02/11/2013 02:00 GMT+7

Phải biết nhận sai để bớt sai

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Sai sót trong y khoa là không tránh khỏi, ở VN đã vậy, ở các nước tiên tiến khác cũng vậy. Trong khi đó, tất cả sinh viên y khoa đều được dạy là không được phép mắc sai lầm vì sai lầm chính là tội lỗi.

LTS: Diễn đàn “Cách nào bịt đáy của y đức?” đã giới thiệu nhiều đề xuất về việc cần thiết lập nghiệp đoàn bác sĩ. Chúng tôi giới thiệu thêm hai ý kiến ở góc nhìn khác và tạm khép lại diễn đàn.

bw1V2y9T.jpgPhóng to
Công an Hà Nội bắt khẩn cấp bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (áo trắng, giữa)- Ảnh: Q.Thế

Về cơ bản chúng ta có thể chia sai sót thành hai nhóm: nhóm “có thể tránh được” và nhóm “không thể tránh được”. Các sai sót không tránh được có thể hiểu đơn giản là các sai sót ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát của chúng ta, và các sai sót có thể tránh được là những sai sót do sai lầm cá nhân, cẩu thả hay sơ suất.

Các sai sót có thể tránh được tưởng là nhỏ nhưng không hề nhỏ. Theo thống kê năm 2012 thì các sai sót y khoa có thể tránh được là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở Hoa Kỳ, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Xét một cách tổng quát, các sai sót y khoa có thể tránh được chiếm 1/6 số ca tử vong hằng năm ở Hoa Kỳ.

Tại VN chúng ta chưa có con số thống kê chính thức có bao nhiêu trường hợp tử vong hay tàn tật do những sơ suất hay sai sót của cán bộ y tế trong một năm. Mạng người vô cùng quý, và những ai đang ở trong ngành y đều hiểu hơn ai hết những lúc phải buông bát cơm đang ăn, vã mồ hôi, gồng mình cùng với đồng nghiệp giành giật lại sự sống cho bệnh nhân, vui với niềm vui cứu được bệnh nhân, buồn với mất mát của người nhà bệnh nhân. Nhưng dường như đang có một nghịch lý tồn tại trong y học là càng nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại, càng hiểu nhiều về bệnh lý, càng có nhiều lựa chọn điều trị chúng ta lại càng dễ mắc sai lầm.

Vấn đề là từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, tất cả sinh viên y khoa đều được dạy là không được phép mắc sai lầm vì sai lầm chính là tội lỗi. Cách nhìn nhận này làm người thầy thuốc không có can đảm khi thừa nhận mình đã sai lầm và hậu quả thật khó lường.

Một trong những sự việc gần đây làm chấn động dư luận là việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phi tang xác bệnh nhân sau khi xảy ra tai biến. Hành động hi hữu, khó tưởng tượng, phi nhân văn, phi đạo đức này đã bị xã hội lên án mạnh mẽ. Xin không bàn tới y đức, y đạo, y thuật của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường mà chỉ xin nói tới việc nếu Nguyễn Mạnh Tường hiểu được sai lầm trong y học là không thể tránh được, chấp nhận một sự thật là mình đã phạm sai lầm khi điều trị cho bệnh nhân và đưa bệnh nhân vào cấp cứu ngay thì sự việc xảy ra chắc không đến mức đau xót như vậy.

Có trường đại học y nào dạy bác sĩ Tường hành động như vậy không? Có người đứng đầu đơn vị/ngành nào dung túng cho hành động như vậy không? Tôi có thể khẳng định là không. Hiện nay mỗi khi có sai sót và sự cố trong ngành nào đó xảy ra, người ta thường nhắm đến cá nhân là những người đứng đầu vì chúng ta không dám thừa nhận rằng bác sĩ Tường và một số trường hợp khác tương tự là sản phẩm của hệ thống giáo dục không biết khuyến khích con người ta can đảm thừa nhận sai sót của mình.

GS ĐỖ ĐỨC VÂN (nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội)

Chung sức tối thiểu hóa sai sót

Ở các nước tiên tiến, người dân được thông báo, cung cấp những thông tin về tình hình sức khỏe và những tai biến, rủi ro có thể xảy ra. Người dân, cộng đồng kết hợp với các thầy thuốc để cùng hợp tác, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra và không có tâm lý đổ lỗi nếu có tai biến, rủi ro xảy ra.

Hệ thống y tế của chúng ta không đơn thuần chỉ do những người thầy thuốc xây dựng nên, hệ thống này do tất cả chúng ta, mỗi người là một viên gạch xây nên hệ thống. Hệ thống y tế cũng như bất kỳ hệ thống nào khác, chỉ được coi là an toàn và có khả năng vận hành tốt khi nào sai sót được ghi nhận như là một phần của hệ thống và là điều không thể tránh khỏi.

Hạn chế tối đa và thừa nhận sai sót trong hệ thống y tế, xem xét lại hệ thống để tìm ra cách khắc phục, để tối thiểu hóa sai sót (chứ không phải để không xảy ra sai sót) là việc cần làm. Mỗi khi sai sót xảy ra, thay vì tập trung đổ lỗi, quy tội cho một vài cá nhân, cho cơ quan quản lý hay cho người đứng đầu ngành như nhiều người trong số chúng ta đã làm hiện nay, thì chúng ta hãy nhìn nhận, tiếp cận với các sai sót theo quan điểm hệ thống nêu trên để xử lý một cách khoa học và hiệu quả như những nước phát triển trên thế giới.

Sao không giải quyết rốt ráo?

Trong bối cảnh những vụ “thiếu y đức” cứ liên tiếp bị vỡ lở gây xôn xao lòng dân, người dân trông chờ hơn bao giờ hết một thái độ rõ rệt cho thấy Nhà nước quyết tâm giải quyết vấn nạn “thiếu y đức” một cách rốt ráo. Thế nhưng, những tin tức về kết luận điều tra vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho các nhân vật chủ chốt và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cho những nhân viên dưới quyền, chưa đủ để cho phép tin rằng sẽ không có những vụ tương tự khác.

Nghĩa là y đức vẫn sẽ cứ tiếp tục mất tăm trong bối cảnh mà có quan chức bó tay mô tả rằng “Người cố tình làm sai chỉ có nội bộ mới biết được, chứ thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”.

Không phải để “truy bức” những người trong cuộc, song rõ ràng việc kết luận rằng đây chỉ là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội và bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) hơn 16,5 triệu đồng” mới chỉ nhìn ở góc độ đồng tiền. Những thiệt hại tính bằng tiền đó dẫu sao vẫn còn có thể đòi lại được, còn có những thiệt hại khác e rằng đã quá trễ để có thể khắc phục hậu quả.

Đó là sức khỏe bị suy giảm, biến chứng dị thường, thậm chí bệnh tình nghiêm trọng hơn hoặc tử vong vì không được điều trị hoặc điều trị sai do căn cứ trên kết quả xét nghiệm của người khác! Khi mà những người ấy đã khơi khơi in ra 1.544 kết quả xét nghiệm huyết học, trong đó có đến 1.488 kết quả giống hệt nhau, không ai có thể quả quyết được điều gì cho sức khỏe của những bệnh nhân bị xét nghiệm “ảo” như thế!

Liệu đã có một cuộc tổng tái khám số bệnh nhân bị xét nghiệm ảo, chẩn đoán sai và điều trị sai (hoặc không điều trị) dựa trên kết quả xét nghiệm giả mạo đó, đồng thời từ đó tìm xem liệu đã có những hậu quả như thế nào nơi bao nhiêu người trong số 1.488 kết quả xét nghiệm được in ra từ một bản gốc?

Rõ ràng những hậu duệ này của nhà vi trùng học Louis Pasteur đã “chôn sống” điều mà 32 viện Pasteur trên toàn cầu gọi là “tinh thần Pasteur” từ 125 năm qua là: “Đừng có đưa ra điều gì mà anh không thể chứng minh bằng thực nghiệm...”. E rằng ở phòng xét nghiệm -“photocopy” ấy và ở nhiều nơi khác, cấp khác, không mấy người (còn) biết đến giáo huấn của Louis Pasteur: “Hãy dành sự quan tâm đến những lãnh địa thiêng liêng được đặt tên một cách diễn đạt là các phòng thí nghiệm.

Mong sao những lãnh địa này sẽ ngày càng nhiều hơn và chúng sẽ được tô điểm để trở thành những ngôi đền của tương lai, của thịnh vượng và sức khỏe. Đây là nơi nhân loại sẽ lớn lên, vững mạnh và hoàn thiện” (Extrait de Nos demeures sacrées). Rõ ràng, ở những nơi như bệnh viện ấy, phòng xét nghiệm không hề là một “chốn thiêng liêng, một ngôi đền của tương lai, của thịnh vượng và sức khỏe, và là nơi để con người hoàn thiện” như mong mỏi của một trong những cha đẻ của y học hiện đại. Trái lại, đã biến thành hang ổ của tinh thần phản khoa học, phản nhân bản, của sự băng hoại thay vì hoàn thiện.

Thành ra nếu chỉ kết luận vụ giả mạo kết quả xét nghiệm hàng loạt và có dự mưu đó trong góc độ tổn thất tiền bạc mà thôi, e rằng sẽ còn có những sự cố gây chết người, thương tổn có dự mưu tương tự, và sẽ còn có không ít bệnh nhân phải bị tổn hại một cách “bất cần biết” mà không hề hay biết. Bàng quan như thế, làm gì còn chỗ cho y đức để mà kêu gào!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên