào báo cáo chính trị, bao gồm: thứ nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao, thứ hai là kinh tế biển.

Thứ ba là du lịch, thứ tư là công nghệ gắn với phát triển và thứ năm là có chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Kỷ cương đặt lên hàng đầu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích hồi Đại hội XI của Đảng có những nhận định, đánh giá hết sức lạc quan, trong đó đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ không sát thực tiễn.

“Vừa qua tôi phát biểu tại hội nghị trung ương rằng trong nhiệm kỳ này Bộ Chính trị đã lắng nghe và quyết định các vấn đề một cách kịp thời. Đây là một bài học rất quan trọng, quyết định tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ tình thế mà là chiến lược chúng ta đeo đẳng 4-5 năm nay.

Cá nhân nào đó nói tự hào gì đó là không chính xác, tất cả là từ định hướng chiến lược đó và chúng ta phải đúc kết bài học này” - ông Giàu nói.

Một bài học quan trọng khác được ông Nguyễn Văn Giàu nêu lên là kinh nghiệm xử lý Biển Đông. Ông Giàu nói và kể lại: “Khi xảy ra vấn đề Biển Đông (vụ giàn khoan Hải Dương 981, tháng 5-2014 - PV) thì Trung ương đang họp, Bộ Chính trị cũng tiến hành họp ngay.

Tôi nhớ phiên thảo luận đó thì cuối cùng Tổng bí thư quyết, nói là bằng mọi cách, bằng mọi giá phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Đi bằng cách nào? Bằng ba trụ cột.

Trụ cột thứ nhất là luật pháp quốc tế. Trụ cột thứ hai là đấu tranh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc và toàn thế giới, với Liên Hiệp Quốc để ủng hộ ta. Trụ cột thứ ba là thực địa, kể cả mời báo chí trong nước và nước ngoài ra ngoài khu vực nóng.

Sau này dư luận ca ngợi người này, người khác thì không phải như vậy mà là trí tuệ của Bộ Chính trị và người kết luận là Tổng bí thư”.

Trong 5 năm tới, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng phải đặt kỷ luật, kỷ cương lên hàng đầu, lấy thực thi pháp luật làm nhiệm vụ hàng đầu, từ đó mới lan tỏa ra những vấn đề khác. Từ những người trong bộ máy công quyền cho đến toàn xã hội phải theo pháp luật.

Cùng trăn trở về vấn đề kỷ cương, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) nói vì sao có những chuyện xảy ra rồi mới thấy sai sót, sai đủ thứ chuyện. Theo ông Ánh, Quốc hội làm rất nhiều luật, luật không thiếu, bộ máy nhà nước cũng đầy đủ nhưng hiệu quả quản lý là vấn đề phải suy nghĩ.  

“Cử tri nói với tôi tại sao bây giờ có những chuyện xảy ra rồi mới thấy sai sót. Rõ ràng việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đang có vấn đề, mong Đảng và Nhà nước tìm ra được nguyên nhân để xác định” - đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Không để nông dân bị gạt ra “bên lề hội nhập”

Đại biểu Trần Khắc Tâm đề nghị: “Dự thảo báo cáo chính trị cần đề cập sâu sắc hơn nữa về giai cấp nông dân, đặc biệt cần nhấn mạnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết “tam nông” bằng những giải pháp đồng bộ, liên tục, đủ mạnh, đồng thời bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện các chính sách được Đảng, Quốc hội ban hành.

Có như vậy thì người nông dân, lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới không bị gạt ra bên lề hội nhập”.

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên