Cần coi hành vi xâm hại thân thể trẻ em là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng - Ảnh: TT
Một số ý kiến cho rằng sự thật nạn xâm hại trẻ em không trở nên trầm trọng mà vẫn diễn ra như bao lâu nay. Người ta nghe nói nhiều, thậm chí thấy cả hình ảnh ghi nhận diễn biến câu chuyện, bởi điều kiện thông tin và truyền thông trong cuộc sống hiện đại đã được cải thiện đáng kể nhờ công nghệ số.
Ngày nay, chuyện gì đó xảy ra dù ở đâu, lúc nào, trong góc khuất hoặc ở nơi rất xa xôi, hẻo lánh, chỉ trong một thời gian ngắn đã được toàn xã hội biết đến.
Nhiều ý khác lại ghi nhận sự cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất đã khiến tình trạng sinh lý, tâm lý của con người thay đổi và hiện tượng xâm hại trẻ em là một trong những hệ quả tiêu cực của sự thay đổi đó.
Dù theo ý kiến nào thì không thể phủ nhận một thực tại là hằng ngày, hằng giờ, ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư, trẻ em đã và đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt rất dễ trở thành đối tượng của những hành vi đồi bại. Cần nhanh chóng rà soát hệ thống bảo vệ đối với trẻ em đang vận hành và có những biện pháp điều chỉnh, hoàn thiện.
Luật pháp có vẻ đang đi chậm so với đòi hỏi của thực tiễn. Đúng là việc định dạng biện pháp xử lý đối với hành vi xâm phạm thân thể của trẻ em được thực hiện khá chặt chẽ trong pháp luật hình sự hiện hành.
Cụ thể, trong hầu hết các quy định liên quan đến các tội xâm phạm thân thể, bên cạnh các quy định chung, Bộ luật hình sự có những quy định riêng về khung hình phạt áp dụng trong các trường hợp người bị hại là trẻ em.
Tuy nhiên, dường như các chế tài chưa đủ mạnh để khiến người ta phải sợ, rồi từ đó không dám làm bậy. Cần coi hành vi xâm hại thân thể trẻ em là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, về mặt trật tự công và đạo đức, và người phạm tội phải bị chế tài thật nặng.
Hoàn thiện luật pháp chỉ mới là điều kiện cần. Quan trọng hơn nữa là luật pháp được thực thi nghiêm chỉnh, dứt khoát và kiên quyết. Người có hành vi phạm pháp, dù là quan chức hay thường dân, dù giàu hay nghèo, đều phải chịu sự chế tài như nhau trong trường hợp vi phạm pháp luật giống nhau.
Việc Tòa án nhân dân tối cao vừa có văn bản chỉ đạo hoạt động xét xử đối với các hành vi phạm tội xâm hại trẻ em là động thái tích cực đáng ghi nhận của hệ thống tư pháp. Nhưng để tòa án có thể bày tỏ thái độ nghiêm khắc đối với kẻ phạm tội, cơ quan điều tra và cơ quan công tố cũng phải quyết liệt, khẩn trương trong việc phát hiện và nhận diện hành vi vi phạm pháp luật.
Về phần mình, xã hội, cộng đồng cần có thái độ lên án thật mạnh mẽ đối với hành vi xâm hại trẻ em, coi đó là việc làm phi đạo đức và phi nhân tính. Tất nhiên, việc lên án phải được thực hiện một cách có trật tự, đĩnh đạc, thể hiện tinh thần cao thượng và văn minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận