Phải coi trọng y tế dự phòng

TTCT - Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Quốc hội kỳ họp vừa qua đã thông qua nghị quyết yêu cầu tăng chi ngân sách hằng năm cho y tế, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Đó là một quyết định sáng suốt.

Ai cũng biết trong năm phương châm y học cách mạng Việt Nam, thì phòng bệnh đứng hàng đầu với khẩu hiệu “phòng bệnh là chính”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhờ đó, ngay trong những năm chiến tranh gian khổ, khó khăn nhiều mặt, chúng ta đã thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho quân và dân, bảo đảm cho sản xuất và chiến đấu thắng lợi. Vào thời kỳ đó, tìm một trường hợp bệnh lậu, bệnh tả, bệnh dại... cho sinh viên học thật khó khăn.

Nhưng những năm gần đây, y tế dự phòng bị sao nhãng. Hình như người ta coi trọng việc điều trị bệnh hơn là công tác phòng bệnh. Ngoài một số dịch bệnh mới phát sinh, nhiều dịch bệnh đã bị đẩy lùi nay lại tái xuất hiện và bùng phát. Vệ sinh thực phẩm không được coi trọng nên dịch tiêu chảy xảy ra nhiều nơi. Ngộ độc thực phẩm vừa mang tính cấp thời vừa tiềm ẩn dai dẳng. Vệ sinh học đường bỏ ngỏ nên bệnh xương khớp, tật khúc xạ ở học sinh tăng cao. Vệ sinh môi trường kém nên ô nhiễm nặng nề cả nông thôn và thành thị. Vệ sinh lao động không được chú ý, xảy ra nhiều tai nạn và nguy cơ bệnh nghề nghiệp khó tránh khỏi. Sức khỏe của quảng đại nhân dân bị ảnh hưởng và việc quá tải của các bệnh viện là tất yếu.

Ngành y tế dự phòng ít được quan tâm như trước cả về ý thức và tổ chức. Đời sống thu nhập của người làm y tế dự phòng và người làm công tác điều trị ở bệnh viện cách biệt quá xa. Thù lao bồi dưỡng cho người phòng chống dịch chưa thỏa đáng. Mạng lưới y tế dự phòng lỏng lẻo, kém hiệu lực. Ngày càng ít người ham muốn, yên tâm theo chuyên ngành y tế dự phòng. Phòng bệnh kém thì dịch bệnh phát triển, bệnh tật phát sinh gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội. Ý nghĩa kinh tế của hoạt động y học dự phòng thật quá rõ ràng.

Cần phải đặt đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của y tế dự phòng trong toàn bộ công tác chăm lo sức khỏe nhân dân. Ngoài ngân sách, phải chuyển biến mạnh mẽ về quan điểm, ý thức và tổ chức để y tế dự phòng hoạt động vững chắc, hiệu quả.

Cua 2/9: cua tử thần

Trên quốc lộ 7A, tại km86+150m, thuộc thôn 2/9 xã Bồng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An), giữa hai huyện Anh Sơn và Con Cuông, có một khúc cua có thể nắn cho không bị ngoặt quá như hiện nay. Bởi nơi đây đất hành lang giao thông còn rộng, nếu đi từ Anh Sơn lên thì phía tay trái còn khoảng đất trống, có thể mở hoặc ủi cho phẳng ra 20-30m, để mở rộng thêm tầm nhìn. Nhưng không hiểu vì sao đã hai lần nâng cấp quốc lộ 7A, trong vòng năm năm nay, người ta vẫn không làm?! Ngay cả bây giờ tuyến đường này vẫn đang trong thời kỳ nâng cấp tiếp.

Đoạn đường này nếu tính cả hai phía, trước và sau cua là đường thẳng và vắng, các phương tiện giao thông đều cho xe chạy tốc độ cao nên thường xảy ra tai nạn. Đường vắng, xe chạy nhanh khi vào cua thường làm người điều khiển phương tiện bị húc vào bờ đất hai bên đường, tự gây tai nạn nhất là khi gặp phương tiện đi ngược chiều. Tại khúc cua này hằng năm xảy ra không dưới chục tai nạn, làm nhiều người chết và bị thương. Chỉ tính trong bốn tháng đầu năm 2008, có hai tai nạn làm hai người chết và bốn người bị thương nặng. Đoạn đường này vắng người, lại xa các trung tâm y tế, nên khi tai nạn xảy ra nạn nhân không được cấp cứu kịp thời.

Nhân dân mong các cơ quan chức năng cho vài ca máy ủi, san bằng ở bụng cua mở rộng tầm nhìn, làm rộng đường để hạn chế tai nạn xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận