Nếu so với CPI tháng 2 trong vòng mười năm qua (trừ năm 2009) thì CPI tháng 2-2013 là thấp nhất cho dù dịp Tết Nguyên đán rơi trọn vào tháng 2 năm nay, thời điểm mà quan hệ cung cầu tăng đột biến, nhu cầu mua sắm tăng cao.
Nhìn vào con số này chúng ta thấy đây là tín hiệu đáng mừng, bởi thông thường CPI quý 1 luôn chiếm tỉ trọng cao trong mức tăng CPI cả năm, và CPI tháng 2 như vậy là chấp nhận nếu đặt trong ý đồ thực hiện chỉ tiêu lạm phát của Quốc hội cả năm 2013 là 8%. Song từ con số CPI tháng 2 này, chúng cũng phát đi nhiều cảnh báo. Nguyên nhân CPI tăng thấp là do sức mua thấp, người tiêu dùng không mạnh tay chi tiêu, hệ lụy từ việc doanh nghiệp phá sản nhiều, thu nhập của người lao động giảm trong năm qua.
Năm 2013 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế, nguy cơ tiềm ẩn lạm phát trở lại vẫn còn. Chúng ta đều thấy kết quả của việc kiềm chế lạm phát chưa thật vững chắc, năng suất hiệu quả kinh tế của nền kinh tế, của các doanh nghiệp còn thấp, hay quá trình tái cơ cấu kinh tế còn diễn ra chậm chạp dù Thủ tướng vừa thông qua đề án tái cơ cấu.
Sức đề kháng của nền kinh tế trước những cú sốc, biến động bên ngoài chưa cao, đặc biệt thiên tai, dịch bệnh, sản xuất chưa khởi sắc, hàng tồn kho vẫn còn lớn. Một nguy cơ khác là tác động của việc tăng dòng tiền lưu thông trong thời gian tới để giải ngân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, kích thích sản xuất phát triển.
Trong khi đó, Nhà nước tiếp tục lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng như điện, nước, dịch vụ y tế... Những tiềm ẩn, nguy cơ để lạm phát có thể trở lại là rất nhiều.
Với những thách thức đó nếu Chính phủ không có biện pháp kiểm soát tốt, hành động thiết thực, cụ thể thì khó ngăn cản được “bóng ma” lạm phát. Ngay đầu năm thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin, tin đồn khiến lòng tin của người dân, nhà đầu tư bị chao đảo.
Rõ ràng, niềm tin của thị trường hiện rất thấp, dễ bị tác động bởi những thông tin bên ngoài. Phản ứng nhất quán, kịp thời của cơ quan quản lý trước thông tin về điều chỉnh tỉ giá đã thể hiện quan điểm rõ ràng, nhưng cũng cho thấy thời gian tới công tác điều hành phải làm sao để củng cố được niềm tin thị trường nhiều hơn.
Hay trước áp lực tăng giá xăng dầu hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, giá trong nước phải hòa đồng với giá thế giới, đặc biệt một số sản phẩm chủ yếu phải thực hiện theo lộ trình như điện, than... thì vấn đề nhiên liệu đầu vào là xăng dầu trở thành câu chuyện nóng hơn bao giờ hết.
Hội nhập thế giới, chúng ta không thể “một mình một chợ”, vậy chính phủ nên xử lý như thế nào khi giá xăng thế giới tăng cao? Điều hành một cách uyển chuyển và linh hoạt sẽ giúp thị trường giảm được những áp lực tăng giá ngay đầu năm. Hiện nay Chính phủ đang có trong tay ba công cụ để bình ổn giá xăng, dầu: trích quỹ bình ổn, giảm thuế và điều chỉnh giá. Trong khi nguồn bình ổn có hạn, giữ giá ổn định khi giá thế giới cao, nên chăng giảm thuế nhập khẩu.
Nhìn vào kết quả hoạt động tháng 1 có những khởi sắc nhất định như chỉ số công nghiệp tháng 1 tăng trên 20%, vốn đầu tư nước ngoài tăng, chúng ta vẫn xuất siêu... Nhưng khoan vội mừng với những tín hiệu vui đó, vẫn còn nhiều cảnh báo, khó khăn chờ phía trước.
Nhà nước nỗ lực kiềm chế lạm phát nhưng nguy cơ tiềm ẩn lạm phát trở lại vẫn rất cao, so với khu vực, lãi suất, lạm phát của VN vẫn còn cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp... Ngay cả khi kiềm chế được lạm phát nhưng cũng cần cảnh giác để không bị rơi vào hiện tượng năm 2012 là sản xuất không phát triển được. Nếu kiểm soát quá chặt chẽ không đúng liều lượng sẽ dẫn đến tăng trưởng bất ổn.
Mục tiêu của Chính phủ năm 2013 vẫn là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng cao hơn năm ngoái. Nhưng muốn vượt qua những thách thức để thực hiện được điều đó, nhà điều hành cần phải tạo được niềm tin thị trường.
NHƯ BÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận