08/11/2012 21:23 GMT+7

Phải chất vấn tới nơi mới làm rõ trách nhiệm

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Sáng 8-11, Quốc hội thảo luận về chương trình giám sát năm 2013. Đa số ý kiến đồng ý chọn hai nội dung giám sát theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế (giai đoạn 2009 - 2012).

SS1FLlOk.jpgPhóng to

"Báo cáo giám sát liên quan đến các quyết định hành chính về đất đai tại kỳ họp này chưa xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong giải quyết đơn của công dân trong khi lĩnh vực này chiếm 70% đơn khiếu nại" - ĐB Trương Văn Vở nói - Ảnh: Việt Dũng

Bảo vệ người lao động, bảo vệ rừng

Đồng ý với việc tập trung giám sát về bảo hiểm y tế, nhưng đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung thêm nội dung về bảo hiểm xã hội chứ không phải chỉ có bảo hiểm y tế. Bà Hòa dẫn báo cáo của kiểm toán cho thấy nợ, chậm nộp các loại bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành, nhất là những nơi có nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hệ quả là số nợ đọng bảo hiểm xã hội rất lớn và có đến 20% số lao động trong diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến nay chưa đóng bảo hiểm xã hội.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho biết theo tính toán sơ bộ giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động, thương binh và xã hội, nguy cơ mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội hưu trí sẽ xuất hiện sớm hơn nhiều so với dự kiến. ĐB Hà cũng bức xúc tình trạng trốn tránh, thất thu nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội diễn ra thường xuyên, số nợ đọng không giảm do thiếu chế tài xử lý, chưa rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan.

Trong khi đó, một số ý kiến tha thiết đề nghị giám sát quản lý, bảo vệ rừng. "Đã một thập kỷ, Quốc hội dành rất nhiều thời gian cũng như công sức để xem xét, đánh giá, giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ, phát triển rừng. Nhưng nhìn lại chúng ta thấy rằng tất cả các kiến nghị, kết luận, vấn đề đặt ra của Quốc hội đối với Luật bảo vệ, phát triển rừng cho đến nay đã làm được gì. Tôi nghĩ cần phải xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Đến nay, chúng ta vẫn xót xa rằng lâm tặc, nạn phá rừng, săn bắn động vật hoang dã đang tấn công vào những vùng rừng cuối cùng của Việt Nam. Vấn đề bây giờ không phải là giám sát nữa mà chúng ta phải đánh giá lại việc thực hiện những việc Quốc hội đã làm, những kết luận Quốc hội đã có, đã yêu cầu Chính phủ phải thực hiện" - ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng rất lo lắng, rất bức xúc trước tình trạng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sử dụng để làm thủy điện. Ông dẫn chứng như dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã kiến nghị làm rõ việc sử dụng rừng, nhưng đến giờ này chưa có bộ ngành nào trả lời.

ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) ủng hộ giám sát về quản lý bảo vệ trừng, trong đó đặc biệt lưu ý rừng ở biên giới.

Mời chuyên gia độc lập vào đoàn giám sát

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng các báo cáo giám sát thiếu ý kiến của cử tri, những bằng chứng độc lập. “Chúng ta hầu hết chỉ đến nghe báo cáo, không có những đánh giá của một tổ chức phi chính phủ hay một cơ quan độc lập” - ông Tiên nói. Cách làm này, theo ông Tiên, nhiều khi xảy ra tình trạng che giấu những thực tế ở địa phương.

ĐB Trương Văn Vở góp ý báo cáo giám sát phải nêu rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là trách nhiệm của cá nhân. Ông dẫn chứng báo cáo giám sát liên quan đến các quyết định hành chính về đất đai tại kỳ họp này, chưa xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong giải quyết đơn của công dân trong khi lĩnh vực này chiếm 70% đơn khiếu nại.

Cho rằng giám sát phải đi vào thực chất, nên ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị áp dụng phương pháp vi hành, cụ thể là “gặp dân trước, gặp quan sau”. Trước khi giám sát cần lắng nghe ý kiến của cử tri gợi ý, phản ảnh. Ông còn đề nghị mời chuyên gia, nhà khoa học độc lập, khách quan và có kiến thức cùng tham gia các đoàn giám sát thì những vấn đề, những câu hỏi đặt ra sẽ sâu sắc hơn.

Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị cần bớt quan chức các bộ ngành trong các đoàn giám sát, cần tăng chuyên gia độc lập, những người am tường để tham gia tư vấn cho đoàn giám sát, cho đại biểu Quốc hội. Ông cũng tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc thực hiện các kết quả đã giám sát và đưa ra các kiến nghị từ suốt Quốc hội khóa XII đến nay.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên