04/04/2017 15:39 GMT+7

​Phải bồi thường cho cả thân nhân người bị oan

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đối với một người bị oan thì không chỉ thiệt thòi cho bản thân họ mà vợ, con cũng chịu mất mát rất lớn, cần được bồi thường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị quy định cơ quan gây oan sai phải chủ động xin lỗi người bị oan chứ đừng chờ người ta yêu cầu - Ảnh: TTQH
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị quy định cơ quan gây oan sai phải chủ động xin lỗi người bị oan chứ không chờ yêu cầu - Ảnh: TTQH

Đó là một trong những nội dung đáng quan tâm tại dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), được Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận ngày 4-4.

Một người tù oan, cả nhà mất mát

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện còn tồn tại các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong đó, có ý kiến đề nghị chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết.

Quy định này phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị thiệt hại còn sống hay đã chết.

Bởi vì, quan hệ bồi thường ở đây không thuần túy là quan hệ dân sự thông thường mà là quan hệ giữa một bên là cơ quan nhà nước với một bên là cá nhân, tổ chức, xuất phát từ hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện công vụ.

Chính bởi tính chất của mối quan hệ đó mà hành vi vi phạm pháp luật này có ảnh hưởng trực tiếp không chỉ tới người bị thiệt hại mà cả đối với người thân của họ. Vì vậy, quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng phải tính tới xuất phát điểm của mối quan hệ đặc thù này.

Qua nghiên cứu hồ sơ một số vụ việc bồi thường của TAND tối cao cho thấy trong thời gian qua cũng đã có bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng phải xuất phát từ thực tế để xây dựng quy định pháp luật, ông đề nghị luật phải quy định bồi thường tổn thất tinh thần cho người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan.

Chủ động xin lỗi, đừng chờ yêu cầu

“Người bị oan bị tổn hại danh dự rất lớn. Vì vậy luật quy định phục hồi danh dự cho người bị oan là rất đúng. Tuy vậy, luật lại quy định là nhà nước tổ chức xin lỗi công khai đối với người bị oan khi có yêu cầu. Tôi cho rằng quy định như vậy là không hợp lý” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.

Theo bà Thủy, khi người thực thi công vụ đã làm oan cho dân thì không thể đợi người ta yêu cầu mới xin lỗi.

“Ban soạn thảo có giải thích là trong trường hợp người bị oan chưa có yêu cầu, nếu nhà nước chủ động công khai xin lỗi thì có thể ảnh hưởng đến quyền nhân thân của người bị oan. Tôi không thể hiểu được giải thích này, không tìm được ví dụ chứng minh cho quan điểm này” - bà nói.

Bà lấy ví dụ từ vụ ông Hàn Đức Long bị kết tội oan là giết người và hiếp dâm trẻ em: nếu ông ấy không yêu cầu xin lỗi công khai thì trong trường hợp này nhà nước mà xin lỗi thì ảnh hưởng gì đến quyền nhân thân của ông ấy?

“Tôi đề nghị luật quy định kể từ khi có văn bản thừa nhận người bị oan, trong vòng 10 ngày cơ quan làm oan phải xin lỗi công khai người bị oan trừ trường hợp người bị oan yêu cầu không cần xin lỗi” - bà Thủy kiến nghị.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên