Tiến sĩ Hà Thăng Long - Ảnh: Đoàn Cường
UBND TP Đà Nẵng đã có các cuộc làm việc với hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp cũng như tham vấn các nghiên cứu khoa học về Sơn Trà và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan, đồng thời kiến nghị Thủ tướng quan tâm đến ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng về việc phát triển du lịch tại Sơn Trà
Một cán bộ UBND TP Đà Nẵng
Làm thế nào để bảo vệ khỏi bàn tay tàn phá của con người và... các dự án?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hà Thăng Long - chủ tịch hội đồng sáng lập Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet (một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 2012 tại Đà Nẵng) - cho biết:
- Tôi đã bắt đầu tiếp cận bán đảo Sơn Trà để nghiên cứu khoa học từ năm 2002 cho đến nay. Chúng ta đều biết rõ giá trị của Sơn Trà về đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài động vật, thực vật, giá trị dược liệu, tính liền mạch giữa hệ sinh thái rừng và biển.
Hiện tại, nếu làm một đánh giá nhanh sẽ thấy được các tác động hiện hữu tới hệ sinh thái của Sơn Trà.
Cụ thể: việc mở đường sá với tất cả các tuyến cộng lại khoảng 85km trên bán đảo Sơn Trà; các hoạt động về xây dựng cơ sở du lịch, kinh doanh buôn bán ở khu vực từ Bãi Bụt ra Bãi Bắc; tác động từ khu vực Tiên Sa.
Cần nhìn vào 3 nhóm tác động này để có các giải pháp.
Như về đường sá, cần phải tình trạng người ra vào bằng các phương tiện máy nổ, cơ giới... Kiểm soát không có nghĩa là cấm mà chỉ cho phép xe cộ lưu thông hợp với hệ sinh thái rừng, như xe điện chẳng hạn. Nếu kiểm soát tốt, hệ thực vật, động vật sẽ tự tái tạo và phục hồi.
Với hoạt động kinh doanh thì phải kiểm tra các tác động đến môi trường Sơn Trà. Phải kiểm soát việc sử dụng nguồn nước của các nhà hàng, khách sạn bởi đó là sự cạnh tranh trực tiếp với sinh vật tự nhiên, đặc biệt là các loài thuộc nhóm lưỡng cư, bò sát...
Ai làm thiệt hại đến môi trường sinh thái cần loại bỏ để cho tự nhiên phục hồi.
Ông Hoàng Đình Bá, nguyên trưởng Ty lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, bật khóc khi phát biểu tại hội thảo về Sơn Trà năm 2017 - Ảnh: Đoàn Cường
* Nhưng ai sẽ đứng ra thực hiện sự kiểm soát đó, thưa ông?
- Công tác quản lý đang có sự chồng chéo. Như BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thì quản lý hoạt động du lịch; kiểm lâm thì giữ rừng; tài nguyên - môi trường giữ vệ sinh môi trường; quân đội làm nhiệm vụ an ninh quốc phòng.
Ai cũng có quyền nhưng cuối cùng không thấy ai có trách nhiệm. Đáng lẽ các bộ phận đó phải đưa ra một phối hợp kiểm soát thực sự rõ ràng, hiệu quả.
Đặc biệt là phải có sự tham gia của các tổ chức dân sự liên quan đến bảo vệ môi trường, sinh thái và sự tham gia của cộng đồng địa phương.
* Hiện có 18 dự án tại Sơn Trà, trong đó có các dự án đã triển khai hoặc chưa, xử lý như thế nào với các dự án này?
- Cần có một nghiên cứu để đánh giá việc triển khai các dự án tại Sơn Trà ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, các loài động thực vật như thế nào. Chỉ cần làm đúng luật thôi. Tức là mỗi dự án đó bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường.
Đảm bảo khi tiến hành đánh giá tác động môi trường nghiêm túc thì đa phần các dự án đó không thể trả giá nổi cho những mất mát về đa dạng sinh học, môi trường của bán đảo Sơn Trà. Với lợi ích và mất mát mang lại thì phải cân nhắc tính toán thiệt hơn để có quyết định phù hợp.
Theo Luật đa dạng sinh học, một hội đồng đánh giá tác động môi trường phải có chức năng, có chuyên môn, phải tiến hành tham vấn và báo cáo với cả cộng đồng. Các dự án hiện chưa triển khai ở Sơn Trà vẫn phải chịu sự điều chỉnh của Luật đa dạng sinh học.
* Với dự án đã triển khai rồi thì sao?
- Theo luật, các dự án đã được triển khai rồi vẫn phải chịu sự giám sát thường xuyên. Không thể thả lỏng việc giám sát này. Tại Philippines, chính quyền mới đóng cửa một khu du lịch nhờ hoạt động giám sát ấy.
* Theo ông, các quyết định của cơ quan chức năng đối với Sơn Trà có cần phải tham vấn các nhà khoa học?
- Theo tôi là cần. Lâu nay, khi đưa ra quyết định về Sơn Trà họ cũng có tham vấn một số cơ quan. Nhưng tính nghiêm túc trong việc tham vấn các nhà khoa học và sử dụng thông tin của các nhà khoa học thì chưa có.
* Theo ông, tương lai Sơn Trà nên quy hoạch theo hướng nào?
- Sơn Trà là báu vật trong lòng TP Đà Nẵng. Vấn đề là sử dụng báu vật này như thế nào.
Theo tôi, nên bảo tồn và khai thác kinh tế sự bảo tồn ấy như khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) đã thực hiện. Ở đó họ có quần thể voọc quần đùi trắng và họ khai thác du lịch quanh quần thể này.
Sơn Trà cũng vậy - nơi có nữ hoàng linh trưởng, hệ sinh thái được giữ gìn tốt. Sơn Trà nên để một đơn vị của TP quản lý, tổ chức bán vé thu tiền lên Sơn Trà, một phần trả cho kiểm lâm, bảo vệ rừng, một phần mang lại nguồn thu.
Nếu có dịch vụ xe điện phục vụ du lịch sẽ giải quyết bao nhiêu việc làm cho người dân, chưa kể các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng ở dưới chân núi phục vụ du khách...
* Vậy "bài toán" Sơn Trà đâu phải không có lời giải?
- Đúng. Chỉ không có lời giải khi chính quyền giao hết cho doanh nghiệp để thu lợi trước mắt trong khi mô hình du lịch sinh thái bền vững thì chưa rõ ràng về lợi nhuận.
Bán đảo Sơn Trà không chỉ là giá trị kinh tế mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng...
Vì thế cần có một hội nghị quy tụ đại diện tất cả các lĩnh vực để cùng trao đổi rõ ràng, sòng phẳng, tìm một đáp án mang tính toàn diện nhất để chính quyền có cách hành xử, quyết định phù hợp.
Giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà báo kỳ cựu Trương Điện Thắng, một công dân của Đà Nẵng, cho rằng: "Đối với bán đảo Sơn Trà hiện nay, những dự án nào chưa triển khai và những dự án nào mờ ám thì cần phải thu hồi.
Với những dự án hợp lệ, chính quyền cần đàm phán đổi đất với nhà đầu tư để trả lại đất cho Sơn Trà.
Theo tôi, với những giá trị về đa dạng sinh học, quốc phòng an ninh tại Sơn Trà thì cần phải giữ nguyên trạng bán đảo này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận