14/11/2015 09:25 GMT+7

Phải công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi biểu quyết

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - “Đại biểu bấm nút mà không có bảng tên hiện lên thì rõ ràng là nhân dân không biết được quan điểm của đại biểu đó. Tôi đề nghị chúng ta cần có thay đổi để thể hiện bản lĩnh của ĐBQH”.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: V.Dũng

Trong vai một ĐBQH và là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã đề xuất như vậy tại phiên thảo luận Dự án Nghị quyết của Quốc hội về ban hành nội quy kỳ họp (sửa đổi), sáng 14 -11.

Dân phải được biết đại biểu quyết gì

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói đây là vấn đề mà ông đã cảm thấy cần phải thay đổi từ rất lâu ở Quốc hội.

“Tại Quốc hội khóa XI, XII, lúc đó tôi là vụ trưởng Vụ pháp luật giúp việc cho Ủy ban pháp luật của Quốc hội thì bác Đỗ Mười (nguyên tổng bí thư trung ương Đảng) gọi tôi đến và nói Quốc hội cần phải thay đổi, cần phải công bố công khai danh tính của đại biểu của Quốc hội trong quá trình biểu quyết.

Đây là vấn đề mà các nước người ta đã làm từ lâu rồi. Tôi tham dự một phiên họp Quốc hội một bang của Mỹ thì đại biểu Quốc hội nào đồng ý, không đồng ý, không biểu quyết đều được hiện lên trên bảng máy tinh và thể hiện rõ quan điểm của mình trước nhân dân và chịu trách nhiệm về quyết định đó”, ông kể.

Ông Quyền cho rằng đã đến lúc phải quyết liệt thay đổi vì nếu không thì bản lĩnh ĐBQH không được thể hiện. Nhân dân không được biết quan điểm đại biểu của mình trong quá trình biểu quyết.

“Mà biểu quyết là một trong những đánh giá quan trọng nhất của đại biểu khi thể hiện chính kiến của mình. Tôi đề nghị công khai danh tính khi biểu quyết về việc đồng ý không đồng ý hoặc dừng biểu quyết” - ông Quyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng, bất luận đại biểu kiêm nhiệm đang làm nhiệm vụ gì thì khi đến phiên biểu quyết, bắt buộc các ĐBQH phải có mặt.

“Cái này ở Quốc hội các nước rất rõ, anh có thể tham dự các phiên họp ở ủy ban, hội đồng của Quốc hội nhưng không thể vắng mặt khi Quốc hội cần lấy ý kiến, quan điểm thông qua biểu quyết” - đại biểu Quyền bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng nói tại kỳ họp thì Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội họp rất nhiều. Ông đưa ví dụ Ủy ban Tư pháp nơi ông công tác tại kỳ họp này có 6  dự án luật và bộ luật phải phụ trách, ông phải thường xuyên vắng mặt để cùng lo để tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.

“Như vậy thì  sự kết nối của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với phiên họp toàn thể như thế nào thì trong này chưa rõ, có được vắng hay không? Vắng để đi họp ở các ủy ban thì có được coi là họp ở phiên họp Quốc hội hay không?” - ông đề nghị làm rõ.

Bao giờ chuyển sang Quốc hội tranh luận?

Là người có thâm niên gắn bó với Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói: “Tổng kết 13 khóa quốc hội cơ bản quốc hội ta vẫn là quốc hội tham luận và chưa chuyển qua Quốc hội tranh luận”.

Ông cho rằng đây là vấn đề lớn nhất trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong dự thảo nghị quyết lần này vẫn chưa có hướng khắc phục.

“Tôi cho rằng cần có một điều quy định về điều hành phiên họp, trong đó khắc phục tính tham luận cứ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, rất mất thời gian. Có những bài có khi hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau”, ông Quyền nêu một hiện tượng ở Quốc hội mà lâu nay không nhiều người dám nói ra.

“Có cần thiết phải như vậy không? Tôi đề nghị cần có một điều về điều hành  phiên họp để biến Quốc hội ta từ một Quốc hội tham luận thành Quốc hội tranh luận. Tranh luận về những quan điểm khác nhau, nói về những quan điểm của vấn đề... Đồng thời phải quy định là điều hành có kết luận hay không có kết luận, kết luận có giá trị như thế nào, kết luận như vậy đã phản ánh hết ý kiến của ĐBQH hay chưa?” - ông Quyền đề nghị.

“Xem đại biểu phát biểu như xem ca nhạc”

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã ví von như vậy khi cho biết nhiều cử tri phản ảnh với ông là nhiều đại biểu phát biểu quá giống nhau, thậm chí có cả chục bài phát biểu tương tự nhau trong cùng một buổi thảo luận.

“Cho nên cử tri nói nhiều khi xem đại biểu phát biểu như xem ca nhạc, các ca sĩ - đại biểu giọng nam, giọng nữ, giọng trầm, giọng bổng... khác nhau nhưng hát cùng một bài. Xem tí là chán, tắt ti vi” - ông Sơn nói.

“Chúng ta nên suy nghĩ điều này, chúng ta có dám rút lại bài phát biểu  khi có đại biểu trước mình đã nói tất cả vấn đề định nói không? Hay là cơ hội phát biểu trước nghị trường, xuất hiện tại phiên truyền hình trực tiếp làm chúng ta không dám” - ông Sơn đặt câu hỏi cho các đồng nghiệp.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên