18/04/2017 18:27 GMT+7

​Phải chủ động nắm thông tin để ra đòn chứ không chờ tố giác

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ông Lê Minh Trí- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - đề nghị như vậy khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành truyền thống Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao diễn ra chiều 18-4.

Theo ông Trí, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án.

Vì vậy, cơ quan này đang làm nhiệm vụ về mặt tâm lý mà nhiều người cũng ngại vì điều tra chỉ ra cái sai của đồng chí, đồng đội mình. Khó khăn về tâm lý này không dễ vượt qua nhưng thời gian qua Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối vẫn hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, tổ chức phân công.

Ông Trí khẳng định Cơ quan điểu tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là thương hiệu, uy tín của ngành kiểm sát  nhân dân nếu làm tốt, có được bản lĩnh dám bảo vệ cái đúng, thẳn thắn chỉ ra được cái sai.

“Cán bộ đông, làm có đúng có sai nhưng cán bộ Cơ quan điều tra kiểm sát mà vi phạm pháp luật thì nỗi đau, tổn thất cho ngành lớn lắm. Phải ý thức điều đó’ – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao  nhấn mạnh và đề nghị Cơ quan điều tra phải công tâm trong công việc, không có mục đích gì khác ngoài nhiệm vụ được giao. Đồng thời tăng cường quản lý để hạn chế xảy ra tiêu cực, sai phạm trong chính lực lượng của mình.

Theo ông Trí, trong công việc, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải biết chọn những vụ việc, đối tượng điều tra xử lý nghiêm để có tác dụng giáo dục răn đe chung trong các cơ quan tư pháp và kể lực lượng kiểm sát nhân dân. Vì vậy, không phải điều tra nhiều vụ án là giỏi mà đã điều tra  thì tới nơi tới chốn, đi đến tận cùng để đủ chứng cứ xử lý được. Qua đó, ngăn ngừa hạn chế được các các sai phạm mới là thành công.  

Ông Trí cũng lưu ý: “làm nghề này phải chủ động nắm thông tin thì mới ra đòn được, cứ chờ tố giác thì sẽ không kịp thời. Làm vụ nào ra vụ đó và thuyết phục được… Chỗ nào dư luận nói nhiều phải rà ăn ten làm một hai vụ sẽ trật tự ngay. Không chỉ nghe mà phải sờ thử vào chỗ nhạy cảm”.

Cũng theo người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân, ngoài việc phát hiện ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ tố tụng như bức cung, nhục hình, ra bản án sai,  Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải chú trọng kiểm soát hành vi để lọt tội phạm. Bởi vì oan sai có thể do năng lực, trách nhiệm nhưng để sót lọt tội phạm nhiều khi do  tiêu cực.

“Có những cái tùy tiện dân chúng đang bức xúc như án dân sự không có chế tài bồi thường cứ xử rồi hủy riết  mà phía sau không loại trừ có tiêu cực thì thử làm xem thế nào, làm được vài cái chắc giảm bớt. Để hạn chế ngăn ngừa được những vụ việc đó cũng là thành công”- ông Trí đề nghị điều tra thêm các vụ dân sự có dấu hiệu tiêu cực.

Theo ông Vũ Đăng Khoa- Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao- từ năm 2011 đến 2014 cơ quan này đã tiếp nhận, thu thập 4.036 thông tin về tội phạm và đã nghiên cứu giải quyết 3.947 thông tin. Khởi tố, thụ lý điều tra 153 vụ với 160 bị can. Trong đó có 54 vụ tội phạm về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, 22 vụ tội phạm về chức vụ trong hoạt động tư pháp, 56 vụ tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp…

Trong số các vụ án khởi tố, thụ lý điều tra do Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung về tội giết người, cướp tài sản để minh oan,  trả lại tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang  sau hơn 10 năm bị giam giữ.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên