02/03/2015 10:29 GMT+7

​Phải cạnh tranh bằng tri thức và công nghệ mới

QUANG HIẾU thực hiện
QUANG HIẾU thực hiện

TT - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đức Khương khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những cơ hội của kinh tế VN nhân dịp đầu năm 2015.

TS Nguyễn Đức Khương - Ảnh: CTV
Cá nhân tôi thấy rằng có nhiều bạn trẻ khi bắt đầu đạt được một số thành công với công việc, kinh tế thì rất dễ bằng lòng với mình, ít hoặc không còn ý chí vươn lên. Ngược lại, cũng có một số người dễ nản chí khi gặp một số trục trặc, khó khăn... Theo tôi, không có thành công nào mà không trải qua các thách thức, gian nan...
TS NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG

Tiến sĩ Khương (phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, trưởng khoa kinh tế - tài chính tại Học viện Hành chính và quản trị kinh doanh Paris) nói: “Sau 40 năm thống nhất đất nước, VN đã đạt được nhiều thành quả phát triển ấn tượng, trong đó ba thành quả đặc biệt có thể ghi nhận ở đây.

Trước hết, đó là chính sách “Đổi mới” bắt đầu từ năm 1986, là tiền đề biến VN trở thành một trong những nền kinh tế năng động và có mức độ hội nhập kinh tế, chính trị sâu rộng với quốc tế.

Về phương diện hội nhập thương mại quốc tế kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007, VN cùng với Singapore là hai trong số các quốc gia có mức độ mở cửa thị trường lớn nhất trong khu vực và ở châu Á, vượt trên Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

Thứ hai, thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng thu nhập trong xã hội, thúc đẩy bình quyền nam nữ trong hầu hết hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội. Theo Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), VN đã có bước tiến rất ngoạn mục trong công cuộc giảm nghèo.

Cụ thể, tỉ lệ nghèo ở VN giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 14,5% năm 2008. Theo một số đánh giá độc lập, tỉ lệ nghèo ở nước ta dưới 10% năm 2014. 

Cuối cùng, VN đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác đa phương cùng có lợi với hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”.

* Những cơ hội nào ông thấy tiếc cho VN?

- Có lẽ những thành công ở trên sẽ lớn hơn nữa nếu có những đầu tư thích đáng và chính sách hợp lý cho đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào, có khả năng tiếp thu các kiến thức hiện đại nhanh.

Trong khi hàm lượng tri thức trong nền kinh tế của nước ta còn thấp, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc... đã có nền kinh tế dựa trên năng lực sản xuất (productivity-based), còn các nước hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật đã bắt tay vào việc xây dựng một nền kinh tế dựa vào sáng tạo (innovation-based).

Thiếu những đột phá về khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất dẫn đến những yếu kém về khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp trong nước.

Chúng ta còn xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, nhiều lĩnh vực còn phải nhập khẩu tới hơn 80% nguyên liệu từ các nước láng giềng. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước vẫn là một vấn đề gặp nhiều khó khăn.

* Với những nguồn lực hiện có, ông hình dung thế nào về vị thế xứng đáng của VN?

- Sử dụng tốt và hiệu quả nguồn nhân lực, đầu tư trọng điểm vào giáo dục - đào tạo, xây dựng một nền kinh tế đa dạng, có các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đủ khả năng cạnh tranh với quốc tế thì chí ít VN cũng phải nằm trong top các nền kinh tế hàng đầu của ASEAN và châu Á.

Điều này cần một nỗ lực vượt bậc từ mỗi cá nhân, tập thể vì khi chúng ta vận động đi lên thì các nước khác cũng không dừng lại để chờ ta.

* Kinh tế chính trị thế giới vẫn đang biến động phức tạp, thách thức với VN rất lớn nhưng cơ hội cũng mở ra rất nhiều. Làm thế nào để VN tận dụng hiệu quả các cơ hội này?

- Bất ổn, căng thẳng địa chính trị đến từ các cuộc khủng hoảng chính trị, nội chiến, tấn công khủng bố và các tranh chấp chủ quyền như ở khu vực biển Đông đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động thương mại toàn cầu, VN khó tránh khỏi những khó khăn từ các biến động này.

Tuy nhiên, môi trường chính trị và kinh doanh ổn định là lợi thế rất lớn của VN trong khung cảnh thế giới hiện nay. Theo chỉ số ổn định chính trị của Ngân hàng Thế giới năm 2013, VN xếp hạng 80 trên 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng trước Tây Ban Nha (hạng 99) và các nước khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

Để tận dụng tốt các cơ hội đến từ hội nhập kinh tế và các quan hệ đối tác chiến lược, theo tôi, cần nhất là hiểu được vai trò và sức mạnh của tri thức, của công nghệ và đổi mới công nghệ. Đây là các yếu tố quyết định của tăng trưởng và cạnh tranh quốc tế.

Chúng ta cũng cần tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới công nghệ.

* Kinh tế VN vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi Trung Quốc, theo ông, cần làm gì để có nền kinh tế tự chủ hơn?

- Trong điều kiện thương mại hai bên cùng có lợi, một sự phụ thuộc lớn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có nhiều hướng có thể triển khai đồng thời.

Thứ nhất, tăng cường hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương hợp tác kinh tế với các đối tác chiến lược, các đối tác trong các hiệp định tự do thương mại.

Thứ hai, củng cố vị trí của mình trong khối ASEAN để nâng cao vai trò của ASEAN như một đối tác có vị thế với Trung Quốc. Thứ ba, tăng thực lực của nền kinh tế và đây cũng là điểm quan trọng nhất.

Tự chủ và tự cung tự cấp các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước. Tôi tin việc này chúng ta có thể làm được và người Việt sẽ rất tự hào khi dùng hàng Việt. Cuối cùng, đa dạng hóa các mặt hàng, đảm bảo được các yêu cầu chất lượng của nhiều thị trường khác nhau sẽ giúp chúng ta tiếp cận và chiếm lĩnh thị phần ở nước ngoài.

* Năm nay và năm tới, đại hội Đảng các cấp với những đường lối mới sẽ được công bố, lớp lãnh đạo mới sẽ xuất hiện, ông kỳ vọng gì ở lần đại hội này?

- Đây là sự kiện được tất cả các quốc gia đối tác và mọi người dân trông đợi. Chúng ta luôn cần một đội ngũ lãnh đạo có tài đức, có tầm nhìn chiến lược, hết mình vì công cuộc xây dựng đất nước, có khả năng tập hợp những người giỏi để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đánh giá trung thực, nhìn nhận trực diện vào những điểm yếu, điểm chưa làm được trong các nhiệm kỳ trước để hoạch định, triển khai các chiến lược và cải cách mà nước ta đang cần.

Chẳng hạn, các nhà đầu tư nước ngoài thường phàn nàn về thủ tục hành chính phức tạp và rườm rà của VN. Như vậy, chúng ta cần hành động kiên quyết cải cách, xóa bỏ các khâu phức tạp, bộ máy cồng kềnh để hạn chế cơ hội cho các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng.

TS Nguyễn Đức Khương hiện là giáo sư tài chính, phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, trưởng khoa kinh tế - tài chính tại Học viện Hành chính và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School, Paris, Pháp).

Tốt nghiệp TS chuyên ngành quản trị tài chính tại Đại học Grenoble, bảo vệ thành công luận án HDR (Habilitation for Supervising Doctoral Research) tại Đại học Cergy-Pontoise và hoàn thành khóa đào tạo “Lãnh đạo phát triển” tại Harvard Kennedy School.

Ngoài ra, TS Khương còn là chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia VN (AVSE), tổng thư ký Hội Tài chính người Việt quốc tế (Vietnam Finance Association International), thành viên hội đồng quản trị của Hội Tài chính châu Á (Asian Finance Association)...

QUANG HIẾU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên