Bà N.T.H. thường trú tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Tháng 5-2023, bà H. và các anh chị em được thừa kế phần đất hơn 2.400m2 (đất ở tại đô thị và đất bằng có cây trồng hằng năm khác) tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (nơi bà sống cùng cha mẹ trước đây).
Khi bà H. và các anh chị làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận, UBND phường Mũi Né gửi công văn cho UBND phường Bình Trị Đông B đề nghị phường này xác nhận về việc bà H. có trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp tại địa phương hay không.
Một trường hợp khác, cha mẹ ông V.N. có thửa đất hơn 2.000m2 (đất lúa) ở huyện Củ Chi do cha ông đứng tên. Năm 2020 cha ông V.N. mất, phần đất đó được chính quyền cấp sổ lại cho ông N. và mẹ ông cùng đứng tên chủ quyền.
Mới đây, mẹ ông V.N. tặng phần của mình để một mình ông V.N. đứng tên chủ quyền. Khi ông V.N. làm thủ tục để sang tên, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi đề nghị ông V.N. bổ sung thông tin ông V.N. có trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
Ông N. phải đến UBND phường nơi thường trú (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM) để xin xác nhận.
Bà H.N. (quận 6, TP.HCM) đi đăng ký cấp giấy chứng nhận cho thửa đất nông nghiệp (gồm đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm) ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng phải về nơi thường trú để xác nhận về việc có trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM) dẫn ra thực tế tréo ngoe về thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, theo hướng dẫn của thông tư 33/2017. UBND cấp xã nơi có đất nông nghiệp gửi văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đăng ký cấp giấy chứng nhận thường trú cấp xác nhận "nông dân".
Địa phương nơi thường trú không biết người dân mua đất, sử dụng đất nông nghiệp ở đâu lại có chức năng xác nhận nông dân, nơi có đất nông nghiệp lại phụ thuộc vào xác nhận của địa phương thường trú.
"Việc này dễ dẫn đến xác nhận không chính xác, thậm chí là tiêu cực khi xác nhận", luật sư Nghị nói.
Theo luật sư Nghị, thực trạng trên cũng gây rắc rối cho người dân khi so với thực tế quy hoạch.
"Ví dụ ngay như TP.HCM có nơi đất nông nghiệp nhưng quy hoạch không còn là đất sản xuất nông nghiệp. Hoặc có nơi quy hoạch là đất sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế đất đã được sử dụng theo mục đích khác...
Vì vậy, người dân nhận thừa kế, tặng cho, mua bán đất nông nghiệp sẽ gặp khó. Vướng mắc này cần phải có chấn chỉnh, hướng dẫn để thực hiện thống nhất...", luật sư Nghị phân tích.
GS Đặng Hùng Võ - chuyên gia quản lý tài nguyên - cho rằng: Luật Đất đai hiện hành chỉ quy định không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa nếu hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Trừ đất lúa, các loại đất nông nghiệp khác không bị hạn chế quyền được cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng bỏ luôn quy định hạn chế việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa.
"Như vậy, quy định sắp tới kể cả với đất lúa thì không nhất thiết phải là nông dân, phải sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng", ông Võ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận