13/05/2023 11:21 GMT+7

Phải cân nhắc việc tăng học phí

Nhiều đại biểu khẳng định như vậy tại hội thảo khoa học quốc gia 'Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ' do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức vào ngày 12-5 tại Trường đại học Cần Thơ.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Y Dược TP.HCM năm 2022 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Y Dược TP.HCM năm 2022 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục đã bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng không nhất thiết là phải tăng học phí.

Tăng đầu tư cho giáo dục đại học

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện chi ngân sách cho giáo dục đại học ở Việt Nam chỉ khoảng 0,25% GDP, trong khi cần đảm bảo mức chi này ở mức 1%. 

"Đề nghị đừng bao giờ quan niệm chi cho giáo dục đại học là một khoản chi tiêu dùng, chi cho du lịch và các dịch vụ khác. Chi cho giáo dục là khoản chi cực kỳ quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần có trong đầu, đừng thay đổi. 

Trong ngành giáo dục hiểu rất rõ, nhưng ngoài bộ (bộ ngành khác) có tư duy chi cho giáo dục đại học là chi cho tiêu dùng nên người học phải trả đúng, trả đủ. Tư duy cực kỳ không có lợi cho sự phát triển" - ông Tiến nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nêu quan điểm nếu thu đúng thu đủ như một số đề xuất thì các trường đại học ở Việt Nam sẽ "chết" ngay lập tức, bởi nhiều người sẽ chọn học ở nước ngoài "sướng" hơn. Vì vậy ông Dũng cho rằng "phải cân nhắc tăng học phí ở mức vừa vừa, kêu gọi thu đủ là không được đâu".

Ông Dũng gợi ý giải pháp từ bài toán tiết kiệm trong chi tiêu, thu hút nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài (doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị và hỗ trợ khác). Ông dẫn chứng vào thời ông làm hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khoản dư ra của trường khoảng 450 tỉ đồng. Nhà trường "luôn để khoản 400 - 500 tỉ đồng trong ngân hàng để có tiền lãi hỗ trợ sinh viên nghèo vùng sâu vùng xa, có năm tới hơn 30 tỉ đồng.

"Bất cập trong giáo dục đại học Việt Nam gồm nhiều thứ, đừng nói chuyện thu không thôi. Thu cần vừa phải" - ông Dũng đề nghị.

Có trường ngàn tỉ, có trường "rất bé"

Bà Trần Thị Thu Hà, nguyên vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết trong số 15 trường có doanh thu lớn nhất năm 2020 có Trường đại học RMIT doanh thu 1.853 tỉ đồng, Trường đại học Bách khoa Hà Nội 1.096 tỉ đồng, Trường đại học Hutech 989 tỉ đồng, Trường đại học Cần Thơ 954 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, bà Hà cũng bày tỏ lo ngại quy mô các trường đại học của Việt Nam "rất bé" (trường lớn có quy mô 60.000 sinh viên, nhưng trường bé ở tỉnh chỉ có từ 1.000 đến 3.000 sinh viên; bình quân khoảng 9.000 sinh viên/trường) và quy mô nhỏ như thế thì nguồn tài chính lấy đầu ra để bù đắp cho chi phí hoạt động của trường.

Vì vậy bà Hà cho rằng mạng lưới các trường đại học hiện nay "chưa thật là tối ưu mà dàn trải rất nhiều, kéo theo đầu tư tài chính dàn trải nên rất khó khăn". 

Ngoài ra, dẫn trong số 176 trường đại học công lập, có 22 trường thuộc địa phương quản lý, trong khi ngân sách các địa phương eo hẹp và phải chi cho rất nhiều hoạt động khác của địa phương nên "ưu ái cho các trường đại học ở địa phương là không lớn". 

Từ thực tế đó, bà Hà kiến nghị không nên dàn trải với quy mô nhỏ, ra một mạng lưới trường như vậy và không nên giao hết cho địa phương quản lý.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn (Trường đại học Sài Gòn) cho rằng hiện nay có những chính sách chưa tối ưu gây khó khăn cho tự chủ tài chính. 

Ông Tuấn kiến nghị chính phủ phải có chính sách cân đối, hỗ trợ giáo dục đại học để các trường không phải tăng học phí vì điều kiện kinh tế của người dân còn ở mức thấp.

Ông Tuấn cũng đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ cho trường đại học theo số người học, ngoài ra cần tạo cơ chế thông thoáng hơn nữa, "mở" hơn nữa để các trường tăng nguồn thu.

Khơi thông điểm nghẽn về nguồn lực

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng đầu tư cho giáo dục đại học không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn mang lại lợi ích trung hạn, dài hạn. Những kết quả đạt được của giáo dục đại học những năm qua chứng tỏ chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng đắn.

Việc cần làm trong thời gian tới đối với giáo dục đại học là cần phải tăng khả năng tiếp cận, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành nghề, giữa các trình độ đào tạo.

Theo ông Sơn, nhiều lần trên các diễn đàn đã nhắc tới các điểm nghẽn trong giáo dục đại học, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực. Trong đó, nguồn lực quan trọng nhất là nguồn lực tài chính, bên cạnh đó là nhân lực, vật lực, công nghệ...

Tìm kiếm nguồn lực bên ngoài

TS Lê Viết Khuyến, phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết hiện nay thầy thiếu mà thợ cũng thiếu. Lao động không có chuyên môn thậm chí chiếm đến 80%.

"Có nhiều ý kiến tăng nguồn xã hội hóa, nếu như không tăng học phí thì chất lượng không đảm bảo, nhưng đối với con em gia đình khó khăn thì khó tiếp cận, cũng như không công bằng với nền giáo dục tiên tiến. Trong điều kiện hiện nay còn hạn chế thì tìm kiếm nguồn lực bên ngoài" - ông Khuyến nói.

Đồng ý tăng học phí từ năm học 2023 - 2024

Học phí luôn là một trong những nội dung được học sinh, phụ huynh quan tâm tại các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: N.HUY

Học phí luôn là một trong những nội dung được học sinh, phụ huynh quan tâm tại các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: N.HUY

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có cuộc họp với Bộ GD-ĐT về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023 - 2024. Về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024, Bộ GD-ĐT cho biết đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí và thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Ông Hà đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo nghị định 81/2021/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập).

Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn giảm học phí) để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao, của các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng. Các bộ, ngành, địa phương có cơ chế "đặt hàng" đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học.

Theo nghị định 81, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 14,1 - 27,6 triệu đồng/năm học, tùy từng khối ngành (mức thu cũ là 9,8 đến 14,3 triệu đồng). Với các trường đại học bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên, khoảng 28,2 - 55,2 triệu đồng.

Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 70,5 - 138 triệu đồng/năm học.

Đáng chú ý, nghị định nêu rõ đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.

TRẦN HUỲNH

Học phí trường quốc tế tại TP.HCM vượt 900 triệu đồng/nămHọc phí trường quốc tế tại TP.HCM vượt 900 triệu đồng/năm

Học phí trường quốc tế trong năm học tới 2023-2024 có xu hướng tăng. Tại TP.HCM sẽ ghi nhận trường đầu tiên có học phí trên 900 triệu đồng/năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên